Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới
TPO - Chiều 6/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á 2013 (WEF Đông Á 2013) tại Myanmar. TPO trân trọng giới thiệu Toàn văn phát biểu của Thủ tướng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Thưa Ngài Thoongsin Thammavong, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào,

Thưa Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới,

Thưa quý vị và các bạn,

Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á lần thứ 22 được tổ chức lần đầu tiên tại Thủ đô Naypyidaw tươi đẹp và mến khách với chủ đề “Sự chuyển đổi can đảm hướng tới hội nhập và phát triển bền vững”. Sự kiện này thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng quốc tế trước những bước chuyển thành công của Myanmar và là một bằng chứng sinh động về sự phát triển năng động của Đông Á nói chung và đặc biệt là của ASEAN.

Trước hết, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin chân thành chúc mừng thành tựu to lớn đạt được trên các lĩnh vực của Myanmar. Tôi xin chúc mừng Giáo sư Klaus Schwab về những kết quả quan trọng mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã đạt được trong những năm qua và mong rằng Diễn đàn sẽ tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển bền vững của thế giới và khu vực.

Tôi cho rằng việc Hội nghị lần này đặt trọng tâm vào hội nhập khu vực và chuyển đổi là một lựa chọn phù hợp và rất đúng thời điểm. Đó là do sự gắn kết chặt chẽ giữa hai quá trình này và sự cấp thiết phải có những bước đi mạnh mẽ để giúp mỗi quốc gia và cả khu vực vượt qua khó khăn thách thức, đạt được mục tiêu chung đã đề ra, đặc biệt trước ngưỡng cửa hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Thưa Quý vị và các bạn,

Khu vực Đông Á đang phát triển năng động, là nơi tập trung những nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhiều nền kinh tế mới nổi, với xu thế chủ đạo là hợp tác liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực, cùng phát triển, cùng có lợi. Đó là cơ hội lớn nhưng cũng đòi hỏi các quốc gia phải nỗ lực đổi mới, tự hoàn thiện và thích ứng với môi trường hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Nhìn lại quá trình hơn hai thập kỷ qua, tôi cho rằng chính sự chủ động hội nhập quốc tế và chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường với sự năng động sáng tạo, tinh thần doanh nghiệp và khả năng thích ứng chính sách đã giúp Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn thách thức và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chính sách nhất quán của Việt Nam là xây dựng một nền kinh tế thị trường năng động, cạnh tranh, nơi mà tất cả các thành phần kinh tế đều có thể phát huy được tốt nhất khả năng của mình, đồng thời luôn chủ động, tích cực đưa nền kinh tế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, Việt Nam đang tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững và đạt mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cùng với Myanmar và các nước thành viên khác tăng cường hợp tác liên kết, kết nối trên các lĩnh vực để cùng có lợi, cùng phát triển và đóng góp thiết thực vào xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Trong thời đại toàn cầu hoá, cùng với các nỗ lực ở cấp độ quốc gia, điều kiện đủ để các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đạt được mục tiêu tăng trưởng, xoá đói giảm nghèo và trở thành một nước công nghiệp hiện đại đó là một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; tự do lưu thông thương mại và đầu tư thông qua liên kết kinh tế; và hợp tác tin cậy, hiệu quả giữa các quốc gia trong giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới. Vì vậy, tiến trình hội nhập quốc tế đang được thúc đẩy mạnh mẽ tại Đông Á nói chung và ASEAN nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Tại Diễn đàn ngày hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh đến một cấu phần không thể thiếu của quá trình này đó là nỗ lực tăng cường hợp tác, kết nối và liên kết kinh tế giữa các nước lục địa ASEAN hay khu vực Mekong, trong đó có việc hình thành các hành lang kinh tế xuyên quốc gia. Từ năm 1998, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á, các nước trong khu vực đã triển khai xây dựng một loạt các tuyến hành lang kinh tế với mục tiêu thúc đẩy giao lưu thương mại giữa các quốc gia, tăng tính cạnh tranh của khu vực, phát triển hạ tầng cơ sở và tạo cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho các vùng sâu, vùng xa. Các tuyến hành lang này cũng sẽ là cầu nối gắn kết giữa khu vực Nam Á, Trung Á với Đông Á, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây là yếu tố quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào có tham vọng mở rộng thị trường không thể bỏ qua.

Một ví dụ điển hình là Tuyến hành lanh kinh tế Đông-Tây (EWEC) kéo dài trên 1320 km từ cảng Đà Nẵng của Việt Nam qua 13 tỉnh thành của bốn nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar tới cảng Myawadi của Myanmar. Theo tính toán, sử dụng tuyến hành lang này giúp cắt ngắn từ 300-500 km quãng đường vận chuyển hàng hóa từ vùng Đông Bắc Thái Lan đến Đông Bắc Á so với tuyến đường truyền thống. Lợi ích kinh tế mà tuyến hành lang đem lại sẽ còn lớn hơn nữa khi kết hợp cùng các sáng kiến kết nối khu vực khác như Đường cao tốc xuyên Á hay Tuyến đường sắt xuyên Á.

Tuy nhiên, để Tuyến hành lang đáp ứng mong đợi của chúng ta và thực sự trở thành hành lang kinh tế thịnh vượng, bên cạnh cố gắng của chính phủ các nước thì sự ủng hộ của các đối tác phát triển và tham gia của khu vực tư nhân là không thể thiếu. Tôi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương dọc tuyến hành lang vì lợi ích của doanh nghiệp, của cộng đồng và của cả khu vực. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đối thoại cùng doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện và tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bảo đảm lợi ích của tất cả các bên. Tôi đề nghị các quốc gia dọc hành lang và các đối tác phát triển tăng cường hơn nữa sự hợp tác nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc và thúc đẩy sự phát triển của hành lang.

Thưa Quý vị và các bạn,

Con đường phía trước của chúng ta có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức khó khăn, đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới, sự sáng tạo và tư duy đột phá. Tôi kỳ vọng Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á lần này sẽ đưa ra nhiều ý tưởng, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững và đều khắp của khu vực.

Xin chúc Diễn đàn thành công. Chúc Quý vị và các bạn sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt.

Xin cảm ơn./.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.