Trách nhiệm nào với 'đại công trường'

Trách nhiệm nào với 'đại công trường'
TP - Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh, thành là hơn 91.000 tỷ đồng trong hơn 47.000 dự án.

> 10 năm không xong 2km đường
> Ngổn ngang dự án ngàn tỷ

Nợ ở đây được hiểu là chính quyền các địa phương nợ nhà thầu - những doanh nghiệp. Với khoản nợ kếch xù này, đã đẩy hàng ngàn doanh nghiệp đến cảnh tắc tử.

Câu chuyện đáng nói, dù không mới. Bởi cách đây 7 năm, tình trạng ồ ạt đầu tư, dù chưa biết nguồn tiền lấy từ đâu ra, đã đẩy tỉnh Hà Giang đến “thảm cảnh” đại công trường, nợ nần chồng chất.

Thời điểm đó, tỉnh này thống kê đã đầu tư khoảng 1.900 công trình xây dựng cơ bản, với tổng vốn dự toán được duyệt hơn 3.308 tỷ đồng. Một tỉnh nghèo như Hà Giang, sống nhờ ngân sách trung ương là chủ yếu, nhưng dám đầu tư hàng ngàn công trình, dẫn tới nợ hơn 200 doanh nghiệp cả ngàn tỷ đồng.

Khi đó, lãnh đạo tỉnh này ước tính phải 15 năm sau Hà Giang chưa trả hết nợ. Nhiều doanh nghiệp ứng vốn làm công trình tại Hà Giang khi đó đã phải kêu cứu, và phá sản vì không lấy được nợ.

Chuyện được phản ánh tường tận đến diễn đàn Quốc hội. Nhưng đáng tiếc, 7 năm sau, câu chuyện của Hà Giang không bị dẹp bỏ, mà lại lan ra cả nước. Nay thì không chỉ vài trăm doanh nghiệp “chết”, mà hàng ngàn doanh nghiệp đang “chết” thảm vì ứng vốn đầu tư, thi công các công trình, với hy vọng “xin”, “chạy” được vốn ngân sách.

Lý giải trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cho biết: Từ năm 2006 đến nay, toàn bộ dự án nhóm A, B, C đều đã được giao cho các địa phương thẩm định và phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Như vậy các địa phương được toàn quyền trong việc quyết định dự án đầu tư.

Thông thường, việc trao quyền phải gắn với trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây chính là trách nhiệm của người ký quyết định đầu tư. Khi công trình được quyết định đầu tư, khởi công, đương nhiên phải có tiền. Không có tiền mà vẫn làm, thì người ra quyết định đầu tư phải chịu kỷ luật.

Tuy nhiên, chưa thấy lãnh đạo tỉnh, thành nào phải chịu kỷ luật. Còn hậu quả thì đã thấy rõ, nếu Hà Giang phải mất 15 năm trả nợ cho “đại công trường”, thì với số nợ 91.000 tỷ trên, chính quyền các địa phương sẽ phải mất bao nhiêu năm trả nợ?

Hậu quả lớn hơn là hàng ngàn doanh nghiệp chết vì không đòi được nợ và hàng ngàn công trình dở dang, lãng phí? Vậy ai phải chịu trách nhiệm đây?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG