Bùng nổ phút 89
Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, việc mua sắm Tết tại TPHCM bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên vào hai ngày cuối tuần. Sức mua tập trung chủ yếu vào thực phẩm chế biến, hàng gia dụng, quần áo, rượu, bia, nước giải khát…
Tại hầu hết siêu thị và điểm mua bán trên toàn thành phố đều đông người mua. Nhiều nơi, khách hàng phải xếp hàng dài chờ thanh toán.
“Sức mua trong 3 tuần đầu của tháng chạp có tăng nhưng không bằng mọi năm. Sức mua sẽ tăng rất mạnh vào tuần cuối cùng trước Tết và đã bắt đầu tăng mạnh trong hai ngày qua” - ông Nguyễn Thành Nhân - Phó TGĐ Saigon Coop kiêm Giám đốc chuỗi siêu thị Coop Mart cho biết.
Sức mua được dự báo tăng 30-35% so với năm ngoái. Lý giải về tình trạng sức mua chỉ thực sự bùng nổ vào tuần cuối cùng, ông Nhân cho rằng một mặt do năm nay Tết âm lịch rất gần với Tết dương lịch, khách hàng vừa trải qua một đợt mua sắm khá lớn cuối năm dương lịch nên chưa sẵn sàng mua sắm cho Tết âm lịch.
Mặt khác, việc thưởng Tết tại các đơn vị, doanh nghiệp được triển khai khá muộn. Cũng theo ông Nhân, nếu như những tuần trước khách hàng chủ yếu mua sắm các mặt hàng quà tặng (gói quà) thì ở tuần cuối sẽ tập trung mua sắm cho nhu cầu gia đình.
Ông Văn Đức Mười-TGĐ Cty Vissan cũng cho biết khoảng 3 tuần trước sức mua thực phẩm chế biến và thịt tươi tăng khoảng 20% so với ngày bình thường nhưng dự báo trong cuần cuối cùng trước Tết sức mua sẽ tăng khoảng 40% so với ngày bình thường, đặc biệt là thực phẩm chế biến.
Tuy nhiên, ông Mười cho rằng: “Người mua có phần dè dặt và lượng định mua theo đúng nhu cầu sử dụng chứ không “phóng tay” như mọi năm”.
Do sức mua bùng nổ, nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng phải tăng cường nhân lực, vật lực để kịp thời phục vụ khách hàng.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C cho biết, tất cả các siêu thị của Big C đều mở 100% quầy chính và quầy lưu động từ sáng đến tối, đồng thời tăng 30% số nhân viên bán hàng, thu ngân và nhân viên giao hàng, đồng thời trang bị thiết bị thanh toán bằng thẻ ATM, Visa, Master…tại tất cả các quầy thanh toán.
Kìm giá
Ông Văn Đức Mười cho biết, nhằm cung ứng đủ và kịp thời cho thị trường Tết năm nay, Vissan -DN cung ứng lượng thực phẩm chế biến và thịt tươi sống lớn nhất thành phố chuẩn bị 6.000 tấn thực phẩm chế biến và 40.000 con heo sống trong chuồng.
Tổng mức dự trữ hàng hóa phục vụ Tết của Vissan lên tới 600 tỷ đồng. Ngoài việc dự trữ nguồn hàng dồi dào, nhằm bình ổn và kìm giá thị trường dịp Tết, Vissan tiến hành chốt giá bán sản phẩm trên toàn quốc ở mức thấp hơn giá thị trường 10%. “Việc chốt giá không chỉ doanh nghiệp đảm bảo không tăng giá bán mà còn có tác dụng dẫn dắt giá thị trường ổn định, không tăng vọt trong những lúc cao điểm hoặc khan hiếm cục bộ”- ông Mười lý giải.
Ông Mười cũng cho biết, Vissan sẽ giảm giá sâu trong 2 ngày cuối của năm âm lịch (tức 28 và 29 Tết) nhằm phục vụ công nhân và người có thu nhập thấp.
Coop Mart cũng giảm giá sâu trong 2 ngày cuối trước Tết đối với những mặt hàng thiết yếu, giảm giá mạnh các mặt hàng thực phẩm. Trong hơn 10 ngày trước Tết, hệ thống siêu thị Big C cũng giảm giá 900 mặt hàng với mức giảm 12-50% giá bán. Mức giảm sâu nhất (50%) là nhóm hàng bánh kẹo, rượu bia, nước ngọt, hàng trang trí Tết...
Bà Lê Ngọc Đào - Phó GĐ Sở Công Thương TPHCM cho biết lượng hàng của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn chuẩn bị tăng gấp 3 - 4 lần so với yêu cầu của thành phố, chiếm 30%- 40% nhu cầu thị trường. Lượng hàng bình ổn sẽ đủ sức chi phối thị trường Tết.
Toàn thành phố đã có 2.568 điểm bán bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Trong đó các DN đã phát triển 879 điểm bán bình ổn thị trường tại 151 chợ; 467 điểm bán tại các quận, huyện vùng ven.
Hệ thống siêu thị Big C mở cửa bán hàng thông đêm liên tục từ sáng 26 Tết đến giờ đóng cửa đêm 27 Tết (20-1-2012). Riêng trong ngày 29 Tết, Big C mở cửa từ 7 giờ-12 giờ. Nhằm giảm áp lực mua trữ hàng trong những ngày Tết, hệ thống siêu thị Coop Mart mở cửa phục vụ từ ngày mùng 2 Tết. Sáng mùng 3 Tết Big C mở cửa hoạt động trở lại |