Nhà Trắng cho biết hai tổng thống Mỹ và Pháp “đã thảo luận về các nỗ lực ngoại giao và răn đe đang được tiến hành để đáp trả việc Nga tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine”. Cuộc gọi kéo dài khoảng 15 phút.
Trong cuộc điện đàm diễn ra trước đó cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Putin đã đồng ý thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn leo thang xung đột ở miền đông Ukraine, Điện Elysee cho biết trong một tuyên bố.
Ông Macron đã đề nghị dàn xếp các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy "trong vài giờ tới" để đảm bảo một lệnh ngừng bắn dọc theo ranh giới ở khu vực tranh chấp Donbass (miền đông Ukraine).
Văn phòng tổng thống Pháp cũng cho biết 2 lãnh đạo đã thảo luận về “một cuộc họp ở cấp cao nhất để xác định trật tự hòa bình và an ninh mới ở châu Âu”. Các cuộc đàm phán này sẽ có sự tham gia của “tất cả các bên liên quan”, có lẽ bao gồm cả Mỹ.
Về phía Nga, Điện Kremlin xác nhận rằng "hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì liên lạc ở nhiều cấp độ khác nhau", nhưng không cung cấp bất kỳ chi tiết nào cụ thể.
Đề cập đến việc tình hình xấu đi nhanh chóng ở Donbass, Tổng thống Nga lưu ý rằng “các hành động khiêu khích từ các chiến binh Ukraine là lý do dẫn đến sự leo thang”.
Việc “các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO gửi vũ khí và đạn dược tới Ukraine”, theo ông Putin, đã góp phần “khuyến khích Kiev theo đuổi một giải pháp quân sự cho vấn đề Donbass”.
Sau cuộc gọi với ông Putin, Tổng thống Macron đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky. Trong đó, ông Zelensky “khẳng định quyết tâm không phản ứng trước các hành động khiêu khích và tôn trọng lệnh ngừng bắn”, theo Điện Elysee.
Tuy nhiên, các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine vẫn cáo buộc quân đội chính phủ Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo hạng nặng vào lãnh thổ của họ.
Kiev nhiều lần phủ nhận cáo buộc lên kế hoạch giành lại các khu vực ly khai bằng vũ lực, đồng thời chỉ trích phe ly khai tự vi phạm lệnh ngừng bắn.
Phát biểu hôm 18/2, Tổng thống Mỹ Biden cho biết Nhà Trắng “có lý do để tin rằng các lực lượng Nga đang lên kế hoạch và có ý định tấn công Ukraine trong vài tuần tới, thậm chí là trong vài ngày tới".
“Chúng tôi tin rằng họ sẽ nhắm vào thủ đô Kiev của Ukraine”, ông Biden cáo buộc, nhưng từ chối cung cấp bằng chứng.
Mátxcơva đã nhiều lần phủ nhận việc có bất kỳ kế hoạch nào nhằm tấn công Ukraine, đồng thời cáo buộc phương Tây tung “tin giả”.
Cũng trong ngày 20/2, Nhà Trắng đưa ra một tuyên bố ngắn gọn thông báo rằng ông Biden đã “triệu tập một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về những diễn biến mới nhất liên quan đến việc Nga tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine", nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết.