Năm 2023, tôi cũng có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cá mập voi ở Thổ Chu. |
Tiếp xúc với bộ môn lặn tự do đã hơn 10 năm, tôi tự do khám phá những vùng biển tuyệt đẹp của Việt Nam, từ Phù Mỹ, Đề Gi đến Cù Lao Xanh (Bình Định), Nha Trang, Phú Yên, Phú Quý,... Vào mùa gió bấc, tôi chọn đảo Thổ Chu làm điểm lặn bởi khu vực này được mũi Cà Mau chắn gió, vùng biển trở nên êm ái tuyệt đẹp.
Tôi là Danh Trần (33 tuổi), một thợ lặn sống tại Quy Nhơn. Đem lòng yêu mến biển cả, tôi quyết định từ bỏ công việc kỹ thuật, trở thành thợ lặn toàn thời gian để có thể vùng vẫy giữa đại dương, khám phá hệ sinh thái dưới nước trù phú. Hiện tại, độ sâu tối đa mà tôi có thể chạm tới trong một lần lặn là khoảng 25-27 m.
Nhắc đến cá mập voi hay còn gọi là cá nhám voi (whale shark, ngư dân Việt Nam gọi là "Ông Sứa"), phần lớn mọi người sẽ nghĩ loài cá này chỉ có ở những vùng biển nước ngoài. Ít ai biết rằng tại cụm các đảo quanh đảo lớn Thổ Chu, TP Phú Quốc cũng có một số cá thể của cá mập voi đang cư trú, con lớn nhất có chiều dài lên đến khoảng 10 m.
Bơi cùng những "ngôi nhà di động"
Nằm ở vùng biển Tây Nam của tổ quốc, quần đảo Thổ Châu (hay còn gọi là Thổ Chu) gồm 8 hòn đảo sở hữu vẻ đẹp hoang sơ đầy ấn tượng với biển xanh trong vắt và thế giới dưới nước trù phú. Để di chuyển ra đảo, du khách có thể bắt các chuyến tàu từ Phú Quốc hoặc Rạch Giá, khởi hành theo lịch cố định.
Được gặp gỡ những "gã khổng lồ" của đại dương là ước mơ của những người mê lặn biển và tôi cũng không ngoại lệ. Là một thợ lặn chuyên nghiệp, tôi dành nhiều thời gian dưới nước vì vậy tôi đã nhiều lần chạm mặt với các cá thể to lớn như cá voi xanh ở Phú Yên, cá mập voi ở Bình Định.
Riêng ở vùng biển Thổ Chu, tôi có cơ hội gặp được 4 cá thể cá mập voi và nhiều lần gặp rùa biển ở gần hòn Đèn, hòn Cao, hòn Nhạn và hòn Từ trong những ca lặn của mình.
Dù có tên là cá mập voi nhưng chúng thuộc về họ cá mập, được xem là loài cá lớn nhất hành tinh. Cá mập voi thường xuất hiện ở những vùng nhiệt đới hoặc ôn đới ấm, tập trung quanh những khu vực có mật độ thức ăn cao. Sở hữu kích thước to lớn nhưng loài vật này không hề nguy hiểm như vẻ bề ngoài của chúng vì chỉ ăn sinh vật phù du, mực và các loài cá nhỏ.
Tuy vậy, nếu là người chưa gặp bao giờ, chắc chắn mọi người sẽ rất sợ nếu vô tình nhìn thấy bởi không biết nó có nguy hiểm hay không. Riêng tôi, đó là một sự may mắn khi được nhìn thấy chúng trong những ca lặn giữa đại dương xanh thẳm. Trong lòng ngập tràn cảm giác phấn khích, tôi mải miết lặn theo để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài cá này, nhìn ngắm sự kỳ diệu của thiên nhiên. Khi được chạm tay vào chúng cảm giác rất thích thú.
Cá mập voi nổi bật với thân hình to lớn, cái đầu rộng, phẳng với cặp mắt bé xíu và mang nằm cạnh mắt, phần lưng xám điểm những đốm trắng ngà tạo thành hoa văn rất bắt mắt. Loài vật này chủ yếu sống độc lập vì vậy tôi thường gặp những cá thể whale shark riêng biệt, tuy nhiên bên cạnh chúng luôn có cá ép hoặc cá bớp đi theo.
Trong 4 chú cá mập voi mà tôi có nhìn thấy ở Thổ Chu, con lớn nhất có chiều dài 9-10 m, con bé nhất dài khoảng 6 m. Như những "ngôi nhà di động", thân hình to lớn của cá mập voi trở thành nơi cư trú yêu thích của nhiều loài cá khác có tập tính cộng sinh như cá bớp, cá ép. Cá mập voi trở thành vật chủ như tấm khiên che bóng mát, bảo vệ các loài cá nhỏ, ngược lại, cá ép sẽ giúp vệ sinh làn da cho vật chủ.
Được bơi cùng loài cá lớn nhất thế giới, ngắm nhìn sự trù phú của các vùng biển Việt Nam khiến tôi càng yêu thêm công việc của mình và muốn gắn bó, bảo tồn hệ sinh thái biển.
Lặn cùng những đàn cá hàng tấn, ngắm san hô rực rỡ
Vào mùa gió bấc (gió đông bắc), người dân ở đảo thường tập trung tại bãi Ngự. Nơi đây sở hữu một bãi tắm nhỏ phù hợp cho những ai muốn tắm biển, ngắm hoàng hôn trên biển.
Bên cạnh đó, du khách có thể thuê tàu để khám phá các hòn đảo khác tại Thổ Chu như hòn Nhạn - nơi cư trú của những con chim Hồng Nhạn, check-in cùng điểm A1 trên đường cơ sở xác định đường biên giới trên biển Việt Nam.
Quần đảo Thổ Chu gồm 8 hòn đảo nằm xa đất liền nên vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ vốn có. |
Quần đảo Thổ Chu vốn là đảo quân sự nên hoạt động du lịch tại đây khá hạn chế, nhờ vậy vùng biển này vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ vốn có với thế giới dưới nước diệu kỳ đầy màu sắc.
Tại khu vực hòn Cao, du khách có thể tham quan bãi đá trầm tích sở hữu hình thù kỳ bí, khám phá những con đường xuyên rừng bàng vuông cổ thụ, rừng phong ba. Vào những ngày nắng đẹp, mọi người có thể lặn biển ngắm nhìn san hô tuyệt đẹp và cả những đàn cá sặc sỡ chen chúc trong những khóm hải quỳ. Lặn tự do tại quần đảo này, tôi còn được chứng kiến những đàn cá bè, cá ngừ, cá chỉ, cá hiếu,... hàng nghìn con.
Tại vùng biển Thổ Chu, tôi có dịp bắt gặp các cá thể cá mập voi, rùa biển và những đàn cá hàng nghìn con trong ca lặn. |
Tuy nhiên, tại Thổ Chu vẫn còn một số ngư dân từ nơi khác đến đánh bắt tận diệt bằng cách sử dụng thuốc nổ hoặc súng điện, đe dọa đến sự sinh trưởng và phát triển của các loài cá và san hô.
Ngoài ra, sao biển gai không chỉ ăn san hô sống mà còn ngăn chặn sự bổ sung của ấu trùng san hô, ngăn cản sự phát triển và cản trở khả năng phục hồi của các quần thể san hô.
Là một thợ lặn chuyên nghiệp, tôi có cơ hội khám phá những vùng biển tuyệt đẹp ở Việt Nam. |
Từng lặn ở nhiều vùng biển tại Việt Nam, quần đảo Thổ Chu mang đến cho tôi một cảm giác rất riêng biệt. Nằm cách xa đất liền vì vậy hệ sinh thái nơi đây rất đa dạng với nhiều loại cá đa dạng, những rạn san hô đặc sắc, làn nước trong vắt tuyệt đẹp.
Để khám phá quần đảo này, du khách nên kiểm tra kỹ thông tin thời tiết, mức sóng và lịch hoạt động của tàu để có những trải nghiệm tốt nhất.
Link bài gốc: https://lifestyle.znews.vn/toi-lan-cung-loai-ca-lon-nhat-hanh-tinh-tai-dao-tho-chu-post1506472.html