TPHCM giảm thu nhập của cán bộ để hỗ trợ người gặp khó khăn

Cán bộ, công chức viên chức TPHCM sẽ bị giảm thu nhập để hỗ trợ cho người nghèo
Cán bộ, công chức viên chức TPHCM sẽ bị giảm thu nhập để hỗ trợ cho người nghèo
TPO - Việc điều chỉnh giảm hệ số tăng thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức là thực hiện theo chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về sử dụng nguồn dự phòng ngân sách chi cho nhiệm vụ phòng, chống dịch và hỗ trợ chính sách cho một số đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Chiều 21/4, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã có văn bản khẩn số 1456 /UBND-KT gửi các sở ngành liên quan và UBND 24 quận huyện về việc điều chỉnh giảm hệ số tăng thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức. 

Theo đó, việc điều chỉnh là thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương sử dụng nguồn dự phòng ngân sách chi cho nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ chính sách cho một số đối tượng khó khăn do dịch COVID-19.

Theo đề xuất của Sở Nội vụ, văn bản của UBND TPHCM chỉ đạo các sở ban ngành, quận huyện điều chỉnh giảm hệ số tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể: Cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương trên 3.00 sẽ điều chỉnh hệ số tăng thu nhập tối đa từ 1,2 lần giảm còn 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ của năm 2020. Cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương từ 3.00 trở xuống: Điều chỉnh hệ số tăng thu nhập tối đa từ 1,2 lần giảm còn 0,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ của năm 2020.  

Riêng mức chi trả thu nhập tăng thêm cho người được tuyển dụng vào làm việc theo chế độ hợp đồng và Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ, UBND TPHCM quyết định tiếp tục thực hiện như cũ (mức tối thiểu 3.000.000 đồng/người/quý). 

Thời gian thực hiện việc điều chỉnh thu nhập là từ ngày 1/1/2020.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, việc điều chỉnh hệ số thu nhập tăng thêm của cán bộ công chức, viên chức thành phố là để góp phần chia sẻ khó khăn với người dân và cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp; đặc biệt là trong tình hình thu ngân sách Nhà nước sụt giảm mạnh. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đồng thời căn cứ khả năng cân đối ngân sách của thành phố, UBND TPHCM sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét điều chỉnh, tăng hệ số tăng thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức theo lộ trình.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 19 (kỳ họp bất thường), HĐND TPHCM khóa IX đã thông qua gói hỗ trợ trị giá 2.753 tỷ đồng về chi phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cho người lao động bị tác động bởi dịch bệnh từ nguồn ngân sách dự phòng.

Cụ thể: TPHCM hỗ trợ tiền ăn đối với người áp dụng biện pháp cách ly; công an, quân đội và các lực lượng  khác tham gia phối hợp phòng chống dịch là 90 nghìn đồng/người/ngày; nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch 120 nghìn đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ là trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế và điều trị COVID-19.

TPHCM cũng quyết định hỗ trợ khẩu trang kháng khuẩn, có thể tái sử dụng 10 lần cho học sinh, học viên các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp công lập; công nhân vệ sinh (thu gom, vận chuyển rác, quét đường, thoát nước) trực tiếp tham gia chống dịch với mức hỗ trợ 3 cái/người/tháng trong 3 tháng.

Đặc biệt, người lao động mất việc do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp), bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và các nhóm trẻ với mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng tính theo số ngày thực tế mà người lao động bị mất việc và thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng.

TPHCM giảm thu nhập của cán bộ để hỗ trợ người gặp khó khăn ảnh 1 Gần 15.000 người bán vé số dạo được hỗ trợ khó khăn 750.000 đồng/15 ngày.

Tổng số người được hỗ trợ lên tới 600 nghìn người. TPHCM cũng quyết định trang bị 10 xe ô tô chuyên dùng áp lực âm cho trung tâm cấp cứu 115 (thuộc Sở Y tế) với kinh phí khoảng 135 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, để tránh dịch bệnh lây lan, TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp kiên quyết, hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để đảm bảo sức khỏe người dân TPHCM như: Đóng cửa các rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu kể từ 18/3 và tạm dừng hoạt động các  khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ từ 30 người trở lên), câu lạc bộ bida, Phòng tập thể hình (Gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc… từ ngày 24/3.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 3 tháng đầu năm ước chỉ tăng 0,42% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,64%). Khách quốc tế đến thành phố giảm 34,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,1%). Trong 3 tháng qua, TPHCM có hơn 1.350 doanh nghiệp giải thể (tăng 37,6% so với cùng kỳ).

Thu ngân sách giảm 35%

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, trung bình mỗi ngày làm việc, TPHCM chỉ thu ngân sách được gần 899 tỷ đồng, giảm 35% so cùng kỳ 2019 và chỉ đạt 55% so với mức thu trung bình phải thu theo dự toán năm 2020 (hơn 1.636 tỷ đồng/ngày). Chỉ tiêu dự toán năm 2020 của TPHCM là 405.828 tỷ đồng chắc chắn sẽ rất khó đạt. “Việc DN đóng cửa sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu hộ gia đình, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn định về kinh tế - xã hội”, ông Phong đánh giá.

MỚI - NÓNG