Tôn vinh những tấm gương sáng

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX. Ảnh: Lao Động
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX. Ảnh: Lao Động
TP - Buổi giao lưu với các điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ IX chiều 6/12, đã ghi nhận nhiều tấm gương sáng, xứng đáng để mọi người noi theo… Đó là những nhà giáo hơn 15 năm qua miệt mài với sự nghiệp “trồng người” miễn phí, bác sĩ 30 năm bám đảo chữa trị bệnh cho nhân dân...

Đến tham dự Lễ biểu dương có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân…

15 năm dạy học miễn phí

Dù đã nghỉ hưu nhưng 15 năm qua, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngư Lộc 2, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, vẫn miệt mài với những lớp học “trồng người” miễn phí. Tâm sự tại Đại hội, cô Thông kể, do đời sống khó khăn nên rất nhiều người lớn và trẻ em ở Ngư Lộc lâm vào cảnh thất học, mù chữ. Có người vì không biết chữ nên khi đưa con cái đi chữa bệnh ngoài Hà Nội lâm vào những hoàn cảnh hết sức éo le.

Trước tình cảnh đó, Nhà giáo Nguyễn Thị Thông đã quyết định mở lớp dạy chữ miễn phí cho người dân. Lớp học của cô Thông không chỉ có những đứa trẻ bình thường, người lớn mà còn có cả những em bé tật nguyền, dị tật. “Đối với những em bé đó, muốn dạy được các em thì mình phải là những người bà, người mẹ của các bé”, cô Thông nói. Nhờ sự tận tụy của cô giáo Thông mà 15 năm qua hàng trăm trẻ em, người dân ở Ngư Lộc, Hậu Lộc đã biết được chữ. Nhiều em với sự giúp đỡ của cô Thông đã học được lên cấp 2, cấp 3, thậm chí có em còn học hết lớp 12 và dự thi đại học.

30 năm tình nguyện ra đảo

Với tấm lòng yêu thương người dân, người bệnh, 30 năm qua bác sĩ Bùi Đình Lĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đã để lại trên đất liền người vợ trẻ và những người con để xung phong ra đảo Phú Quý công tác. Khi bác sĩ Lĩnh chưa ra đảo, mỗi năm ở Phú Quý có đến gần 10 người dân bị  bệnh tật và tử vong do không được điều trị, sơ cứu kịp thời. Nhưng từ khi bác sĩ Lĩnh có mặt, tỷ lệ tử vong của người dân trên đảo Phú Quý giảm hẳn. Sức khỏe của người dân trên đảo cũng được nâng lên rõ rệt.

“Tôi mong tất cả những người làm nghề y hãy vì bệnh nhân thân yêu, hãy coi người bệnh như là người thân, ruột thịt của mình. Hãy hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, bác sỹ Lĩnh nói.

Đến với Đại hội còn có gương mặt nông dân sáng tạo, ông Phan Tấn Bện, Giám đốc Cty TNHH một thành viên Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Theo ông Bện, trước đây ở Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm có khoảng 27 triệu tấn rơm, nhưng do những khó khăn trong việc thu hoạch nên có đến 21 triệu tấn bị bãi bỏ. “Nhu cầu sử dụng rơm trong xã hội và xuất khẩu là rất lớn nên nhìn những cảnh đó tôi có cảm giác chúng ta như là những “công tử Bạc Liêu đốt tiền”. Điều đó đã thôi thúc tôi nghiên cứu, sản xuất ra máy cuộn rơm để phục vụ cho nhu cầu của người dân. Nhờ đó sản lượng rơm được đem bán cho thị trường ngày càng tăng, người dân đốt rơm ngày càng ít đi.

Những lời chia sẻ của cô Thông đã khiến cho nhiều người tham dự xúc động. “Những năm qua nền giáo dục của chúng ta có những mảng tối, có những việc khiến người dân chưa bằng lòng mà chúng ta phải khắc phục. Tuy nhiên cũng có những điểm sáng, những con người, tấm gương mẫu mực như cô giáo Thông. Tôi tin rằng nếu xã hội chúng ta có nhiều hơn nữa những con người như thế thì chắc chắn nền giáo dục của chúng ta sẽ nhanh chóng trở nên hiện đại”, GS Văn Như Cương nhận xét.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.