Tiêm vắc-xin COVID-19: Năm lưu ý quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
Sau tiêm vắc-xin cần lưu ý các biểu hiện sức khỏe. Ảnh: Long Phạm
Sau tiêm vắc-xin cần lưu ý các biểu hiện sức khỏe. Ảnh: Long Phạm
TP - Không nên uống rượu bia trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng; luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24h là 2 trong 5 lưu ý quan trọng mà Bộ Y tế khuyến cáo người tiêm vắc-xin COVID-19.

Người được tiêm vắc-xin cần lưu ý 5 điểm sau: Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm; không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng; không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...); bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ; nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Dấu hiệu cần đến ngay bệnh viện

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Trong quyết định này, Bộ Y tế lưu ý, khi thấy một trong những dấu hiệu sau, người được tiêm vắc-xin cần liên hệ đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện. Cụ thể, ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó; có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái. Nếu toàn thân có những biểu hiện như chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường, đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn, sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt cũng cần đi bệnh viện càng sớm càng tốt.

Trước khi tiêm chủng, người đi tiêm cần lưu ý chuẩn bị 5 điều sau: Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế, phiếu tiêm các vắc-xin khác, sổ khám bệnh, đơn thuốc… sử dụng gần đây. Trong ngày đến tiêm chủng, khai báo y tế trước khi đến trung tâm, chuẩn bị khẩu trang, tuân thủ thông điệp 5K, ăn uống đầy đủ. Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh và khai báo thông tin cần thiết. Chủ động thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân như: Tình trạng sức khỏe hiện tại; các bệnh mạn tính đang được điều trị; các thuốc và liệu trình điều trị được sử dụng gần đây. Người đi tiêm cũng nên cung cấp thông tin về tiền sử dị ứng hoặc phản vệ của bản thân với bất kỳ tác nhân nào.

Nếu tiêm lần thứ 2, nên thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau lần tiêm trước. Ngoài ra, cần cung cấp thông tin về tình trạng nhiễm virus hoặc mắc COVID-19 (nếu có); các loại vắc-xin được tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua; tình trạng mang thai hoặc nuôi con bú (nếu là nữ trong độ tuổi sinh đẻ).

Khánh Hòa: Không tiêm vắc-xin tại trạm y tế

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hoà cho biết, từ ngày 28/7, Khánh Hòa tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đợt 4 cho người dân với 42.000 liều Moderna và 5.850 liều Pfizer mà Bộ Y tế vừa phân phối cho tỉnh. Tỉnh đã thành lập 26 điểm tiêm tại các trung tâm, bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực; không tổ chức tiêm tại các trạm y tế.

CÔNG HOAN

Lưu ý quan trọng sau tiêm

Bác sĩ Đào Thị Hảo, Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nói rằng, cần đảm bảo giấc ngủ, chế độ sinh hoạt đều đặn như ngủ đủ giấc, ngủ thật ngon vào đêm trước khi tiêm, giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tối đa. Giữ đủ nước cho cơ thể, nước giúp các tế bào loại bỏ độc tố. Ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm. Nên ăn đủ các nhóm chất thịt, cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi. Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm với đậu xanh... và chia nhỏ bữa ăn. Đặc biệt không để bụng đói trước khi tiêm vì nhịn đói trước tiêm có thể gây chóng mặt, ngất xỉu, nhất là với người sợ kim tiêm.

Bác sĩ Hảo nói rằng, đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy việc uống rượu làm giảm hiệu quả của vắc-xin COVID-19, cũng không có bằng chứng cho thấy vắc-xin không an toàn đối với người sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ và các chuyên gia đặc biệt cảnh báo, nên tránh uống rượu trước và sau khi tiêm vắc-xin vì rượu có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước. Tốt nhất, nên kiêng uống rượu trong vòng 1 ngày hoặc lâu hơn sau khi tiêm. Rượu còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vắc-xin. Ngoài ra, rượu bia được chứng minh là chất làm căng thẳng hệ miễn dịch.

TPHCM: Tiêm vắc-xin sau 18 giờ

Ngoài lịch tiêm chủng ban ngày, TPHCM sẽ mở rộng khung thời gian tiêm vắc-xin COVID-19 cho người dân sau 18 giờ. Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, cho biết: “Thành phố đang quy định sau 18 giờ, tất cả người dân không được ra đường… Do đó, thành phố sẽ bắt đầu tổ chức tiêm vắc-xin sau 18 giờ trong những ngày sắp tới”.

Vân Sơn

MỚI - NÓNG