Theo Bộ GD&ĐT nhận định có 3 nguyên nhân tăng điểm chuẩn gồm điểm bài thi tiếng Anh; số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh trong khi các trường top trên giới hạn chỉ tiêu; xu hướng chọn ngành (tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh).
Nhận định này được Bộ dựa trên các con số thống kê từ thực tế.
Cụ thể, số thí sinh dự thi năm nay là trên 1 triệu em, tăng 11% so với năm 2020.
Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, xét tuyển CĐ mầm non là 795.000, tăng 152.000 (24%) so với năm 2020 (643.000 thí sinh). Nhưng tổng chỉ tiêu chỉ tăng 10.000 (chưa được 0,2%) và chỉ tiêu xét tkết quả thi THPT giữ ổn định. Số đã xác nhận nhập học theo phương thức xét tuyển khác chỉ tăng 17.000 thí sinh.
Về phổ điểm thi tốt nghiệp THPT, bài thi tiếng Anh tăng điểm, nhưng theo Bộ GD&ĐT, việc tăng đó là bình thường và là một tín hiệu đáng mừng.
Thống kê cũng cho thấy tổng số thí sinh đạt tổng điểm từ 27 trở lên ở tất cả các tổ hợp chiếm 4,7%.
Theo Bộ GD&ĐT, thực tế vừa qua cho thấy điểm chuẩn các trường top trên tiếp tục ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi các trường top giữa có nhiều ngành bứt phá mạnh. Số ngành giữ nguyên hoặc tăng, giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3259 mã ngành).
Số ngành tăng từ 9 - 11 điểm là 30 ngành, chưa tới 1%. Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên có 265 ngành (8%), trong đó, riêng khối kỹ thuật – công nghệ và sư phạm đã chiếm tới 50%; sau đó tới khối kinh doanh doanh và quản lý (42 ngành), xã hội nhân văn (32 ngành), pháp luật (10 ngành).
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ hiện tượng nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng chưa trúng tuyển đợt 1 là một điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên, các trường vẫn còn nhiều hình thức xét tuyển; thí sinh vẫn còn cơ hội để trúng tuyển tại các đợt xét bổ sung.