Lò đã nóng rực, không bỏ dở giữa chừng
Ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của cử tri, tại buổi tiếp xúc cử tri lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chia sẻ về vấn đề rất được quan tâm là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Vấn đề này vừa qua đã đạt những kết quả bước đầu. Tổng Bí thư cho rằng, nếu không có sự ủng hộ của cử tri và nhân dân thì cuộc đấu tranh này không thành công được.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh quan điểm, không chỉ chống mà cái chính là phải xây. “Chống rất quan trọng, rất cấp bách, phải làm và làm quyết liệt, nhưng không phải cứ nhăm nhăm đi chống mà phải xây để ngăn ngừa, răn đe. Tôi đã từng nói, nếu ai trót nhúng chàm thì hãy tự gột rửa”, Tổng Bí thư cho hay.
Tổng Bí thư cho rằng, điều cốt lõi không phải phạt nặng hay xử chung thân mới đạt kết quả tốt, mà cái chính là người vi phạm phải nhận ra sai lầm, đặc biệt phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát. “Bất đắc dĩ mới dùng đến biện pháp không ai mong muốn là tử hình. Cần phải nhân văn, nhân ái, mở đường cho người ta, chứ không phải vùi dập, đánh một đòn chết tươi”, Tổng Bí thư bày tỏ.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, công cuộc chống tham nhũng còn nhiều việc phải làm và phải làm đến cùng, không bỏ dở giữa chừng, nhưng làm phải có cách, có phương pháp cho thực sự hiệu quả. Phải làm quyết liệt ngay từ dưới cơ sở, vì ở địa phương cũng đã bắt đầu nóng, nhưng chưa đều. Cùng với vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, nhân dân cũng phải vào cuộc giám sát, tập thể chi bộ giám sát để cán bộ “không dám, không thể, không cần” tham nhũng.
Đề cập đến việc thu hồi tài sản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn chứng vụ MobiFone mua AVG, gây thiệt hại của nhà nước 8.800 tỷ đồng, đơn vị liên quan đã hứa trả lại toàn bộ số tiền đó cộng với lãi. Bây giờ đã thu hồi được 8.500 tỷ đồng, đó là điều quan trọng. Hay các vụ án gần đây đưa ra xét xử, một loạt bị cáo xin được nộp tiền để giảm nhẹ hình phạt. Hiện chúng ta đang quy định theo hướng đó để thu hồi tài sản, ngăn chặn không đi vào “vết xe đổ”.
Tổng Bí thư lưu ý, chống tham nhũng, lãng phí phải thực hiện đồng bộ với các nghị quyết T.Ư, như cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương và BHXH. “Tinh thần là phát huy kết quả đạt được vừa qua, để sắp tới quyết liệt làm. Tất cả cùng đồng lòng vào cuộc, làm lâu dài và không sốt ruột. Vừa qua, các bác nói ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo, cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị là nhẹ quá. Tôi bảo việc này còn đang làm. Giờ xử mức 30 năm tù và khai trừ ra khỏi Đảng. Chúng ta phải làm từng bước, làm chắc chắn”, Tổng Bí thư chia sẻ.
Ngăn chặn tẩu tán tài sản
Nhắc đến những ông quan to, quan nhỏ đã bị lộ, chưa bị lộ và những vụ án lớn được đưa ra xét xử vừa qua, cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, Ba Đình) cho biết: Nhân dân rất tin tưởng vào cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, người dân còn suy tư khi nhiều vụ án lớn chậm bị phát hiện và xử lý. “Có những người vi phạm nghiêm trọng nhưng vẫn thăng tiến, phải chăng do kiểm tra, thanh tra buông lỏng? Liệu có người chống lưng cho họ không?”, ông Hoàn nêu câu hỏi, đồng thời mong muốn Đảng, Nhà nước quyết tâm quét sạch tham nhũng như đã quét sạch giặc ngoại xâm.
Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, Ba Đình) cho rằng người dân có quyền đòi hỏi cán bộ của Đảng phải trong sạch, gương mẫu. Chính vì thế, cán bộ phải giải trình nguồn gốc tài sản ở đâu ra một cách nghiêm túc,chứ không phải kiểu như “đi buôn chổi đót xây biệt phủ”. Nếu không làm nghiêm để ngăn chặn tẩu tán tài sản, sẽ còn chuyện “lâu đài đẹp như mơ là của mẹ già 80 tuổi”, hay “cử nhân vừa ra trường đã có tài sản khủng hàng trăm tỷ”.
Cử tri Nguyễn Công Hoàn (phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm) đề nghị luật phải quy định chặt chẽ để ngăn chặn tham nhũng ngay từ trong ý tưởng, không để có tư tưởng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “hạ cánh an toàn”. Cần xử lý nghiêm tham nhũng với mức án thật nặng, đồng thời quy trách nhiệm người đứng đầu, không để đối tượng kịp tẩu tán tài sản “hi sinh đời bố, củng cố đời con”.
Cùng đề cập đến công cuộc phòng chống tham nhũng, cử tri Nguyễn Vi Nghiêm (phường Ngọc Khánh, Ba Đình) đánh giá cao kết quả đạt được trong thời gian qua, khi hàng loạt vụ án lớn được xét xử. Đáng lưu ý là việc xử lý kỷ luật cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, cựu Phó Bí thư Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh; rồi khởi tố điều tra vụ “Vũ Nhôm”, “Út Trọc”, đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến tướng công an Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hoá…
“Thật sự là lò đã nóng, không ai đứng ngoài cuộc và cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm, góc khuất, không loại trừ củi khô, củi tươi. Chống tham nhũng tuy mất cán bộ, nhưng là cán bộ hư hỏng mà cử tri thường gọi là “con sâu”. Chống tham nhũng không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, mà còn tăng niềm tin của nhân dân vào Đảng”, ông Nghiêm bày tỏ.
Tổng Bí thư cho rằng, điều cốt lõi không phải phạt nặng hay xử chung thân mới đạt kết quả tốt, mà cái chính là người vi phạm phải nhận ra sai lầm, đặc biệt phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát. “Bất đắc dĩ mới dùng đến biện pháp không ai mong muốn là tử hình. Cần phải nhân văn, nhân ái, mở đường cho người ta, chứ không phải vùi dập, đánh một đòn chết tươi”, Tổng Bí thư bày tỏ.