Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM (khoá VIII) hôm qua (10/12), đại biểu Phạm Hưng Út nêu vấn đề: An toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, các cửa hàng bán lẻ đang là vấn đề hết sức đáng lo. Sở Công thương và lực lượng liên ngành có biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho người dân?
Đại biểu Từ Minh Thiện chất vấn: Các cơ quan chức năng TPHCM đã đóng cửa các cơ sở vi phạm chưa?
Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Khoa cho biết, TPHCM hiện có 246 chợ được quản lý trực tiếp tại các quận huyện, 179 siêu thị, 37 trung tâm thương mại và 705 cửa hàng tiện lợi. Vì hệ thống cung ứng của TPHCM không đủ nên những năm qua Sở Công thương đã thực hiện liên kết cung cầu hàng hóa, như mặt hàng lương thực thực phẩm đưa từ các tỉnh Đông, Tây Nam bộ vào TPHCM.
Việc kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm do các Sở Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp.
“Một bộ phận cán bộ cơ sở còn quan liêu. Vừa rồi, Ban Kinh tế ngân sách đi giám sát 10 dự án. Khi trở về báo cáo, tôi liền triệu tập ngay cuộc họp, mời 10 chủ tịch ở Củ Chi, Hóc Môn lên hỏi tại sao không cấp đất cho dân nhưng không ai trả lời được”
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín
Tham gia trả lời chất vấn, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phước Trung nói nguyên nhân lớn nhất chưa thực hiện được an toàn vệ sinh thực phẩm là do... cơ chế.
Sở đã kiến nghị Bộ NN&PTNT và UBND thành phố về những bất cập giữa quy định của luật và thực tế. Cụ thể: Khi phát hiện chất cấm ở gia súc, theo quy định của Bộ vẫn có thể giữ lại gia súc cho đến khi thải hết chất cấm.
“Điều này rất nguy hiểm vì nếu không tiêu hủy những gia súc có chứa chất cấm có thể phát dịch. Thành phố đã kiến nghị tiêu hủy hết để tránh nguy cơ lây lan nhưng Bộ trả lời chung chung…” – ông Trung nói.
Đối với tình trạng nhiều người chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc trên đàn heo (lợn), ông Nguyễn Phước Trung cho rằng chất cấm này gần đây nổi lên là do thương lái Trung Quốc đang chuộng và săn lùng mua heo có trọng lượng trên 120 kg.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế nói nhà nước cần có chế tài mạnh hơn đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn và công bố rõ tên các doanh nghiệp sai phạm. Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, lãnh đạo 3 Sở cùng trả lời nhưng giải pháp còn chung chung, đơn vị nào đùn đẩy trách nhiệm.
Ai quản Game “bắn cá”?
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền chất vấn: Trò chơi bắn cá là một loại cờ bạc trá hình rất tinh vi nhưng ngày càng nở rộ trên địa bàn thành phố vì khâu cấp phép khá dễ dàng, vì sao?
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Sử Ngọc Anh, trò chơi game bắn cá là loại hình kinh doanh có điều kiện, khi có đăng ký kinh doanh là được phép hoạt động.
“Gần đây rộ lên chuyện họ mượn hình thức kinh doanh, lôi kéo học sinh vào tham gia làm biến tướng hình thức kinh doanh này. Sự việc này tôi đã nghe phản ánh, ông Anh thừa nhận.
Theo ông Anh, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có hiệu lực từ tháng 7/2015 nhưng chưa có thông tư hướng dẫn. Sở đã cùng các đơn vị liên quan bàn giải pháp quản lý. Vấn đề quan trọng sau khi cấp phép kinh doanh là hậu kiểm. Công tác hậu kiểm không phải của Sở KHĐT mà là của Sở Thông tin Truyền thông (TT&TT) và UBND các quận huyện.
Phó giám đốc Sở TT&TT Lê Quốc Cường trả lời: Sở TT&TT quản lý game (trò chơi), nếu là game trực tuyến thì trách nhiệm của sở TT&TT còn những game khác thì thuộc … Sở VHTT.
“Hiện nay, cung cấp trò chơi này ở TPHCM có trên 4000 cơ sở, đại lý. Trong vòng 1 năm, Sở đã nhận đựoc trên 3.000 giấy xin chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trực tuyến và đã cấp cho trên 1.300 điểm đủ điều kiện. Việc kiểm tra về sau thuộc Phòng Văn hoá thông tin các quận huyện, chúng tôi chỉ lo cấp phép. Từ năm 2016, chúng tôi sẽ tiến hành hậu kiểm” – ông Cường trả lời.
Theo Phó giám đốc Sở Văn hoá và thể thao Nguyễn Văn Minh, chỉ riêng tại huyện Củ Chi, từ tháng 1 đến tháng 7 ngành Văn hoá đã ra 37 quyết định xử phạt vi phạm hành chính game bắn cá với số tiền 45 triệu đồng.
“Game bắn cá tập trung nhiều nhất ở khu vực ngoại thành. Khi chúng tôi kiểm tra thì có giấy phép đầy đủ nên chỉ xử phạt là không đảm bảo được các điều kiện theo quy định. Chúng tôi chỉ đạo các quận huyện tăng cường kiểm tra, xử phạt theo hình thức đánh bạc, tịch thu tang vật và tiền vi phạm. Người đánh bạc có thể bi truy tố hình sự” – ông Minh cho biết.
Trả lời chất vấn về quy hoạch treo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín thừa nhận: Cấp Sở thì nói thu hồi xong 100% nhưng dân vẫn kêu đang bị “treo”. Tôi xuống kiểm tra mới biết nguyên nhân từ công tác tổ chức thực hiện. Tôi khẳng định đã thu 300 dự án quy hoạch treo. Chỉ đạo của thành phố là công khai rõ ràng nhưng cấp phường chỉ treo cho có, không ai đứng ra công khai, hướng dẫn người dân.
“Những dự án đã thu hồi thì phải giải quyết quyền lợi cho dân như cấp sổ, giấy phép xây dựng hay chuyển đổi mục đích, mua bán. Ai vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc” – ông Tín nói.