Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo: UBND cấp xã, phường chỉ cho phép thực hiện cách ly tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn; tổ chức quản lý, giám sát thực hiện nghiêm việc tổ chức cách ly y tế tại nhà; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý theo quy định.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về điều kiện cách ly y tế tại nhà phòng chống dịch COVID-19, đối tượng áp dụng là những người được xác định tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 (gọi là F1). Theo đó, nơi cách ly là nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập).
Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19”. Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế. Cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe (bố trí bàn, ghế, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn, thùng đựng chất thải lây nhiễm, thùng đựng chất thải sinh hoạt).
Phòng cách ly phải đảm bảo khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn (sau đây gọi tắt là dung dịch sát khuẩn tay). Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng; có thùng đựng chất thải, màu vàng, có nắp đậy; mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm (khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng), có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.
Hướng dẫn của Bộ Y tế lưu ý: Không được dùng điều hòa trung tâm. Có thể dùng điều hòa riêng. Đảm bảo thông thoáng khí, tại phòng cách ly, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ.
Khu vực dành cho cách ly phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly. Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu có điều kiện, tốt nhất là chuyển toàn bộ người ở cùng nhà không thuộc đối tượng phải cách ly sang ở nhà/khu vực riêng biệt khác. Nếu không chuyển sang ở nhà/khu vực riêng biệt khác thì người ở cùng nhà với người cách ly không được tiếp xúc với người xung quanh, không đi ra ngoài khi không cần thiết và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian có người cách ly tại nhà.
Bộ Y tế cho biết trong ngày 27/6, Việt Nam ghi nhận thêm 323 ca mắc mới COVID-19 với 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Kiên Giang (4), Tây Ninh (3), Khánh Hòa (2). 314 ca ghi nhận trong nước trong đó riêng TPHCM (200), Bình Dương (36), Bắc Giang (20), Hưng Yên (15), Quảng Ngãi (15), Phú Yên (8)... Trong số các ca ghi nhận trong nước, có 284 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Có thêm 183 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong ngày Việt Nam ghi nhận 2 ca tử vong do COVID-19, đáng chú ý có 1 bệnh nhân 53 tuổi không mắc bệnh lý nền đã tử vong sau vài ngày nhập viện.