Thượng tướng Lê Quý Vương:

'Tội rửa tiền trong vụ Giang Kim Đạt là điển hình'

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời báo chí. Ảnh: Giang Huy.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời báo chí. Ảnh: Giang Huy.
Lãnh đạo Bộ Công an cho biết việc truy tố tội rửa tiền trong vụ án xảy ra tại Công ty vận tải Viễn dương Vinashin là "một điển hình", đồng thời cơ quan chức năng sẽ tích cực phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ngày 25/10, Thượng tướng Lê Quý Vương (Thứ trưởng Công an) cho biết các cơ quan chức năng đang hoàn tất các công việc theo quy định pháp luật, để đưa 6 đại án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng ra xét xử sơ thẩm từ nay đến quý I năm 2017.

Về vụ án “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin, VKSND tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 4 bị can, trong đó có Giang Kim Đạt (39 tuổi, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines) về tội tham ô tài sản. Liên quan vụ án, Giang Văn Hiển (bố đẻ của Giang Kim Đạt) bị truy tố về tội Rửa tiền.

Thượng tướng Lê Quý Vương cho hay, việc truy tố tội Rửa tiền ở vụ án trên là một điển hình, theo đó bị can trong vụ án đã chuyển tiền ra nước ngoài, mua nhà cửa ở Singapore. “Hiện Ngân hàng Nhà nước có Cục phòng chống rửa tiền để giám sát những giao dịch đáng ngờ, ngoài ra Việt Nam là thành viên của các công ước quốc tế có liên quan, do vậy chúng ta sẽ tích cực thực hiện trách nhiệm của mình và thế giới cũng rất quan tâm”, Thứ trưởng Bộ Công an nói và cho biết các cơ quan chức năng sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phòng, chống chuyển tiền ra nước ngoài bất hợp pháp, “rửa tiền bẩn”.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, dự kiến cuối năm 2016, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương sẽ được đưa ra xét xử.

“Những vụ án như thế này điều tra vất vả lắm”, tướng Vương nói và đưa ra ví dụ một ngân hàng có hoạt động liên quan đến nhiều công ty khác nhau, gồm công ty mẹ và các công ty con, do vậy cơ quan điều tra phải thu thập tài liệu chứng minh chủ trương chỉ đạo “từ trên như thế nào, HĐQT ra sao, điều hành của tổng giám đốc rồi đến các công ty con, phải qua hệ thống kế toán mới làm rõ được chi tiết”.

Thứ trưởng Công an nói vụ án liên quan đến ngân hàng “không phải chỉ có mấy trang hồ sơ, thậm chí hàng mấy tạ hồ sơ, ví dụ xử vụ Huỳnh Thị Huyền Như thì trong TP HCM phải chuyển mấy tạ hồ sơ để toà án nghiên cứu, không đơn giản”.

Nhìn nhận hoạt động của hệ thống ngân hàng dưới góc độ pháp luật, Thứ trưởng Công an đề cập đến vấn đề “lợi ích nhóm” hay còn gọi là “sân sau”. Một cá nhân đồng thời với thành lập ngân hàng là thành lập hàng loạt công ty, chuyển tiền lòng vòng, mua bán bất động sản, đầu tư không đúng dẫn đến xung đột lợi ích. Trong khi đó, ngân hàng ở Việt Nam chủ yếu huy động tiền gửi của dân, không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn, rồi ngân hàng dùng tiền đó cho tổ chức, cá nhân vay, khoản vay hợp pháp nhưng lên đến 5 năm, 10 năm, “lấy ngắn hạn đầu tư dài hạn thì rất rủi ro”. Kinh nghiệm các nước cho thấy cần phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn chủ yếu, “có nhiều nước tiền gửi ngân hàng lãi suất bằng không hoặc không đáng kể”.

'Tội rửa tiền trong vụ Giang Kim Đạt là điển hình' ảnh 1

Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến quý I năm 2017.

Trả lời câu hỏi về thông tin đề xuất thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng từ trước đến nay chưa áp dụng, do vậy phải cân nhắc thận trọng, nếu cần thiết thì tiến hành. "Chúng tôi biết là Chính phủ đang bàn nhiều phương án để đưa ra phương án tối ưu nhất, đảm bảo ổn định trong hoạt động của hệ thống tài chính tiền tệ, ổn định trong xã hội và quyền lợi của người gửi tiền, người gửi tiền hết sức yên tâm”, Thứ trưởng Công an nói.

Cùng với việc nhấn mạnh quá trình điều tra, xét xử 6 đại án tham nhũng, kinh tế sẽ được làm “triệt để, khách quan, công khai, minh bạch, không có vùng cấm”, Thứ trưởng Công an cho biết sở dĩ thời gian qua nhiều vụ án lớn được đẩy nhanh tiến độ là có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nỗ lực của các cơ quan tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử. “Lúc nào cũng phải tuân thủ pháp luật, nhưng cái gắng sức của lực lượng chức năng là rất quan trọng”, tướng Vương nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.