Tổng thư ký LHQ kêu gọi: Giúp châu Phi sản xuất vắc xin

0:00 / 0:00
0:00
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tỉnh Gauteng của Nam Phi Ảnh: AP
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tỉnh Gauteng của Nam Phi Ảnh: AP
TP - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm qua kêu gọi thực hiện một kế hoạch toàn cầu để giúp các nước châu Phi sản xuất vắc xin phòng COVID-19.

Hiện nay, chỉ có 6% dân số châu Phi được tiêm phòng đầy đủ, nên người dân châu lục này không thể bị đổ lỗi cho mức độ tiêm chủng “thấp vô đạo đức”, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu ngày 2/12 trong cuộc họp báo ở New York (Mỹ) cùng với Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat. “Như chúng ta đã thấy, tỷ lệ tiêm phòng thấp kết hợp với khả năng tiếp cận vắc xin thực sự không bình đẳng đang tạo ra môi trường thuận lợi sản sinh ra các biến thể”, ông Guterres nhận định.

Giới chức Nam Phi đang thúc giục người dân đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngay lập tức. Họ cảnh báo rằng, dịch có thể đạt đỉnh trong hai tuần tới. Tỉnh Gauteng, nơi có thành phố Johannesburg, đang có số ca mắc tăng vọt. Theo Mạng lưới Giám sát Gien Nam Phi, biến chủng Omicron hiện chiếm tới 74% số ca mắc ở Gauteng.

Hiện chưa có nhiều thông tin khoa học về Omicron, dự kiến một vài tuần tới mới có kết quả nghiên cứu cụ thể từ phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Israel nói rằng, có “những chỉ dấu” cho thấy những người được tiêm vắc xin mũi tăng cường “được bảo vệ” trước biến chủng mới này, CNN đưa tin ngày 2/12.

Cấm bay vì COVID giống apartheid đi lại

Tổng thư ký LHQ cho rằng, việc áp dụng lệnh cấm các chuyến bay đến từ các nước miền nam châu Phi vì lo ngại biến chủng mới Omicron là “không thể chấp nhận” vì nó giống như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid trong đi lại. “Giờ đây chúng ta thấy loại virus này khắp mọi nơi. Điều không thể chấp nhận được là một phần của thế giới, một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất của nền kinh tế thế giới, bị khóa cửa, trong khi đây chính là nơi thông báo sự tồn tại của biến thể mới. Loại virus này giờ đây xuất hiện ở những phần khác của thế giới, bao gồm châu Âu”, ông Guterres nói.

Hôm qua, Hy Lạp ghi nhận ca mắc Omicron đầu tiên ở nước này (trên đảo Crete); bệnh nhân đến Nam Phi hôm 26/11, CNN đưa tin. Cùng ngày, Mỹ ghi nhận ca mắc Omicron đầu tiên (tại bang California). Bệnh nhân trở về từ Nam Phi và đang tự cách ly.

“Chúng ta có những công cụ để đảm bảo đi lại an toàn. Hãy sử dụng các công cụ này để tránh một thứ kiểu như apartheid đi lại - điều tôi cho rằng là không thể chấp nhận được”, Tổng thư ký LHQ nói.

Trong cuộc họp báo, ông Faki Mahamat cho rằng, do sự xuất hiện của Omicron, hiện có sự kỳ thị đối với nhiều nước châu Phi. “Toàn bộ khu vực miền nam châu Phi đã phải đối mặt với sự trừng phạt, đặc biệt là khả năng chặn các chuyến bay giữa khu vực và một số nước”, ông Mahamat nói.

Giới chức y tế Mỹ lý luận rằng, lệnh cấm bay giúp “câu giờ” để các nước đối phó Omicron. Hàng chục nước khắp thế giới đã tạm thời áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với một số nước miền nam châu Phi. Dù Omicron được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi, điều này không nhất thiết có nghĩa rằng, chủng mới này khởi phát từ Nam Phi. Các nhà khoa học Nam Phi phát hiện Omicron hồi tuần trước. Sau đó, biến chủng mới này xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ. Các nhà khoa học ở Hà Lan nói rằng, Omicron có mặt ở nước này thậm chí trước khi Nam Phi thông báo phát hiện ra biến chủng mới.

TS Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, ngày 2/12 cho rằng, các nước nhanh chóng áp lệnh cấm nhập cảnh vì lo ngại dịch bệnh lây lan, nhưng cũng nên sớm dỡ bỏ khi có đủ thông tin về biến chủng mới. “Đó là một lựa chọn rất khó thực hiện bởi vì chúng ta không biết chuyện gì đang xảy ra, sắp xảy ra… Đành cẩn thận vẫn hơn vậy. Tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm có đủ thông tin để có thể rút lại (lệnh cấm nhập cảnh) càng sớm càng tốt vì không muốn các quốc gia riêng lẻ cảm thấy rằng khi họ trung thực và minh bạch thì lại phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực”, CNN dẫn lời ông Fauci, trưởng cố vấn y tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

TS Fauci nói rằng, trước sự xuất hiện Omicron, người Mỹ vẫn có thể đi lại an toàn. Ông không đề xuất các biện pháp mới ngoài các hướng dẫn an toàn mà trước đó Mỹ áp dụng. Ngày 2/12, chính quyền Tổng thống Biden thông báo sẽ gia hạn yêu cầu hành khách đeo khẩu trang khi đi máy bay, xe buýt, tàu hỏa và thuyền, có mặt tại sân bay và các đầu mối giao thông vận tải đến hết tháng 3/2022, để phòng chống Omicron, Reuters đưa tin. Hồi tháng 8, Cục An ninh giao thông vận tải Mỹ gia hạn yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang đến ngày 18/1/2022 vì lo ngại biến chủng Delta.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới, chỉ cho phép công dân của mình và người có giấy phép cư trú được nhập cảnh.

MỚI - NÓNG
TPHCM bỏ kiểm tra hiện trạng nhà ở khi sang tên sổ đỏ
TPHCM bỏ kiểm tra hiện trạng nhà ở khi sang tên sổ đỏ
TPO - Sở Tài nguyên Môi trường đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM, các chi nhánh quận, huyện và TP. Thủ Đức không được kiểm tra hiện trạng khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động đối với nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu trên giấy chứng nhận để tránh gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.
Cận cảnh chợ truyền thồng gần 40 tuổi ở quận Đống Đa sắp được xây dựng lại
Cận cảnh chợ truyền thồng gần 40 tuổi ở quận Đống Đa sắp được xây dựng lại
TPO - UBND thành phố Hà Nội quyết định bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Đống Đa với 1 dự án: Xây dựng chợ Khâm Thiên với diện tích 0,0792 ha tại phường Khâm Thiên. Chợ sẽ được xây mới trên nền chợ hiện tại, tuy nhiên ở đây tiểu thương chủ yếu buôn bán bên vỉa hè quanh chợ, còn bên trong chủ yếu là để xe, tập kết hàng hóa.