Ấn gỗ ở Hoàng thành: Không nên tâm linh hóa

Hoàng thành sẽ không khai ấn và phát ấn như ở đền Trần? (ảnh lớn). Ấn gỗ “Sắc Mệnh Chi Bảo” được tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long (ảnh nhỏ). Ảnh: Trường Phong.
Hoàng thành sẽ không khai ấn và phát ấn như ở đền Trần? (ảnh lớn). Ấn gỗ “Sắc Mệnh Chi Bảo” được tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long (ảnh nhỏ). Ảnh: Trường Phong.
TP - Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long chứa đựng nhiều giá trị khảo cổ, lịch sử và văn hóa, nên không thể tồn tại cách làm mang tư duy thủ từ. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia phản đối ý tưởng khai ấn, phát ấn tại Hoàng thành.

Tư duy thủ từ

Hiện vật tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long tạm được gọi là ấn “Sắc mệnh chi bảo”, vẫn còn trong giai đoạn tiếp tục nghiên cứu, thẩm định. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội mới khai ấn và phát ấn diện hẹp, tuy nhiên hành động này manh nha tiềm ẩn những hệ lụy lâu dài. Sau tọa đàm khoa học chiều 26/2 tại Hoàng thành, nhiều chuyên gia tiếp tục lên tiếng về nguy cơ đi theo con đường tâm linh hóa ở di sản văn hóa thế giới này.

PGS.TS Hoàng Văn Khoán là người so sánh thư pháp ấn để đưa ra kết luận sơ bộ “Sắc mệnh chi bảo” này có niên đại thời Trần, cụ thể là của vua Trần Thái Tông khi đích thân cầm quân chống lại quân Mông - Nguyên lần thứ nhất. Không những thế, PGS Khoán cũng là một trong số người ủng hộ chủ trương khai ấn Hoàng thành. “Nếu xác định đây là ấn thời Trần thì nên phát, bởi ở đền Kiếp Bạc, đền Trần cũng phát ấn. Tôi thấy Hoàng thành Thăng Long nên mở hội ba lần chiến thắng quân Mông - Nguyên, kết hợp phát ấn”, PGS.TS Khoán nói.

“Trong dân gian, nhiều người vẫn tin vào lá ấn như một bảo vật để giúp mỗi người chống ma tà, vận hạn hoặc mang lại phúc lộc.Thế rồi, tại đền Trần, lá ấn bỗng được “thổi” lên thành một bảo vật để đem lại quan tước, danh vọng. Hiện tại, cách nghĩ, cách nhìn về lá ấn đã bị đẩy đi khá xa so với mục đích là một vật lấy khước. Tôi cũng khá ngạc nhiên khi biết Hoàng thành Thăng Long tổ chức thí điểm khai ấn”, GS Ngô Đức Thịnh nói.

Quay lại câu chuyện ấn đền Trần, PGS.TS Nguyễn Văn Huy lý giải, cách đây 20-30 năm chiếc ấn ở đền Trần đơn giản là ấn của thủ từ, không phải ấn của nhà vua. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng nói, hình thức phát ấn đầu năm ở đền Trần chỉ dành cho các nhà đền, thanh đồng phù thủy. “Đó là những câu chuyện hoang truyền nói nhiều thành niềm tin. Khai ấn không phải là tư duy của người làm văn hóa mà là tư duy của mấy ông thủ từ”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Ấn gỗ ở Hoàng thành: Không nên tâm linh hóa ảnh 1

Hoàng thành sẽ không khai ấn và phát ấn như ở đền Trần? . Ảnh:Trường Phong.

Không nên khai ấn lẫn phát ấn

“Sắc mệnh chi bảo” còn nằm trong vùng tranh tối tranh sáng. Ngay cả khi khẳng định được đó là ấn thật thì phần nhiều các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đều phản đối hình thức tâm linh hóa chiếc ấn đó. “Nếu khẳng định đấy là ấn đời Trần thật, theo tôi cũng không nên làm lễ khai ấn mang tính chất tín ngưỡng như chúng ta đã làm ở đền Trần. Bởi vì hiện nay xã hội quá nhiều lễ hội tâm linh rồi, giờ lại mọc thêm một lễ hội tâm linh ở Hoàng thành Thăng Long. Xã hội đang chìm đắm trong niềm tin tâm linh hoang dại thời xưa. Tất cả những niềm tin cổ xưa đang sống dậy, và đang trở thành vấn nạn xã hội”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói.

GS.TSKH. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, trước đó thẳng thắn lên tiếng phản đối khai ấn và phát ấn tại Hoàng thành. Đồng quan điểm, GS Ngô Đức Thịnh nói: “Nhìn chung, đây là điều không nên thực hiện, nó vốn không có trong lịch sử và không được ghi chép lại. Ít nhiều, đây cũng là một sự khác biệt so với tục khai ấn tại đền Kiếp Bạc, hoặc đền Trần Nam Định. Như vậy, mượn màu sắc truyền thống để tổ chức nghi thức này là không cần thiết”.

Cần nhớ rằng Hoàng thành Thăng Long là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, là di sản văn hóa thế giới thì “tất cả hiện vật phát hiện được trong đó phải xử lý như hiện vật văn hóa, hiện vật bảo tàng”. “Trên thế giới chưa thấy quốc gia nào tìm thấy hiện vật tâm linh như Kim Tự Tháp, xác ướp các pharaon hay hiện vật tâm linh khác lại biến thành hiện vật để cầu cúng, khấn bái. Bảo tàng và di tích là phải để du khách được trải nghiệm, làm được ra các sản phẩm bán ở quầy lưu niệm”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Phát huy giá trị hiện vật mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa không nhất thiết phải đi theo con đường tâm linh, thổi phồng ý nghĩa. Một số chuyên gia nghĩ tới thu nhỏ để trở thành đồ lưu niệm. Dưới góc độ người làm bảo tàng chuyên nghiệp, từng biến Bảo tàng Dân tộc học thành điểm vàng du lịch, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đề xuất nên làm ra nhiều con dấu đặt ở nhiều vị trí để du khách tự đóng dấu coi như kỷ niệm mình đến Hoàng thành. Chưa hết, ông nhấn mạnh phải biến con dấu thành tác phẩm nghệ thuật chứ không phải tác phẩm tâm linh, có thể dùng hình ảnh con dấu đó in trên bưu ảnh. “Chứ đừng thu hút du khách bằng văn hóa tâm linh, cách làm lối mòn và rất dở, dễ tạo những hệ lụy”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Đại Việt sử ký toàn thư chép về chiếc ấn gỗ duy nhất: 

Năm Đinh Tỵ (1257) khi vua Trần Thái Tông thân hành thống lĩnh sáu quân đi chống giặc, quan giữ ấn vội vàng giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo. Giữa đường, ấn ấy lại mất. Giấy tờ trong quân không có ấn. Vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi xa giá về kinh lại có người đem dâng con ấn bị  mất, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên ở chỗ cũ.

Một đoạn sử khác cũng nhắc chuyện, năm 1316 xét duyệt quan văn và cấp cho hộ khẩu có mức độ khác nhau. Các quan xét duyệt cho rằng những tấm thiếp có đóng ấn gỗ vào năm Nguyên Phong là giả. Thượng hoàng Trần Anh Tông nghe tin ấy bảo: “Đó đúng là những tấm thiếp của nhà nước đấy”. Nhân ôn chuyện xưa mà dụ rằng: “Những người ở trong triều mà không am hiểu điển cũ thì lỡ việc nhiều lắm”.

MỚI - NÓNG