Tôn vinh trung tâm quyền lực của nước Việt

Phối cảnh quy hoạch trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong tương lai.
Phối cảnh quy hoạch trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong tương lai.
TP - Bên lề lễ công bố Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, tỷ lệ 1/500, diễn ra sáng 19/4, một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh, điều quan trọng nhất “phải làm rõ trung tâm quyền lực quan trọng nhất tại Hoàng thành Thăng Long”.

Kỳ vọng điện Kính Thiên

Quy hoạch do Viện Quy hoạch và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng thực hiện), thống nhất với quy hoạch tổng thể 1/2000 được phê duyệt năm 2012. Theo đó, hầu hết các kiến trúc gắn với thời Nguyễn, thời Pháp thuộc và thời đại cách mạng tại Hoàng thành như Cột Cờ, cổng Đoan Môn, Hậu Lâu, nhà hầm D67, nhà con Rồng, Bắc Môn…đều được bảo tồn và trùng tu. Công trình khác, kiến trúc ít giá trị được phá dỡ hoặc chuyển đổi công năng. Hai đường dẫn lên cổng Bắc Môn cũng được phục dựng lại như ban đầu.

Các quần thể kiến trúc tại Hoàng thành được phân bổ theo năm không gian chính: Khu đón tiếp và tổ chức hoạt động cộng đồng từ Cột Cờ tới cổng Đoan Môn, khu tham quan chính của di sản từ Đoan Môn tới Hậu Lâu, khu triển lãm chuyên đề và làm việc của bộ phận nghiên cứu từ Hậu Lâu tới Bắc Môn, khu trưng bày di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu kết nối với các trục phố quanh Hoàng thành.

Một số công trình như Cột cờ, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn chỉ mang tính bảo tồn trung tu từ nay đến 2020, hoàn toàn trong tầm tay và có thể làm ngay. “Quan trọng là xác định được ý nghĩa lịch sử văn hóa của các công trình để tôn tạo. Trong số các công trình cần bảo tồn, cần chỉ ra công trình nào là cái gốc thể hiện đây là trung tâm quyền lực chính trị của các triều đại phong kiến Việt Nam. Quy hoạch này cũng xác định rõ phục dựng điện Kính Thiên như cơ sở vật chất để khẳng định điều đó”, TS. Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long nói.

Bản quy hoạch cũng nêu rõ tinh thần “hy sinh những cái nhỏ để giữ cái lớn hơn”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Đình Toàn cũng nói ý bảo tồn không có nghĩa ngắm cái gì cũng đẹp hết, cần giữ lại hết. Theo đó, nếu khả thi điện Kính Thiên sẽ được phục dựng trong giai đoạn sau 2020, sau khi hoàn thiện đề án nghiên cứu và phục dựng điện đã được phê duyệt trước đó.

Hiện nền điện Kính Thiên là phần nền móng của công trình kiến trúc thời Lê đầu thế kỷ 15. Hiện còn thềm rồng phía trước và sau nền điện vẫn được bảo tồn nguyên trạng. Các nhà khảo cổ tích cực, làm phát lộ đầy đủ 9 bậc điện phía trục chính. Trong nhiều cuộc bàn thảo phương án phục dựng điện Kính Thiên, các chuyên gia cho rằng phục dựng điện không phải vấn đề quá khó, đáng nói là xây xong dùng vào việc gì, cần chuẩn bị nội dung hoạt động chứ không chỉ có cái vỏ.

Tiền đâu?

“Để quy hoạch thành hiện thực trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nợ công kịch trần thì đầu tư cho công trình lớn mang ý nghĩa quan trọng thế này phải đặt trong tổng thể”, PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nói. Ông đánh giá quy hoạch này hoàn toàn khả thi với tiềm lực của Hà Nội, tuy nhiên cần bảo tồn di sản trước rồi mới tính đến tôn tạo.

Hà Nội cũng là một trong những địa phương có những công trình nghìn tỷ hiệu quả xã hội không cao. “Tôi nghĩ đó là bài học hết sức thực tế để những người làm quy hoạch rút kinh nghiệm”, PGS. Mai Hùng nói. Các nhà khoa học nhất trí nên cụ thể hóa từng hạng mục trong mục tiêu quy hoạch: Bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là minh chứng xác thực, duy nhất về nền văn hóa, văn minh Thăng Long, Đại Việt; bảo tồn, tôn tạo khai thác phục vụ nghiên cứu, giáo dục cộng đồng, tham quan; xây dựng không gian văn hóa cộng đồng hài hòa về cảnh quan kiến trúc, đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật trong tổng thể khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Không ai nghi ngờ tính khả thi của Quy hoạch này, nhưng kinh phí là thách thức không nhỏ. PGS.TS. Phạm Mai Hùng nghĩ tới cách huy động nguồn vốn xã hội hóa. TS. Nguyễn Viết Chức đồng tình, di tích nào cũng cần huy động xã hội hóa chứ không riêng Hoàng thành. “Tôi vẫn cho rằng huy động phải khơi gợi tình yêu, lòng tự hào về quá khứ của cha ông, chứ không chỉ là chuyện góp bao nhiêu. Tiền có thể chúng ta không thừa nhưng tiền để giữ gìn những di sản quý báu của ông cha thì nên đầu tư. Một di sản như vậy, tôi nghĩ thành phố không đến nỗi không bố trí được, nhưng tiền có rồi phải làm sao cho hiệu quả”, TS. Chức nói.   

Bên cạnh bảo tồn, tôn tạo các di tích trong Hoàng thành Thăng Long, nhiều chuyên gia đề xuất phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể để Di sản thế giới này thêm sống động. Chẳng hạn tiếp tục nghiên cứu để phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu từ thời Lý Trần, tái hiện trang phục, nghi lễ, câu chuyện gắn liền với các triều đại phong kiến tại Cấm thành.

MỚI - NÓNG