Trách nhiệm

Trách nhiệm
TP - Trách nhiệm là gì? Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Đó là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả. Định nghĩa là vậy, còn thực tế?

Còn nhớ chuyện chưa xa, khi cụ Rùa Hồ Gươm bị bệnh, nguyên chuyện đưa cụ lên để trị thương mà người ta đùn đẩy qua nhiều lắm ngành, nhiều cấp. Phường, quận đẩy lên thành phố, thành phố hỏi các ngành liên quan, các ngành liên quan hỏi ý kiến chuyên gia…

Mãi sau, khi cụ Rùa kiệt sức vì ô nhiễm, vì động vật ngoại lai rùa tai đỏ tấn công, cụ có nguy cơ “tịch” thì người ta mới quyết được chuyện cứu cụ. Hỏi vì sao lại có sự chậm trễ đó? Nhiều người liên quan trả lời, cụ là linh vật, dính vào nhỡ sinh ra chuyện không phải đầu cũng phải tai!

Lại chuyện đào lên lấp xuống vỉa hè tốn kém hàng ngàn tỷ đồng nhưng chất lượng, kỹ, mỹ thuật không đảm bảo. Trách nhiệm thuộc về ai, câu hỏi của dư luận cứ lòng vòng chạy quanh, đến khi xác định ra là do dân thiếu ý thức (!)

Rồi vụ vỡ đường ống nước sông Đà, qua 9 lần đào lên lấp xuống, xử lý trách nhiệm ban qua ban lại như bóng tròn trên sân cỏ, cho đến khi cực chẳng đã phải khởi tố vụ án thì trách nhiệm mới được tỏ tường.

Bao câu chuyện khác tương tự như quy trách nhiệm cho ai khi thực phẩm bẩn tràn ngập chợ. 4 bộ quản một miếng thịt, 7 ngành quản một thỏi xúc xích? Ai lãnh phân khúc nào, mắt xích nào trong chuỗi giá trị ấy đang bị giao thoa chồng lấn, đến khi phân định thì mỗi người mỗi ý, cố thủ cái lý của riêng mình.

Mới đây nhất, khi cơ quan chức năng ra quân xử lí mũ bảo hiểm, người ta mới té ngửa là chẳng biết phạt ai, và phạt thế nào. Phạt người tiêu dùng hay phạt cơ sở sản xuất? Phạt cơ sở sản xuất hay phạt cơ quan cấp phép, giám sát cơ sở sản xuất ấy? Chịu và buông! Lờ mờ lộ diện điệp khúc, quản không được thì cấm, cấm không được thì buông.

Vụ đang nóng và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận đó là hơn 7.000 lít hóa chất cực độc ngấp nghé bên bờ vịnh Hạ Long, 2 lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Dư luận lấy làm ngạc nhiên khi thấy quả bóng trách nhiệm lại được ban chuyền qua các công văn, tờ trình, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương, ban ngành chức năng. 7 năm qua lượng hóa chất siêu độc đủ sức hủy diệt mấy lần vịnh Hạ Long đó âm thầm tồn tại như sự thú nhận hiển nhiên, thuyết phục rằng trách nhiệm của những người liên quan cũng im ắng, ngủ yên.

Có một thực tế được cảnh báo trên nhiều diễn đàn hội nghị, hội thảo rằng, đã và đang có việc chạy chức, chạy quyền. Điều mà ai cũng biết, chức quyền phải gắn liền với trách nhiệm. Trớ trêu thay, thực tế đang diễn ra đang có nhiều vị quan chức chạy trốn trách nhiệm.

Trở lại vế sau của định nghĩa về trách nhiệm: Nếu kết quả công việc không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả. 

Hậu quả đó, phải chăng là tước bỏ đi quyền chức mà họ không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm ấy?

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.