TPHCM lên phương án quản lý shipper mùa dịch COVID-19

TPHCM lên phương án quản lý shipper mùa dịch COVID-19
TPO - Sở Y tế TPHCM cho biết, cơ quan chức năng cần quản lý những người đi giao hàng (shipper), cần có danh sách quy định số lượng shipper ở mỗi khu vực, địa phương để kịp thời xử lý nếu có tình huống mới.

Chiều 31/3, tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đề xuất, bên cạnh những giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua của thành phố, rà soát những trường hợp người nhập cảnh về trước ngày 8/3.

TPHCM lên phương án quản lý shipper mùa dịch COVID-19 ảnh 1 TPHCM yêu cầu quản lý những người giao hàng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Ảnh Uyên Phương

Đến nay TPHCM chưa phát hiện thêm những ổ dịch nào trong công cộng. Hiện nay cơ quan chức năng cần quản lý những người đi giao hàng (shipper), cần có danh sách quy định số lượng shipper ở mỗi khu vực, địa phương để kịp thời xử lý nếu có tình huống mới.

TPHCM lên phương án quản lý shipper mùa dịch COVID-19 ảnh 2  TPHCM yêu cầu các địa phương cần có danh sách quy định số lượng shipper ở mỗi khu vực để dễ quản lý. Ảnh Uyên Phương

Cán bộ, công chức làm việc tại nhà

Trong khi đó, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, các cơ quan đơn vị nhà nước vẫn tiếp tục làm việc bình thường nhưng có thay đổi phương thức làm việc. Các cơ quan đơn vị tổ chức sắp xếp cán bộ công chức làm việc tại nhà và chỉ đến cơ quan giải quyết những công việc thực sự cần thiết, cấp bách.

Sở Nội vụ đề xuất các cơ quan bố trí cán bộ công chức làm việc tại nhà sẽ quản lý công việc theo phần mềm, văn phòng điện tử và theo dõi kết quả công việc. Tổ chức tại cơ quan sẽ có các bộ lãnh đạo trực cần thiết để phát hành các văn bản cần thiết cấp bách, không quá 1/3 cán bộ công chức đến cơ quan làm việc, trừ trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của lãnh đạo cấp trên.

Cán bộ công chức làm việc tại nhà phải nghiêm túc thực hiện theo sự phân công của lãnh đạo cơ quan. Chỉ giải quyết những thủ tục hành chính qua mạng (cấp độ 3,4), một số thủ tục cấp thiết khác phải giải quyết thì phải đảm bảo yêu cầu phòng ngừa dịch bệnh theo quy định.

Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, để chuẩn bị làm việc cho 2 tuần tới, đề nghị các đơn vị triệt để sử dụng, ứng dụng phần mềm, công nghệ thông tin để làm việc. Trong đó là xây dựng hệ thống quy định các đầu mối liên lạc, duy trì số lượng tối thiểu làm việc ở cơ quan, làm việc tại nhà cũng như có quy định về việc trao đổi công việc. Về tổ chức hội họp, TPHCM đã trang bị hệ thống họp trực tuyến nên đề nghị các đơn vị sử dụng triệt để qua kênh họp trực tuyến này.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết tình hình ở các siêu thị, người dân đến mua thực phẩm đông trong hôm nay (tăng từ 20-30%).

Trước đó, Sở Công Thương TPHCM khẳng định các chợ, siêu thị và cửa hàng cung cấp thực phẩm, lương thực vẫn hoạt động trong những ngày tới và khuyến cáo người dân không mua tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Sở Công Thương TPHCM cũng đề nghị người dân hạn chế đến các điểm bán tập trung đông người để giảm rủi ro lây nhiễm bệnh COVID-19, giữ khoảng cách tối thiểu 2m và tích cực mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.

Trước đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM gửi văn bản khẩn đến UBND các quận, huyện; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và các doanh nghiệp – cá nhân hành nghề vận chuyển thực phẩm (thức ăn, đồ uống) về việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đề nghị UBND 24 quận, huyện triển khai hướng dẫn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn (trừ cơ sở chế biến suất ăn sẵn và bếp ăn công nghiệp có hướng dẫn riêng), các doanh nghiệp, cá nhân hành nghề vận chuyển, giao nhận thực phẩm (thức ăn, đồ uống) phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch, giảm nguy cơ lây lan dịch trong suốt quá trình giao, nhận thực phẩm (thức ăn, đồ uống).

Cụ thể, các cơ sở dịch vụ ăn uống phải bố trí nơi giao hàng hợp lý, hướng dẫn người vận chuyển, người mua hàng xếp hàng trật tự và giữ khoảng cách an toàn (ít nhất 2 mét). Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tụ tập gây ùn tắc trong cơ sở.

Người vận chuyển, người mua hàng phải luôn mang khẩu trang trong suốt quá trình tác nghiệp, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng/nước hoặc dung dịch diệt khuẩn. Người vận chuyển, người mua hàng chỉ nhận hoặc giao hàng với đối tác có mang khẩu trang và phải giữ khoảng cách an toàn với người mua hàng (ít nhất 2m). Người vận chuyển, người mua hàng không được tụ tập quá 10 người tại một địa điểm trong cùng thời điểm và phải giữ khoảng cách an toàn (ít nhất 2m).

MỚI - NÓNG