Trách nhiệm hình sự pháp nhân với tội tài trợ khủng bố, rửa tiền

Uỷ ban Thường vụ họp phiên thứ 7
Uỷ ban Thường vụ họp phiên thứ 7
TPO - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định hoạt động tài trợ khủng bố và rửa tiền có tính nguy hiểm cho xã hội hơn nhiều hành vi phạm tội khác.

Ngân hàng thế giới làm sai cũng phải phạt

Sáng 20/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 7, cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH14.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324). Thường trực Uỷ ban Tư pháp thấy, việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hai tội trên đã được Quốc hội khóa XIII cân nhắc và xin ý kiến trước khi quyết định.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 2 tội danh trên, có thể dẫn đến gây bất lợi cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Tại phiên họp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng, vấn đề quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là vấn đề mới, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng cần phải tuân theo thông lệ quốc tế. Ông cũng đồng ý với Uỷ ban Tư pháp cần chế định trách nhiệm hình sự pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền. 

“Khi các tổ chức ngân hàng thế giới phát hiện các ngân hàng Việt Nam tham gia việc chuyển tiền của các tổ chức khủng bố hoặc tham gia vào việc rửa tiền, người ta sẽ siết chặt hoạt động và nếu vi phạm nghiêm trọng thì sẽ phạt tiền các ngân hàng.

Có vụ việc ngân hàng bị phạt đến hàng trăm triệu USD. Nếu các ngân hàng thế giới làm sai thì chúng ta cũng phải phạt, quy định như thế này là hợp lý” – Chánh án TAND tối cao nói.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định, cần phải xem xét thêm, đánh giá kỹ vì hoạt động tài trợ khủng bố và rửa tiền hành vi, còn nguy hiểm hơn nhiều hoạt động khác.

Khó xác định giá trị hàng cấm 

Về quy định giá trị đối với hàng cấm làm căn cứ định tội, định khung hình phạt (các điều 190 và 191 của Bộ luật hình sự năm 2015), có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, quy định về giá trị là phù hợp, đồng thời cần có quy định bắt buộc các cơ quan chức năng phải tiến hành định giá để bảo đảm yêu cầu phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình lưu ý, xác định giá trị hàng cấm là một công việc mà Toà án trong nhiều nhiệm kỳ gặp khó khăn trong việc hướng dẫn. “Ở đây chúng ta yêu cầu giám định các loại hàng cấm như sừng tê giác, rượu, thuốc lá nhập lậu… Sừng tê giác giá trị rất cao nhưng không có căn cứ nào để xác định giá trị, rất khó giám định. Do đó, việc định khung, định khoản khi xét xử rất khó khăn”.

Chánh án cho rằng, vấn đề buôn lậu thuốc lá, rượu giả cũng vậy, khi đưa ra thị trường, người bán lừa người mua giá trị rất cao nhưng khi xác định là giả rồi thì giá trị cũng bằng không. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm, nghiên cứu kinh nghiệm các nước, nếu bắt giám định giá thì rất nhiều mâu thuẫn, gây khó khăn…

“Đối với chuyện vận chuyển, mua bán sừng tê giác, chỉ định lượng chứ quy về giá trị vật chất rất khó. Anh em khi xem xét các vụ án rất khó xử, vì trên thị trường không có giá cả cụ thể buôn bán sừng tê giác, mà chỉ có giá ngầm. Chưa ai định giá và chưa có tài liệu nào khẳng định tác dụng của sừng tê giác. Việc định tính, định lượng chỉ ở mức độ tương đối” – Thứ trưởng Lê Quý Vương nêu quan điểm. 

Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng băn khoăn, nếu quá cụ thể hoá Bộ luật Hình sự sẽ gây khó khăn trong việc thi hành. Chẳng hạn tội Xâm phạm chỗ ở, trong quá trình phát hiện đối tượng truy nã hoặc phạm tội quả tang, người dân đuổi bắt và chạy vào nhà người dân khác (không được sự đồng ý của chủ nhà) thì có phải phạm tội không?

MỚI - NÓNG