Tổng công ty 36: Lộ trình cổ phần hóa và bốn lần “lột xác”

Tổng giám đốc, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp
Tổng giám đốc, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp
TP - Khi đang ở đỉnh cao của pa-ra-bôn phát triển, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) lại chủ động báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để Tổng công ty 36 trở thành doanh nghiệp quân đội tiên phong cổ phần hóa công ty mẹ, trong bối cảnh vẫn tồn tại thực tế nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước rất sợ cổ phần hóa vì nhiều lý do: sợ phải minh bạch, công khai; sợ lộ ra nhiều khuyết điểm; sợ mất chiếc ghế quyền lợi.

Và, con đường thành công của Tổng Công ty 36 ghi dấu bằng sự chủ động, nhạy bén của người cầm lái, Tổng giám đốc Đại tá, Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp. Quyết định dũng cảm Khi cổ phần hóa, cách gọi tắt của việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần ở Việt Nam bắt đầu được Việt Nam thử nghiệm trong các năm 1990 - 1991 và được đẩy mạnh từ năm 1996, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp mới từ vị trí của một cán bộ vật tư năng động nhập cuộc thương trường bằng các sản phẩm mua bán lẻ rồi bước vào thương trường với tư cách một đội trưởng, rồi phó giám đốc một xí nghiệp nhỏ bé của Binh đoàn 11. Năm 2006, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây lắp và Thương mại 36 mới được thành lập. Dưới sự chèo lái của người thuyền trưởng Nguyễn Đăng Giáp, Công ty 36 sinh sau đẻ muộn nhưng đã biết đi tắt đón đầu, chọn những luồng lạch khả thi để chiếm lĩnh được những “miền đất hứa”. 

“Chúng ta phải xác định rằng cổ phần hoá khi chiến tranh xảy ra thì vẫn là nơi giữ gìn tiềm lực quốc phòng chứ không thể biến thành nơi chia phần hoá, bán giá thấp, lại là cơ hội cho tham nhũng. Phải có chuyển tiếp từ đơn sở hữu thành đa sở hữu. Ta bán cổ phần và huy động các nguồn lực khác. Huy động các nguồn lực của xã hội, các nhà đầu tư chiến lược, tạo ra một sân chơi bình đẳng và có quyền tự quyết”.

Đại tá, 
Anh hùng Lao động
Nguyễn Đăng Giáp
Cứ hai năm làm nên một sự kiện, chỉ trong vòng 10 năm, Anh hùng Nguyễn Đăng Giáp đã “làm nên lịch sử”, đi từ không đến có - từ một người lính lái xe Trường Sơn trở thành một CEO tầm cỡ của khối doanh nghiệp quốc gia. Còn với Tổng Công ty 36, đến nay đã trở thành một Tổng công ty xây dựng hàng đầu của quân đội và quốc gia. 

Không đao to búa lớn, không được tiền nhân ưu ái đặt cho những cái tên mĩ miều gắn với các địa danh huyền thoại, tên công ty chỉ bình dị là hai con số mà chắc rằng khi đặt bút khai sinh, ai đó đã ngẫu nhiên gán cho nó như cho xong một thủ tục hành chính. Và rồi, không ai ngờ hai con số vô hồn ấy lại trở thành một thương hiệu nổi tiếng! Và chặng đường gian nan này được khái quát bằng cụm “bốn lần lột xác”.

Lần 1 - tháng 9 năm 2003, từ Xí nghiệp 36 nhỏ bé, thua lỗ nặng nề với con số âm 34 tỷ tưởng như đứng bên bờ vực phá sản, đồng chí Nguyễn Đăng Giáp về làm Giám đốc trong bối cảnh “chết nhiều hơn sống”.

Lần 2 - tháng 3 năm 2006, Xí nghiệp phát triển, trả hết nợ, làm ăn có lãi, sinh sôi, phát triển, được Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư xây lắp và Thương mại 36, trực thuộc Binh đoàn 11.

Lần 3, sau những năm phát triển tăng tốc, quy mô phát triển của 36 đã vượt công ty mẹ, chiếc áo quản lý đã trở nên chật chội với tầm vóc của nó. Được Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương và Chính phủ cho phép, tháng 8 năm 2011, Công ty 36 tách khỏi Binh đoàn 11, trở thành Tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đây cũng là trường hợp doanh nghiệp “con” duy nhất trong quân đội phát triển trở thành Tổng công ty. Và lần này, lần thứ 4, năm 2014, Tổng Công ty 36 trở thành doanh nghiệp tiên phong cổ phần hóa công ty mẹ.

Đi từ không đến có, trải qua không ít vật lộn, tranh đấu để sinh tồn với không ít cú “nốc ao” của cả đối tượng và đối tác, đường tới thành công của anh hùng Nguyễn Đăng Giáp và Tổng Công ty 36 chưa bao giờ trải sẵn hoa hồng. Cho nên, việc Đại tá Nguyễn Đăng Giáp chủ động đề xuất và được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đồng ý thực hiện chủ trương cổ phần hóa khiến không ít người bán tin bán nghi. 

Họ nghi ngờ bởi xưa nay, vẫn có lời ong tiếng ve rằng “36 lỗ nhiều lắm”, “hào nhoáng thôi chứ chìm lúc nào chẳng biết”! Lần này thì bước đi cổ phần hóa của Tổng Công ty 36 đã minh bạch hóa tất cả. Bởi lẽ, cổ phần hóa không có đất cho những giả dối, không còn chỗ cho những che dấu nợ nần, tài chính, sẽ phải công khai hết toàn bộ sức khoẻ của doanh nghiệp. Cổ phần hoá cũng không còn đất cho những đặc quyền đặc lợi, tâm lý giữ ghế bởi chỉ có niềm tin của các cổ đông mới quyết định vị trí người đứng đầu. Những nghi ngờ này được xóa bỏ khi những thông tin được công bố bởi Vụ kiểm toán đặc biệt và công ty Kiểm toán AASC đang song hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Bao giờ sắc đỏ hóa…xanh?

Những khó khăn trong việc xử lý tài chính và đất đai cũng là rào cản lớn đối với mọi doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Ở góc độ này, dưới sự điều hành của Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Giáp, Tổng công ty 36 đã và đang gấp rút tiến hành các bước định giá doanh nghiệp theo những quy chuẩn nghiêm ngặt. Bên cạnh đó Tổng giám đốc Giáp còn liên tục mời các chuyên gia kinh tế hàng đầu đến tư vấn về cổ phần hóa cho toàn thể đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của Tổng công ty. 

Tâm sự với chúng tôi về chuyện cổ phần hóa, Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp chia sẻ, đó cũng là con đường tất yếu sau một thời kỳ tăng trưởng nóng. Hiện doanh nghiệp xây dựng găp rất nhiều khó khăn vì là đối tượng trực tiếp của thắt chặt đầu tư công và nợ xấu ngân hàng, hai tham chiếu và hệ lụy của bất động sản như một cú đấm giáng mạnh vào ngành xây dựng. Thời điểm bất động sản rộ lên thì gần như toàn bộ nguồn lao động bị hút vào bất động sản, tạo ra nhiều bong bóng. 1kg thép, 1 mét vuông cốp pha chỉ một đồng nhưng vì lợi nhuận nên nhà nhà đi thuê, phá giá thị trường, các doanh nghiệp nhà nước đều bù lỗ, có khi đơn giá 1m2 sàn chỉ 200 nghìn đồng thì thuê tới 2 triệu. Thắt chặt đầu tư công khiến doanh nghiệp Nhà nước chủ yếu thi công các công trình trụ sở công, công ăn việc làm eo hẹp theo.

Trong lúc nợ xấu tác động tới ngân hàng nên đồng tiền để lưu thông là rất khó khăn. Ngoài thị trường thiếu hụt nguồn tiền kéo theo những người cung cấp vật tư, cung cấp sản phẩm cho đơn vị xây lắp. Nhiều người muốn tiền trao cháo múc nhưng nhà nước đang nợ các đơn vị xây lắp rất lớn”. Với Tổng Công ty 36, theo ông Giáp, cái may là có lộ trình, chiến lược hoạch định từ lâu, có những công trình dài hơi nên không bị hẫng hụt. Vượt qua là cực kỳ khó khăn, nhưng thành công không như mong muốn.

“Đối với 36 không có con đường nào khác là phải cổ phần hóa. Doanh nghiệp quân đội có thế mạnh rất lớn là bản chất Bộ đội Cụ Hồ, có kỷ cương, kỷ luật, tại sao chúng ta không biết khơi dậy cái này cộng với cơ chế quản lý cổ phần hóa? Chúng ta phải xác định vị trí pháp lý của từng cá nhân. Nó điều chỉnh cho mô hình doanh nghiệp Nhà nước rất hay, trách nhiệm của người lao động sẽ được gắn với tập thể, với đồng tiền bát gạo, sát sườn” - Ông Giáp tâm sự. 

Tuy nhiên, ông Giáp cũng nhìn nhận, cổ phần hóa không phải tất cả thành công. “Chúng ta phải xác định rằng cổ phần hóa khi chiến tranh xảy ra thì vẫn là nơi giữ gìn tiềm lực quốc phòng chứ không thể biến thành nơi chia phần hóa, bán giá thấp, lại là cơ hội cho tham nhũng. Phải có chuyển tiếp từ đơn sở hữu thành đa sở hữu. Ta bán cổ phần và huy động các nguồn lực khác. Huy động các nguồn lực của xã hội, các nhà đầu tư chiến lược, tạo ra một sân chơi bình đẳng và có quyền tự quyết”. 

Ông Giáp lấy ví dụ về cuộc chơi đầu tư các dự án BOT, quy luật tất yếu để xây dưng hạ tầng hiện nay. Làm một con đường phải có hàng nghìn tỷ, nhưng không thể một sớm một chiều có hàng nghìn tỷ này. Nên để hòa nhập được với các doanh nghiệp ngoài quân đội thì phải cởi trói bằng con đường cổ phần hóa. 

Một năm Giáp Ngọ “mã đáo thành công” sắp qua lại một lần ghi dấu ấn mới của Tổng Công ty 36. Kinh tế khó khăn cho thấy, triết lý “đường dài mới hay sức ngựa” một lần nữa làm sáng tỏ nhiều điều. Trước thềm cổ phần hóa, Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp tự tin cho hay đã xốc lại đội hình “khỏe, sạch” trước giờ G. Minh chứng là nếu không “khỏe, sạch”, không thể có chuyện hàng loạt ngân hàng lớn đều xếp hàng xin được làm đối tác, xin được gia tăng hạn mức cho vay.

Những đại gia ngân hàng không thiếu gì kênh thông tin để kiểm định, tính toán sao cho gửi tiền vào nơi an toàn để không rơi vào tình trạng gia tăng nợ khó đòi hay nguy hơn là gửi trứng cho ác. Hai là, nếu không “khỏe, sạch”, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành xây lắp “mười cây chết sáu” thế này, hiếm mà đạt được con số doanh thu hơn 3.000 tỷ năm 2013 và năm 2014 tiếp tục đạt doanh thu 3.300 tỷ đồng. Con số này là con số lịch sử vì đơn vị vượt qua cái mốc 3.000 tỷ đồng, một con số thực sự tầm cỡ của ngành xây lắp. 

Hi vọng rằng với tầm nhìn và bước đi linh hoạt của cổ phần hóa, thương hiệu 36 sẽ từ chỗ “chói ngời sắc đỏ” trên công trường trở nên “xanh tươi” trên sàn giao dịch chứng khoán. Lúc đó, màu xanh của cổ phiếu blue chip sẽ là cách tốt nhất củng cố, phát triển thương hiệu 36 bền vững với thời gian.

MỚI - NÓNG