TPHCM cần các kế hoạch ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới

TPO - UBND TPHCM giao Sở Tư pháp hoàn tất đề xuất tham mưu về quy trình cách ly bắt buộc vì sự an toàn của cộng đồng trong và trình UBND TPHCM trong 2 ngày làm việc. Đồng thời, nghiên cứu quy chế xử phạt với người không chấp hành đeo khẩu trang nơi công cộng.

Tối 23/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, 2 tuần tới sẽ là thời điểm cần đẩy mạnh kết hợp nhiều giải pháp và các kế hoạch ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới. Trong đó, các Sở, ngành, quận huyện nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh covid-19, không chủ quan, lơ là vì sự an toàn của người thân và cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, hiện nay có một số trường hợp thuyết phục mà không đi cách ly. Vì sự an toàn cho cộng đồng buộc phải cưỡng chế cách ly nếu không tuân thủ theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Sở Tư pháp và các cơ quan nghiên cứu giải pháp cưỡng chế cách ly khi có yêu cầu...Đồng thời nghiên cứu có quy định, biện pháp xử phạt hành chính nếu không tuân thủ đeo khẩu trang nơi công cộng.

Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu, phải đặt công tác tuyên truyền đóng lên hàng đầu trong công tác phòng chống dịch. Sở Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các địa phương tạo hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ đến từng khu phố, từng nhà, từng người dân nâng cao ý thức về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Các quận triển khai đo thân nhiệt tại các chung cư trên địa bàn, nắm rõ lộ trình di chuyển của những người đến từ, đi qua vùng dịch hoặc có tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Hiện nay, vẫn còn tình trạng người dân mua khẩu trang không có hoặc phải mua với giá cao do một số cá nhân “găm” hàng. Sở Công Thương cần chỉ đạo rà soát, kiểm tra và xử phạt với các biện pháp mạnh, công khai trên báo đài để làm gương, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang vì trục lợi.

TPHCM cần các kế hoạch ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới ảnh 1 TPHCM xử phạt hành chính nếu không đeo khẩu trang nơi công cộng. Ảnh Sở Y tế

Liên quan đến những người có dấu hiệu trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định cách ly của cơ quan chức năng trong mùa dịch bệnh Covid-19, luật sư Lê Quang Vũ (Giám đốc Công ty Luật Công Bình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo Điều 8 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

TPHCM cần các kế hoạch ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới ảnh 2 Không tuân thủ cách ly có thể bị cưỡng chế. Ảnh Văn Minh

Theo Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Người vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp buộc thực hiện việc cách ly, cưỡng chế cách ly y tế.

Cũng theo luật sư Lê Quang Vũ, những người có hành vi trốn tránh cách ly y tế mà mang mầm bệnh, lây lan cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ Luật hình sự hiện hành. Tuỳ theo mức độ gây thiệt hại, người phạm tội có thể bị phạt tù lên tới 12 năm và có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng.

MỚI - NÓNG