Tổng thống Sri Lanka - Gotabaya Rajapaksa. Ảnh: AP |
Ông Gotabaya Rajapaksa (73 tuổi) đã được sơ tán khỏi Dinh Tổng thống ở Colombo hôm 9/7, ngay trước khi hàng chục nghìn người biểu tình tràn vào khu dinh thự.
Vài giờ sau, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka thông báo ông Rajapaksa sẽ từ chức vào ngày 13/7 để cho phép "chuyển giao quyền lực một cách hòa bình".
Từ khi rời Dinh Tổng thống đến nay, ông Rajapaksa đã tạm thời lưu trú tại một cơ sở hải quân, một quan chức quốc phòng hàng đầu của Sri Lanka cho biết.
Ngày 11/7, ông được đưa đến căn cứ không quân Katunayake, nằm ngay gần sân bay quốc tế Bandaranaike (ngoại ô Colombo).
"Tổng thống và đoàn tùy tùng đã quay trở lại Colombo bằng 2 chiếc trực thăng Bell 412", nguồn tin tiết lộ.
Hiện chưa có tuyên bố chính thức nào từ Văn phòng Tổng thống về vị trí của ông Rajapaksa, nhưng một số tờ báo địa phương đồn đoán ông có thể sẽ lên đường đến Dubai (Các Tiểu vương Quốc Ả Rập thống nhất) vào cuối ngày 11/7.
Trước đó cùng ngày, số tiền 17,85 triệu rupee mà ông Rajapaksa bỏ lại tại Dinh Tổng thống đã được giao nộp cho tòa án. Số tiền này được người biểu tình tìm thấy sau khi ập vào dinh thự của ông Rajapaksa.
Các nguồn tin chính thức cho biết một chiếc vali chứa đầy tài liệu cũng đã bị tổng thống bỏ lại.
Người dân Sri Lanka hiện vẫn xếp hàng dài ngoài Dinh Tổng thống để tận dụng cơ hội hiếm hoi được tham quan dinh thự. Những người biểu tình tuyên bố sẽ không rời khỏi Dinh Tổng thống cho đến khi ông Rajapaksa từ chức.
"Yêu cầu rất rõ ràng, mọi người vẫn đang yêu cầu ông Rajapaksa từ chức và từ chức hoàn toàn, trong một xác nhận bằng văn bản", người biểu tình Dela Peiris nói.
Người biểu tình bên trong Dinh Tổng thống ở Colombo. Ảnh: AP |
Tổng thống Rajapaksa bị cáo buộc có những chính sách kinh tế sai lầm đến mức khiến Sri Lanka cạn kiệt ngoại hối để chi trả cho những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu nhất. Hồi tháng 4, Sri Lanka chính thức tuyên bố không còn khả năng thanh toán số nợ nước ngoài trị giá 51 tỉ đô la. Hòn đảo này gần như cạn kiệt nguồn cung cấp xăng dầu vốn đã khan hiếm. Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa các văn phòng và trường học không thiết yếu để giảm việc đi lại và tiết kiệm nhiên liệu.
Nếu ông Rajapaksa từ chức như đã hứa, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe sẽ tự động trở thành quyền tổng thống. Nhưng bản thân ông Wickremesinghe cũng đã tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu các đảng phái đạt được sự đồng thuận về việc thành lập một chính phủ liên kết.