Theo báo Pháp Le Monde, ông Charbonnier sinh năm 1967, đam mê vẽ biếm họa ngay từ thời học trung học. Năm 1991, cây cọ biếm này tham gia sáng lập báo trào phúng La Grosse Bertha. Một năm sau, ông rời tờ báo này, tham gia nhóm sáng lập và trở thành Tổng biên tập Charlie Hebdo vào tháng 5/2009.
Charlie Hebdo có truyền thống dùng biếm họa để chỉ trích chính trị gia, cảnh sát, giới ngân hàng, các nhân vật tôn giáo. Dù lượng phát hành chỉ 60.000 bản/tuần, nhưng tờ báo này thường xuyên trở thành tâm điểm chú ý. Dư luận có những đánh giá rất khác nhau về những gì ông Charbonnier và Charlie Hebdo đã làm. Một số ủng hộ, trong khi một số khác lại chỉ trích đó là hành vi khiêu khích tôn giáo và chủng tộc không cần thiết và nguy hiểm. Tổng biên tập Charbonnier quan niệm rằng, những gì ông làm là để bảo vệ tự do ngôn luận và tự do báo chí, kể cả nếu sinh mạng của ông bị đe dọa.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde sau vụ tòa soạn bị đốt hồi tháng 11/2011 (do Charlie Hebdo xuất bản số đặc biệt đăng tải bức biếm họa về đấng tiên tri Hồi giáo Mohammad), nhà báo Charb tuyên bố: “Tôi không có vợ, con, không có xe hay thẻ tín dụng. Tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ”. Khi đó, Chính phủ Pháp phải tạm đóng cửa hàng loạt cơ quan ngoại giao, trung tâm văn hóa và trường học Pháp ở 20 quốc gia, chủ yếu là các nước Hồi giáo vì lo ngại nguy cơ bị trả thù.
Trước đó, khi nổ ra tranh cãi về việc đăng biếm họa năm 2006, Charlie Hebdo đã nhiều lần bị đe dọa tấn công, nhưng vẫn không từ bỏ lập trường của mình. Dù thường xuyên bị dọa giết, ông Charbonnier vẫn trung thành với quan điểm bảo vệ tự do ngôn luận. Vị tổng biên tập từng tuyên bố: “Tôi không thể hình dung có thể sống trong một đất nước mà lại không thể cười về một chủ đề nào đó bởi vì tôi có thể bị vào tù hoặc bị sát hại. Nếu thế thì thà chết cho rồi”. Năm 2012, ông cho đăng biếm họa Mohammad khỏa thân.
Tháng 5/2013, tổng biên tập Charlie Hebdo bị al-Qaeda liệt vào danh sách những cá nhân cần tiêu diệt. Trong bài báo “Tất cả chúng ta đều là Osama (Bin Laden)” trên tạp chí xuất bản bằng tiếng Anh Inspire do tổ chức khủng bố xuất bản tại bán đảo Ảrập, ông Charbonnier xuất hiện cùng với 10 tên tuổi lớn khác dưới khẩu hiệu “Săn lùng những tên tội phạm chống Hồi giáo, dù chúng còn sống hay đã chết”. Mạng ông được trả giá như tính mạng họa sĩ Đan Mạch Kurt Westergaard từng vẽ biếm họa Mohammad năm 2005, nhà văn Anh gốc Iran Salman Rushdie và mục sư Mỹ Terry Jones bị cáo buộc đã lăng mạ nhà tiên tri.
Các nhà báo bị bắn chết hôm 7/1 hầu hết là trụ cột của Charlie Hebdo, ngoài Tổng biên tập - họa sĩ biếm Charb còn có giám đốc mỹ thuật - họa sĩ biếm Cabu, hai họa sĩ biếm Tignous và Wolinsky, nhà báo Bernard Maris. Họa sĩ Cabu 76 tuổi tên thật là Jean Cabut, yêu thích đề tài chính trị, quân đội, tôn giáo. Với 60 năm lăn lộn với nghề, ông đã vẽ hơn 35.000 tranh biếm. Những bức biếm họa năm 2006 của ông về đấng tiên tri Mohammad cũng từng khiến ông bị dọa giết.