Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam từ 22-25/5

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel trong buổi họp báo tại Hà Nội hôm 10/5. Ảnh: DN
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel trong buổi họp báo tại Hà Nội hôm 10/5. Ảnh: DN
TP - Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 22-25/5. Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ thảo luận rất kỹ tình hình biển Đông với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho biết như vậy trong cuộc họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ngày 10/5.

Chưa quyết bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương

Ông Russel từ chối tiết lộ các chi tiết về chuyến thăm, nhưng khẳng định hai bên sẽ thảo luận để tiếp tục thúc đẩy việc Mỹ giúp Việt Nam triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), giải quyết vấn đề di sản chiến tranh, thúc đẩy hợp tác giáo dục, giao lưu nhân dân, nhân quyền, ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu. Hai bên cũng sẽ thảo luận các biện pháp giảm nhiệt căng thẳng trên biển Đông.

Trả lời câu hỏi đề nghị xác nhận Mỹ sẽ công bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam nhân chuyến thăm tới của Tổng thống Obama, ông Russel cho biết, đến nay chưa có quyết định nào về việc dỡ bỏ lệnh cấm được áp dụng hàng thập kỷ nay. Nhưng vấn đề này vẫn được xem xét định kỳ. Năm 2014 Mỹ dỡ một phần lệnh cấm vũ khí sát thương để giúp Việt Nam mua các trang thiết bị quốc phòng nhằm tăng cường khả năng bảo vệ bờ biển và vùng biển của Việt Nam.

Việc mua sắm những trang thiết bị như vậy là nỗ lực chính đáng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm thể hiện sự phát triển ngày càng tăng của quan hệ quốc phòng và an ninh giữa hai nước. Những bước đi của Mỹ trong năm 2014 giúp Việt Nam tăng khả năng nhận thức biển, tăng cường khả năng ứng phó với thảm họa thiên nhiên trong khu vực, trong đó có hỗ trợ nhân đạo.

“Trong bối cảnh quan hệ đối tác toàn diện tiếp tục phát triển, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét vấn đề này (dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm)”, ông Russel nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về ý nghĩa chuyến thăm của Tổng thống Obama trong bối cảnh ông sắp kết thúc nhiệm kỳ và khả năng chính quyền mới thay đổi chính sách, ông Russel nói rằng ông không thể nói về chính sách của chính phủ tương lai. Nhưng “chính sách của chính phủ Mỹ là ủng hộ quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa và giao lưu nhân dân. Mỹ cũng mong muốn Việt Nam là một quốc gia độc lập, thịnh vượng, đóng góp vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu”...

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông đã trải qua nhiều lần thay đổi chính phủ, tổng thống ở Mỹ, nhưng một điểm chung là tất cả các tổng thống sau khi nhậm chức đều ủng hộ chính sách đối ngoại thúc đẩy các nguyên tắc và lợi ích của Mỹ. Các lợi ích và nguyên tắc của Mỹ luôn nhất quán, nên có thể kỳ vọng chính phủ mới của Mỹ cũng luôn nhất quán như vậy.

Đảm bảo biển Đông mở cho mọi người

Về câu hỏi vấn đề biển Đông sẽ được bàn đến trong chuyến thăm như thế nào, ông Russel nói rằng tình hình trên biển Đông gây quan ngại sâu sắc với tất cả các nước chứ không chỉ các nước tuyên bố chủ quyền như Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei.

Ông Russel nói rằng vấn đề một hòn đảo thuộc sở hữu của tôi hay bạn có thể chỉ là vấn đề giữa chúng ta, nhưng câu hỏi về những phương thức hành xử trong vùng biển quốc tế là mối quan tâm của toàn thế giới. Nhiều nước đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động của Trung Quốc, một nước lớn liên quan đến tranh chấp, khi họ bồi đắp, cải tạo xây dựng quy mô lớn, quân sự hóa các tiền đồn trên biển Đông.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết, 3 ngày trước, ông dự cuộc họp của các quan chức cấp cao ASEAN và gặp đại diện các chính phủ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Lào. Trong các cuộc thảo luận, gần như tất cả các ý kiến phát biểu đều bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên biển Đông, đều cho rằng các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng quyền của các nước như luật pháp quốc tế quy định.

“Dù Mỹ là nước hùng mạnh nhất thế giới, các tàu, thuyền, máy bay của chúng tôi có thể đi lại bất kỳ đâu trên thế giới mà luật quốc tế cho phép, nhưng chúng tôi không thỏa mãn nếu tất cả các nước, trong đó có những nước nhỏ, không được hưởng những quyền như chúng tôi được hưởng”, ông Russel nói. Ông cho biết Mỹ đã đang làm việc với Việt Nam, Trung Quốc, các nước tuyên bố chủ quyền khác và ASEAN để làm giảm căng thẳng, khuyến khích các bên kiềm chế và thực hiện các tiến trình ngoại giao để giải quyết bất đồng.

Trả lời câu hỏi về tác động của các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ trên biển Đông khiến Trung Quốc càng quân sự hóa mạnh hơn, gây khó cho các nước liên quan khác, ông Russel cho rằng những chuyến tuần tra của Hải quân Mỹ là quyền của Mỹ được luật quốc tế thừa nhận, và Mỹ đã làm như vậy nhiều thập kỷ qua.

“Nếu hải quân của một nước hùng mạnh nhất thế giới không thể đưa tàu vào vùng biển quốc tế thì làm sao tàu hải quân của những nước nhỏ hơn có thể thực hiện những điều như vậy? Nếu những tàu chiến, tàu hải quân không thực hiện được quyền chính đáng của mình theo luật quốc tế thì làm sao các tàu của ngư dân, tàu chở hàng có thể làm điều đó mà không bị lực lượng của nước hùng mạnh cản trở?”, ông Russel nói. Ông khẳng định những chuyến tuần tra tự do hàng hải của Mỹ trên biển Đông không phải hành động khiêu khích mà thể hiện quyền của người dân quốc tế, nhằm đảm bảo vùng biển quốc tế này mở cho tất cả mọi người.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua xác nhận Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-25/5, theo lời mời của lãnh đạo Việt Nam. Ông Russel cho biết Tổng thống Obama dự kiến sẽ gặp lãnh đạo Việt Nam, doanh nhân, đại diện các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ.

Tàu chiến Mỹ tiến sát Đá Chữ Thập

Tàu khu trục tên lửa USS William P. Lawrence của Mỹ hôm qua đi vào bên trong vùng 12 hải lý của đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đáp lại, Trung Quốc cho máy bay và tàu chiến lượn khắp khu vực để cảnh báo tàu Mỹ.

 “Những tuyên bố chủ quyền trên biển quá mức không phù hợp với luật quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật Biển, trong đó quy định không được hạn chế quyền tự do hàng hải của Mỹ và tất cả các quốc gia có quyền”, Reuters dẫn tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Bill Urban nói trong một tuyên bố qua email. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng 2 máy bay chiến đấu và 3 tàu chiến của nước này đã tiếp cận tàu của Mỹ để yêu cầu rời đi. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngang nhiên nói rằng tàu Mỹ “đi vào vùng biển của Trung Quốc một cách trái phép”.

Reuters dẫn lời ông Ian Storey, chuyên gia về biển Đông tại Viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak tại Singapore, nói rằng thời điểm của chuyến tuần tra này rất “thú vị”, vì xảy ra trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama sang Việt Nam. “Đá Chữ Thập rất nhạy cảm vì được mặc định là trung tâm của các chiến dịch quân sự của Trung Quốc ở biển Đông trong tương lai, khi trên đó đã có các công trình quy mô, bao gồm cảng nước sâu và đường băng 3.000m”, ông Storey nói.

MỚI - NÓNG