Hiệu quả với cá nhân chủ doanh nghiệp Việt cũ có thể thấy. Tiền bán doanh nghiệp thu về rất lớn, người bán doanh nghiệp thu tiền khủng, chuyển hướng đầu tư hoặc ở lại làm thuê cho ông chủ mới. Còn các doanh nghiệp trong ngành, với đất nước, doanh nghiệp làm ăn tốt bị bán hết là mừng hay lo thì hiện thời chưa có số liệu hay nghiên cứu nào của các cơ quan quản lý phân tích rõ.
Còn với các ông chủ doanh nghiệp người Thái, kịch bản, toan tính được vạch sẵn. Kiếm lợi nhuận trực tiếp từ các doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả. Cùng đó, thâu tóm hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả và nắm giữ được hệ thống phân phối sẽ giúp tạo dựng được các đế chế mới, kênh phân phối mới cho hàng Thái tại khu vực và các nước. Đây cũng là lý do có thể lý giải cho việc các tỷ phú Thái Lan ra sức đổ tiền mua cổ phần và sở hữu các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua.
Đã đến lúc phải dè chừng các nhà đầu tư ngoại. Thâu tóm các thương hiệu tầm cỡ quốc gia chỉ là bước đầu tiên trong việc khống chế và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Với quyền lực của việc khi đã sở hữu hệ thống phân phối, các ông chủ ngoại hoàn toàn có thể “hô mưa, gọi gió” trong việc ưu ái nhập mặt hàng này, “đóng cửa” với nhập mặt hàng kia. Hàng Việt vốn đã yếu thế, kém cạnh tranh sẽ ngày càng teo tóp hơn nếu các chính sách “phân phối lại” kênh bán hàng được thực thi. Với các trường hợp này, sẽ không có chế tài hay điều luật nào có thể can thiệp. Mất thị trường, bị suy yếu dần hoặc phải chấp nhận bán rẻ, tăng tiền trả cho nhà phân phối, giảm lợi nhuận sẽ là việc đặng chẳng đừng với các doanh nghiệp trong nước khi phải đối mặt bài toán: Tồn tại hay không tồn tại.
Không ít chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về việc có nhất thiết phải bán các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả trong bối cảnh hiện nay thay vì tập trung bán và cơ cấu lại các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Với các doanh nghiệp có thương hiệu quốc gia, việc cổ phần hóa và nắm quyền chi phối sẽ có lợi về lâu dài hơn là chọn cách bán tất tay. Việc sớm có các chiến lược ứng phó với việc xâm lấn về sở hữu hệ thống sản xuất, phân phối cũng là việc cần làm thời điểm hiện nay.
Việc hàng hóa sản xuất ra dù có tốt nhưng nếu thiếu kênh phân phối hiệu quả khiến doanh nghiệp mãi không lớn cũng đã được chứng minh trong thực tế. Việc bỏ ngỏ thị trường, hệ thống phân phối trong nước sẽ mang đến những hệ lụy khó lường. Còn trước mắt, với việc khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã có hiệu lực, các tập đoàn của Thái Lan đang là những nhà đầu tư có lợi nhất khi tận dụng được các lợi thế mà doanh nghiệp Việt đang bỏ lỡ để kinh doanh và kiếm được lợi nhuận từ chính thị trường có tới hơn 90 triệu dân ở Việt Nam.