TPHCM: Khẩn cấp lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TPHCM: Khẩn cấp lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19
TPO - Cứu chữa cho các ca bệnh nặng, nguy kịch giảm thấp nhất số ca tử vong là mục tiêu hàng đầu được GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đặt ra trong buổi làm việc với TPHCM. Bộ Y tế sẽ hỏa tốc lập 3 trung tâm hồi sức tích cực tại TPHCM với sự hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện Việt-Đức, Bạch Mai, và Bệnh viện Trung ương Huế.

Sáng 29/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc với Thành uỷ, UBND TPHCM về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Bộ trưởng đánh giá thành phố đang gồng mình, hết sức nỗ lực cho cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. “Đây là trận chiến chống dịch nặng nề nhất, chưa có trong tiền lệ. Theo đánh giá của chúng tôi Thành phố đang đi đúng hướng trong cuộc chiến phòng chống dịch”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

TPHCM: Khẩn cấp lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 ảnh 1

Số ca mắc bệnh tại TPHCM đang tăng nhanh kéo theo nhóm bệnh nặng, tử vong ở mức cao.

Tại buổi làm việc, theo Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, vấn đề cần quan tâm nhất trong phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố tại thời điểm này là làm thế nào để cứu chữa được các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong.

Để tiếp tục cùng TPHCM phòng chống dịch COVID-19, ngoài những lực lượng tinh nhuệ đã huy động trước đó, Bộ Y tế tiếp tục điều động các vụ cục và nhiều bệnh viện tiếp tục chi viện cho TPHCM chống dịch.

Trong thời gian sớm nhất tất cả các lãnh đạo Cục - Vụ liên quan và giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Hữu nghị… của Bộ Y tế sẽ vào TPHCM. Các bệnh viện trên sẽ cùng chung sức thiết lập nên hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19.

Bộ Y tế sẽ giao các bệnh viện tuyến trung ương thiết lập 3.000 giường hồi sức trên địa bàn TPHCM, Giám đốc các bệnh viện trung ương sẽ làm giám đốc các bệnh viện hồi sức COVID-19 này.

TPHCM: Khẩn cấp lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 ảnh 2

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường tại Thành phố Thủ Đức hiện không đủ đáp ứng điều trị ca bệnh nặng và nguy kịch.

Như vậy, ngoài Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (bệnh viện này đã đi vào hoạt động và đang tập trung điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch), Bộ Y tế sẽ cùng với Thành phố thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực khác để tập trung điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng.

Bộ Y tế giao Giám đốc Bệnh viện Việt- Đức Trần Bình Giang kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 của Bộ Y tế trên địa bàn Quận Thủ Đức với quy mô 500 giường. Đồng thời, Bộ Y tế giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ Bệnh viện Việt-Đức về điều trị hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng.

Giám đốc Trần Bình Giang cho biết, chiều qua đã đưa ê kíp gây mê hồi sức của Bệnh viện Việt – Đức vào TPHCM, đồng thời chuẩn bị sẵn 30% nhân lực của Bệnh viện để sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Bộ Y tế giao thiết lập Trung tâm hồi sức COVID-19 quy mô 500 giường. “Tôi đã yêu cầu đội ngũ làm gây mê hồi sức của Bệnh viện Việt Đức tập huấn về chuyên môn để sẵn sàng vào là bắt tay vào việc”- GS.TS Trần Bình Giang nói.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn sẽ kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực của Bộ Y tế đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 của TPHCM với quy mô 500 giường. Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai sẽ cử các chuyên gia đầu ngành, trong đó có đội ngũ chuyên gia về hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực đã có kinh nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Ninh; Bắc Giang, Hải Dương… vào làm việc tại Bệnh viện hồi sức này.

TPHCM: Khẩn cấp lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 ảnh 3

Bộ Y tế sẽ lập thêm 3 bệnh viện Hồi sức COVID-19 với mục tiêu cứu chữa các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Bệnh viện Trung ương Huế được giao nhiệm vụ thiết lập Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13. Ngoài ra, Giám đốc các Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện K được giao nhiệm vụ sẵn sàng chung sức thiết lập thêm một Trung tâm hồi sức tích cực khác khi cần.

Giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương cho rằng tùy theo tình hình thực tế có thể điều phối nhân lực phù hợp, đồng thời đề nghị TP Hồ Chí Minh cần lên phương án cụ thể về nhân lực, để các chuyên gia về hồi sức của các bệnh viện do Bộ Y tế điều động vào cùng tập huấn chia sẻ về chuyên môn để bắt tay ngay vào công việc. Về cơ sở vật chất, dựa trên các điều kiện đã có của các bệnh viện thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực để thiết lập thêm dần dần đáp ứng công năng điều trị.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, để các Trung tâm hồi sức tích cực của các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn TPHCM hoạt động hiệu quả, Thành phố cần thiết lập một trung tâm điều phối, hỗ trợ các Trung tâm Hồi sức tích cực để mọi hoạt động được nhịp nhàng, hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nặng. Bên cạnh đó TPHCM cần đảm bảo các công tác hậu cần để các Trung tâm Hồi sức tích cực hoạt động hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM đều nhất trí với phương án của Bộ Y tế và chỉ đạo các Sở, ngành liên quan nhanh chóng phối hợp cùng các đơn vị của Bộ Y tế triển khai thiết lập các Trung tâm Hồi sức tích cực này này với tinh thần “nhanh nhất vì sức khỏe người dân”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.