Hà Nội, ngày 25 /6/89
Đồng chí Trần Thị Nhật Tân thân mến.
Rất thân mến!
Dù bận việc và bị ngắt quãng, tôi đã đọc một lèo hết cuốn Dòng xoáy. Dòng xoáy đã thu hút tôi, lôi cuốn tôi bằng lời văn, nhất là bằng nội dung đầy tính thời sự của nó, mặc dù thời điểm của Dòng xoáy mô tả là lúc kháng chiến chống Mỹ.
Tôi không rõ Trần Thị Nhật Tân là nam hay nữ? “Thị” ắt phải là nữ rồi, nhưng lời văn lại làm cho tôi nghi là nam. Tôi sẽ rất vui sướng nếu tôi lầm to. Vì đúng là nữ, thì nữ tác giả quả là một cô Lý xinh tươi, nhưng rất cương trực, đấu tranh dũng cảm không lùi bước trước những tiêu cực, những ác độc của một bè lũ có chức, có quyền (mà xã hội ta cũng đang còn đầy rẫy), một cô giáo Lý thông minh, sáng tạo, có tư duy mới, đồng thời rất thương yêu học trò, quyết lòng đào tạo các cháu thành con người mới xã hội chủ nghĩa.
Khi đọc, thấy Dòng xoáy chỉ được in có 4.000 số, tôi không vui lắm, trong khi nhiều cuốn sách nhảm nhí lại in và phát hành nhiều! Ước ao sao 4.000 cuốn Dòng xoáy sẽ được người ta truyền tay nhau đọc, nhất là trong các nhà giáo, để nhiều người trở thành cô Lý thân yêu và đáng kính phục. Ước ao sao nhiều nhà xuất bản khác sẽ tái bản Dòng xoáy.
Bắt tay thân mật Trần Thị Nhật Tân. Mong có ngay gặp mặt và được đọc những tác phẩm mới.(Đã ký) Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng CSVN Nguyễn Văn Linh.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã không lầm!
Trần Thị Nhật Tân, tác giả cuốn Dòng Xoáy là nữ.
Tuổi Sửu, sinh năm 1949 lại là thời điểm cuối năm.
Câu chuyện của bà dẫn chúng tôi về những năm xa khi bà còn bé tí đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Côi cút, dù phải nương nhờ những người thân nội ngoại nhưng Nhật Tân học rất giỏi. Năm cấp 2, cô đoạt giải nhất môn toán toàn thành Nam Định và được tuyển thẳng vào cấp 3. Sau đó lại thi đậu vào Trường trung cấp Bưu điện. Khi Nhật Tân tốt nghiệp trường trung cấp Bưu điện, cô may mắn được phân công về ngay Trung tâm Bưu điện Bờ Hồ của Hà Nội.
Nhưng Nhật Tân không muốn về Bưu điện Bờ Hồ. Cô hàng chục lần viết đơn mang thẳng đến cơ quan T.Ư Đoàn ở 60 Bà Triệu tình nguyện xin đi chiến trường. Nguyện vọng của cô đã phần nào được đáp ứng khi cô được tuyển vào tổ điện báo phục vụ chiến đấu tại chân cầu Hàm Rồng do Tỉnh đội Thanh Hóa phụ trách.
Các trận mồng 3, 4 tháng 4 năm 1965 và hàng trăm trận đánh lớn nhỏ của không quân Mỹ nhằm tiện đứt cầu Hàm Rồng đều có sự tham gia của cô nhân viên điện báo Nhật Tân bé nhỏ. Ngoài chuyên môn, cô còn tham gia vác đạn, tải thương và tham gia nhiều công tác phục vụ chiến đấu. Thời điểm đó có đoàn văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào tuyến lửa Hàm Rồng, dẫn đầu là nhà văn Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huyền Kiêu, Anh Thơ, Thái Giang, Trần Văn Cẩn... Các văn nghệ sĩ thủ đô ngạc nhiên khi được tiếp cận với điển hình tiên tiến Trần Thị Nhật Tân, lại tròn mắt thán phục khi phát hiện trong sổ tay của cô điện báo viên trẻ trung xinh xắn này nhiều bài thơ, bút ký truyện ngắn hôi hổi không khí trận mạc.
Sức khỏe không cho phép cô ở lại tuyến lửa Hàm Rồng, Nhật Tân được điều về Tổng cục Bưu điện và sau đó phục vụ trong đơn vị Tổng đài Viện Quân Y 108. Năm 1970, Nhật Tân xin chuyển ngành về Ty Bưu điện Hà Nam Ninh.
Tiếng lành đồn xa về một cô gái ở tuyến lửa Hàm Rồng từng in nhiều thơ, văn đặc biệt là thơ thiếu nhi đến tai đồng chí Vũ Quang, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn. Ông viết công văn gửi lãnh đạo Ty giáo dục Hà Nam Ninh... Nhờ sự giúp đỡ ấy, Nhật Tân được chuyển sang dạy văn Trường cấp I Thành phố Nam Định.
Học sinh rất khoái cung cách truyền thụ kiến thức của cô Nhật Tân, nhưng dần dà cung cách ấy gây phản cảm cho không ít người! Lác đác đây đó những lời xầm xì... Rồi có cả những lá đơn tố cáo những là, dạy sai phương pháp, những là, dạy như thế là nhồi nhét đầu độc học sinh vv... Không nản, Nhật Tân lên tiếng phản đối trong các cuộc họp, trong những lần gặp lãnh đạo, thẳng thắn vạch ra bệnh thành tích giả dối đã thành lệ đã phổ biến trong hệ thống giáo dục địa phương.
Cô giáo bướng bỉnh Trần Thị Nhật Tân lên tận Ty, cả Bộ giáo dục để phản đối quyết liệt một cung cách, một phương pháp giáo dục ẩn chứa tiêu cực.
Lần ấy, một ông chuyên viên già của Bộ giáo dục đã nổi cơn đuổi thẳng thừng con điên gây rối Nhật Tân ra khỏi văn phòng Bộ!
Chính trong lần bị đuổi đó, lắc lư trên con tàu chợ về lại thành Nam, cô giáo Nhật Tân đã gom lại, đã thăng hoa đã đứng cao hơn sự kiện dự định để cho việc ra đời một cuốn tiểu thuyết có tên là Dòng Xoáy sau này!
Dòng Xoáy được tiếp nối, được bổ sung, được chỉnh trang trong một hoàn cảnh khốn khó.
Cô hồi hộp tìm đến nhà văn Chu Văn tác giả Bão Biển cùng quê…
Trời ơi cái cô này bẻ nạng chống giời chắc? Cái nội dung như là phản động làm sao mà in được? Theo tôi cô nên đốt tập bản thảo này đi và coi như tôi chưa hề đọc nó...
Ngay hôm sau, Nhật Tân đã đuợc mời đến cơ quan công an.
Nhật Tân được gặp ông Giám đốc Ty Công an. May mắn ông Giám đốc đã hiểu phần nào hoàn cảnh của cô. Rồi sau này Nhật Tân cũng được đi học Trường viết văn Nguyễn Du.
Sau ba năm học, cô trở lại thành Nam với tấm bằng đại học cùng hàng chục bài thơ truyện ngắn in trên các báo Trung uơng. Nhưng riêng bản thảo Dòng Xoáy Nhật Tân chưa dám đưa đi đâu, dầu được nhiều bạn đồng học rất tán thưởng.
Hăm hở trở lại trường, nhưng Nhật Tân choáng váng khi lãnh đạo thẳng thừng ba năm mọi thứ đã thay đổi. Cô xin đi đâu thì đi!
Sau nhiều lần gõ cửa, hết ở Thành Nam lại Hà Thành, Nhật Tân không nhận được bất cứ hồi âm nào... Cô thành người mất... dạy!
Rồi chuyện cứ diễn tiến như tiểu thuyết. Ông cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh về hưu Phan Điền tình cờ gặp Nhật Tân - người đàn bà vẫn chở gạch thuê bên hồ Vị Hoàng gần nhà ông. Cảm thương hoàn cảnh Nhật Tân, ông mời cô về nhà. Ban ngày cô đi làm mướn, tối về có chỗ trú thân tạm trong ngôi nhà của cựu Bí thư Tỉnh ủy cùng mấy đứa cháu của ông.
Một lần lên Hà Nội, Nhật Tân giắt lưng bản thảo cuốn Dòng Xoáy. Do mối quan hệ từ những ngày học ở Trường Nguyễn Du, Nhật Tân gặp được nhà văn Sơn Tùng.
Nhà văn Sơn Tùng đọc một lèo xong bản thảo… Dòng Xoáy được giới thiệu sang NXB Thanh Niên và được in.
Ngày 10/9/1989 trên Báo Nhân Dân có một bài viết ca ngợi cuốn Dòng Xoáy chiếm gần trọn trang trên báo Đảng.
Rồi Nhật Tân bất ngờ nhận thư của Tổng Bí thư.
Hà Nội, ngày 10/9/1989.
Cháu Trần Thị Nhật Tân,
Rất tiếc hôm 10/8/89 cháu lên Hà Nội thăm tôi, tôi lại không có nhà!
Qua báo Nhân dân ngày 10/9/89, tôi mới được biết Trần Thị Nhật Tân là người thế nào, đã phải chịu bao nhiêu gian nan vất vả, nhưng đã phấn đấu kiên cường thế nào để hoàn thành tác phẩm của mình và cũng đã xoay xở gian khổ thế nào để in ra được 4.000 bản!
Càng hiểu, tôi càng thương, càng phục Trần Thị Nhật Tân.
Tôi rất mừng nay Nhật Tân đã vừa được trở lại làm cô giáo, lại đang ấp ủ một tác phẩm nữa. Rất hoan nghênh và mong chờ được đọc.
Nếu có dịp, mong Nhật Tân đến gặp tôi vào khoảng tháng 9, 10, hay 11- 1989.
Nhà số 10 Nguyễn Cảnh Chân Hà Nội lúc 7 giờ tối thứ bảy cuối tháng 9 năm 1989.
Cô chỉ được gặp Tổng Bí thư 5 phút vì tối nay Tổng Bí thư phải tiếp những 12 đoàn khách... Nhật Tân được căn dặn cẩn thận.
Nhìn thấy Tổng Bí thư trong bộ đồ màu sáng, chất giọng trầm, phong thái khoan thai đĩnh đạc, Nhật Tân òa khóc...
Thấy Nhật Tân thổn thức không thốt thành lời, Tổng Bí thư thong thả Tôi rất muốn nghe những người và những lời nói thẳng. Đồng chí có nhiệm vụ phải nói hết những điều đang suy nghĩ. Tôi đang chờ đang đợi được nghe đây...
...Ba tiếng đồng hồ qua nhanh.
Có nhiều điều để nói, cả những thứ cần nói ngay với tác giả những việc cần làm ngay! Tổng Bí thư nhiều lần rút khăn lau nước mắt. Lúc chia tay, Tổng Bí thư ân cần rằng nếu có điều kiện đồng chí cứ đến gặp tôi lúc nào cũng được...
Chúng tôi đã về phường Lộc Hà, thành phố Nam Định thăm cô giáo Nhật Tân. Bao năm qua đi trong buồn tủi hy vọng… Nỗi đau cùng việc của bà đã chẳng đi đến đâu, đã không được giải quyết.
Nghe thêm chuyện của bà, chúng tôi thẫn thờ khi được biết mãi đến 7 năm sau, năm 1996, Trần Thị Nhật Tân mới gặp lại cụ Nguyễn Văn Linh không phải ở Hà Nội mà tại thành phố Hồ Chí Minh với những điều bất ngờ, lạ lùng?
Ấy là khi mới gặp, cụ đã trách chị ngay rằng tại sao không đến gặp cụ như đã thỏa thuận. Rằng tập tiếp theo của Dòng Xoáy sao không thấy mang tới...
Bà nghẹn ngào: Sau khi in Dòng xoáy tập 2, tôi đã mang 10 cuốn đến biếu cụ. Nhưng nhiều lần tới đều được thông báo cụ bận hoặc không có nhà. Để cho chắc, tôi còn gửi sách theo địa chỉ Văn phòng, vừa địa chỉ nhà ông bác sĩ riêng... Nhưng không hiểu sao, cụ đã không nhận được...
Dao sắc đã không gọt được chuôi. Ý tưởng cùng những quyết định nhân văn của tác giả NVL những việc cần làm ngay bị ngáng trở dang dở và bỏ ngỏ trước hệ thống quan liêu vô cảm…
Cô giáo Nhật Tân, nay đã thành một bà lão cô đơn không gia đình vẫn coi những lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là một cơ may trong cuộc đời tất tả xui xẻo của mình. Bù lại bà được hàng ngàn bạn đọc Dòng xoáy và những bài trên báo chí từng viết về bà thư từ thăm hỏi động viên chia sẻ…
…Chúng tôi ngước lên bàn thờ mà những nén hương bà thắp lên hồi nãy vẫn nghi ngút khói. Trên đó là tấm hình cụ ông thân sinh chụp hồi còn trẻ và hình Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Bên dưới tấm hình, bà ghi hàng chữ nắn nót Cụ Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đảng CS Việt Nam, cha tinh thần của Trần Thị Nhật Tân. Từ trần ngày Mồng 2 tháng Tư Âm lịch năm 1998. Bà cho biết ngày cụ Nguyễn Văn Linh mất, bà đã rước di ảnh cụ lên bàn thờ thờ chung cùng cha mình.
( Viết lại nhân 100 năm ngày sinh TBT Nguyễn Văn Linh)
Mùa hè năm 1989, 4.000 cuốn Dòng Xoáy do NXB Thanh Niên in được Nhật Tân âm thầm mang đi tự… phát hành. Thứ cho, thứ biếu, thứ bán rẻ... Có bao nhiêu cuốn Dòng Xoáy đã đến tay những bạn đọc có tâm? Một thời gian sau, cả thành Nam xôn xao vì Dòng Xoáy. Dòng Xoáy được người ta chuyền tay nhau đọc rồi bàn tán. Dòng Xoáy lan sang nhiều tỉnh thành.