Ảnh minh hoạ: Reuters |
Tính từ ngày 24/11 (khi Nam Phi lần đầu báo cáo về biến thể Omicron lên Tổ chức Y tế Thế giới WHO) đến nay, Mỹ đã ghi nhận hơn 30.163.600 ca mắc mới và hơn 154.750 ca tử vong.
Dù Mỹ chính thức ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên vào ngày 1/12, nhưng theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), biến thể này đã có mặt ở Mỹ ít nhất một tuần trước đó.
Để so sánh, tính từ ngày 1/8 đến ngày 31/10 - thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng Delta, Mỹ ghi nhận thêm 10.917.590 ca mắc mới COVID-19 và 132.616 ca tử vong.
Như vậy, số ca mắc mới trong làn sóng Omicron cao hơn khoảng 176% so với làn sóng Delta, và số ca tử vong cao hơn khoảng 17%.
Sự chênh lệch lớn giữa mức tăng số ca bệnh (179%) với mức tăng số ca tử vong (17%) cho thấy độc lực của biến thể Omicron có phần thấp hơn so với các biến thể trước đó, và Omicron dường như dễ có khả năng gây ra các “ca bệnh đột phá” (người đã tiêm vắc xin vẫn nhiễm bệnh) hơn, vì nhóm này vốn ít có nguy cơ tử vong hơn so với nhóm chưa tiêm chủng.
Tuy nhiên, con số hơn 150.000 người chết trong làn sóng dịch mới nhất đã nhấn mạnh sự “mong manh” của nước Mỹ. Nhiều người mang bệnh nền vẫn có nguy cơ cao mắc COVID-19 ngay cả khi đã tiêm phòng. Và khi số ca bệnh lên đến 30 triệu ca, thì ngay cả một tỷ lệ tử vong rất nhỏ cũng đồng nghĩa với số ca tử vong thảm khốc.
Làn sóng Omicron hiện đang thoái lui ở Mỹ, và số ca tử vong nhìn chung đã giảm khoảng 13% so với 2 tuần trước. Nhưng mỗi ngày Mỹ vẫn ghi nhận khoảng 2.300 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày, nhiều hơn số người chết vì cơn bão kinh hoàng Katrina.
Tại 14 bang (trên tổng số 50 bang) của Mỹ, số ca tử vong trung bình hằng ngày hiện đang cao hơn so với 2 tuần trước. Các bang này bao gồm: Alabama, Alaska, Arkansas, California, Georgia, Hawaii, Idaho, Kentucky, Maine, Oklahoma, Tennessee, Texas, Utah và Tây Virginia.