TPHCM muốn làm BOT trên đường hiện hữu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TPHCM vừa đề xuất áp dụng lại hình thức BOT trên đường hiện hữu, với dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu và dự án đường trên cao số 5. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, việc này cần xem xét, đánh giá kỹ tác động đối với người dân, cũng như tính hợp lý trong quá trình lắp đặt các trạm thu phí.

Đây là một trong những ý kiến của Bộ KH&ĐT tại tờ trình Chính phủ về tình hình xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế (Nghị quyết 54 của Quốc hội) về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM.

Cụ thể, sau nhiều năm dừng triển khai, TPHCM muốn áp dụng lại hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên đường hiện hữu, cho dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu và dự án đường trên cao số 5. Bộ KH&ĐT cho rằng, việc này cần xem xét, đánh giá kỹ tác động đối với người dân, cũng như tính hợp lý trong quá trình lắp đặt các trạm thu phí.

TPHCM muốn làm BOT trên đường hiện hữu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói gì? ảnh 1

TPHCM muốn áp dụng lại hình thức BOT trên đường hiện hữu.

Hiện, Nghị quyết số 437 (ngày 21/10/2017) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định chỉ áp dụng BOT đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.

Ngoài ra, về việc áp dụng hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) trả bằng ngân sách thành phố, theo Bộ KH&ĐT, có nhiều ý kiến e ngại nếu thí điểm chính sách này. Bởi vì, chi phí đầu tư lớn hơn so với đầu tư công do phải chi trả phần lãi vay, lợi nhuận của nhà đầu tư. Việc lập dự án, lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu chỉ định thầu, không đảm bảo công khai, minh bạch. Một số dự án không bố trí kịp ngân sách để chi trả nên tạo gánh nặng trả nợ cho Nhà nước.

Mặt khác, cơ chế BT trả bằng ngân sách nhà nước chưa gắn trách nhiệm vận hành của nhà đầu tư; quản lý dự án chưa chặt chẽ như các dự án đầu tư công, nên có thể chất lượng dự án không được bảo đảm.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần xem xét bổ sung chức năng cho công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) thành Quỹ đầu tư của thành phố, để TPHCM tận dụng được hết nguồn lực sẵn có

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, HFIC là công ty TNHH một thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con do UBND Thành phố làm chủ sở hữu. Để thực hiện được chức năng của quỹ đầu tư phát triển địa phương, Bộ KH&ĐT cho rằng, HFIC phải được bổ sung nguồn lực để tăng vốn điều lệ, từ việc tăng nguồn thu cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc thành phố. Lợi nhuận để lại sau khi trích lập các quỹ và bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương dùng hỗ trợ lãi suất cho các dự án thuộc chương trình kích cầu đầu tư trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đề nghị TPHCM rà soát, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ sự cần thiết, tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội của đề xuất này.

Sau khi gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết, trước ngày 15/3, Bộ KH&ĐT cho biết sẽ báo cáo Chính phủ xem xét thông qua (để đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội, và thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp Quốc hội).

Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra hồ sơ dự thảo nghị quyết lần 1 tại phiên họp đầu tháng 4/2023 và lần 2 tại phiên họp đầu tháng 5/2023.

MỚI - NÓNG