Tội phạm trẻ hóa gia tăng

Tội phạm trẻ hóa gia tăng
TP - Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014 của Ban Chỉ đạo Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm cho thấy tình hình tội phạm năm qua gia tăng phức tạp, nguy hiểm, ngày càng trẻ hóa.

> Tài chính, ngân hàng nhiều tội phạm tham nhũng
> Kỷ luật Chủ tịch thị trấn 'trù dập” người chống tham nhũng

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm (138/CP) do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, trình bày cho thấy, năm 2013, tình hình tội phạm gia tăng trên nhiều lĩnh vực theo chiều hướng nguy hiểm hơn, phức tạp hơn. Trong lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội, cả nước xảy ra hơn 59.000 vụ, tăng 5,03% so với năm 2012.

Trong lĩnh vực kinh tế, phát hiện, xử lý trên 12.000 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật, gần 450 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vu, thu hồi, tạm giữ, kê biên gần 3.500 tỷ đồng. Nổi lên là tội phạm, vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán… gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng quá trình tái cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội.

Trước việc tội phạm ma túy ngày càng manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng, hung khí chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy bắt, tỉnh Sơn La kiến nghị Chính phủ cho phép được tiêu diệt những kẻ chống đối bằng súng, hung khí. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, việc nổ súng phải rất chặt chẽ, phải đúng quy định của pháp luật.

Tình hình tội phạm trong năm qua còn ghi nhận xu hướng phạm tội có tổ chức, hoạt động đan xen giữa kinh tế, hình sự dưới dạng đâm thuê chém mướn, bảo kê, xiết nợ, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi… Kẻ cầm đầu các băng, nhóm tội phạm hầu hết có tiền án, tiền sự, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ khi gây án.

Do TPHCM giáp ranh nhiều địa bàn nên nghi can trốn truy nã thường về đây ẩn náu, gây án. TPHCM lo ngại nguy cơ bùng phát các băng nhóm tội phạm, bảo kê với nhiều thành phần. Trong số này, thanh thiếu niên tham gia ngày càng gia tăng. Phó Thủ tướng chỉ đạo TPHCM phải mở đợt tấn công mạnh xuống từng địa bàn, đối với vùng ven, vùng giáp ranh phải phối hợp thật tốt với lực lượng tổng hợp.

Mở cánh cửa cho người hoàn lương

Trước xu hướng tội phạm trẻ hóa ngày càng gia tăng, anh Dương Văn An, Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cho biết, thời gian qua, tổ chức Đoàn có nhiều hoạt động phối hợp Bộ Công an nhằm cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến, lầm lỡ... Hệ thống báo chí của Đoàn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các diễn đàn như Tội ác đến từ đâu, Sống đẹp, Lệch lạc thần tượng...

“Người bước từ trại giam ra phải mở hai cánh cửa, mở cánh cửa của trại giam và mở cửa để vào cộng đồng. Nhưng nhiều người hoàn lương ít có cơ hội tái nhập cộng đồng, Đoàn đã giúp đỡ những người hoàn lương từ bỏ tội lỗi, bảo lãnh xin việc, hỗ trợ vốn để họ lập nghiệp”, anh Dương Văn An cho biết.

Đánh giá cao những đóng góp của tổ chức Đoàn vào công tác phòng chống tội phạm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cần đẩy mạnh việc quan tâm giúp đỡ người sai phạm, lầm lỡ, những người hoàn lương hòa nhập cộng đồng, không dồn họ vào đường cùng.

“Muốn kiềm chế tội phạm, giải quyết căn bản vấn đề tội phạm thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhân dân phải vào cuộc”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng nghiêm khắc phê bình 5 tỉnh không có lãnh đạo tham gia Hội nghị, gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Đắk Nông, Đồng Tháp, cho rằng đó là thể hiện của sự quan tâm chưa thích đáng tới công tác phòng, chống tội phạm, coi là công việc của riêng ngành Công an.

Về nguyên nhân gia tăng của các loại tội phạm, đa số ý kiến thảo luận tại Hội nghị đều thống nhất rằng, tình hình kinh tế khó khăn, thất nghiệp nhiều là nguyên nhân chủ yếu.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG