Bi kịch điểm cao vẫn trượt đại học: Quá phụ thuộc điểm số?

0:00 / 0:00
0:00
Năm sau, bi kịch điểm thi cao vẫn trượt đại học liệu có lặp lại với thí sinh?. Ảnh: Như Ý
Năm sau, bi kịch điểm thi cao vẫn trượt đại học liệu có lặp lại với thí sinh?. Ảnh: Như Ý
TP - Với nhiều phương án tuyển sinh, các trường đại học mong muốn tạo điều kiện thuận lợi, giảm áp lực cho thí sinh. Nhưng điểm chuẩn vừa công bố cho thấy, nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt, nhiều trường không chọn được tân sinh viên xuất sắc.

Theo thống kê của Hệ thống Giáo dục Học mãi, năm nay trong tốp 30 trường dẫn đầu số lượng tuyển sinh trong cả nước, có 18 trường giảm tỷ lệ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Những trường ít phụ thuộc nhất là Trường ĐH Ngoại thương (chỉ dành 30% chỉ tiêu, so với tỷ lệ năm ngoái là gần 50%), Trường ĐH Kinh tế Quốc dân giảm từ 60% xuống còn 50%; Trường ĐH Kinh tế TPHCM (cơ sở TPHCM) dành 18% chỉ tiêu,Trường ĐH Tài chính - Marketing 25% dành chỉ tiêu, Học viện Ngoại giao dành 30% chỉ tiêu…

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, việc các trường còn ít chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT là một trong những nguyên nhân đẩy điểm chuẩn lên cao. Nhưng bên cạnh đó, không thể không nói đến phổ điểm năm nay cao đột biến, nên thí sinh chủ quan, đăng ký ít nguyện vọng.

Ghi nhận thực tế còn cho thấy, điểm sàn các trường đưa ra vênh quá xa so với điểm chuẩn thực tế. Ví dụ, điểm sàn của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là 20 điểm cho tất cả các ngành,trong khi điểm chuẩn của trường thấp nhất là trên 26 điểm và cao nhất trên 28 điểm. Như vậy, điểm sàn và điểm chuẩn thực tế chênh từ gần 7 điểm đến trên 8 điểm. Sự chênh lệch này thí sinh không thể lường hết được nên gặp rủi ro.

Hơn nữa, năm nay, có những ngành mà thủ khoa cũng không đỗ nếu không có điểm ưu tiên. Cả nước chỉ có 1 thủ khoa tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) đạt điểm tuyệt đối 30/30, nhưng có tới 2 ngành học lấy điểm chuẩn từ 30 đến 30,5 điểm đối với tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) là ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội và ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa). Theo TS Hoàng Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, năm nay, Thanh Hóa thực hiện đặt hàng đào tạo sư phạm theo Nghị định của Chính phủ.

Do đó, mùa tuyển sinh 2021, tỉnh Thanh Hóa đã đặt hàng Trường ĐH Hồng Đức đào tạo 1.063 chỉ tiêu đào tạo sư phạm. Ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao có 347 thí sinh đăng ký, nhưng chỉ lấy 15 thí sinh. Điểm thi cao, thí sinh được cộng điểm ưu tiên nhiều nên điểm chuẩn mới ở mức không tưởng.

Về mức điểm chuẩn kỷ lục này, ông Nam nói rằng, đây là tình huống không mong muốn. Trường cũng muốn đưa thêm các điều kiện ràng buộc khác khi xét tuyển nhưng hiện tại phần mềm của Bộ GD&ĐT không cho phép. “Chính vì vậy, điểm chuẩn cao nhưng chưa chắc đã tuyển được những thí sinh xuất sắc nhất”, ông nói.

Thực tế, với mức điểm chuẩn của ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, ngành Hàn Quốc học ở trên hay một số ngành của khối trường công an nhân dân (dành cho thí sinh nữ), thí sinh khu vực 3 (các quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương) gần như không có cơ hội trúng tuyển. Trong khi đó, đề thi không phân hóa nên chắc chắn những lo lắng như của TS. Hoàng Nam là hoàn toàn có cơ sở, nhiều chuyên gia nhận định.

Để không thiệt thòi cho thí sinh, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT, đề xuất giải pháp các trường dành 70-80% chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thực tế, 20-30% xét tuyển cho đối tượng ưu tiên.

Sẽ lập các trung tâm khảo thí

TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, tuyển sinh nước ta lâu nay hầu như chỉ dựa vào điểm số (điểm thi THPT, điểm học bạ, điểm đánh giá năng lực) là phiến diện. Các bài thi, cho dù được thiết kế hoàn hảo đến mấy, cũng thường chỉ đánh giá được 1-2 trong số các loại hình thông minh mà các nhà nghiên cứu đã đưa ra. Như vậy, các bài thi hiện tại mới đề cao sự nổi trội về logic - toán học, về ngôn ngữ là chính.

“Giáo dục toàn diện không có nghĩa là đào tạo ra các “siêu nhân” giỏi toàn diện các môn. Điều này là không tưởng và không cần thiết. Bản thân tôi khi học ở phổ thông chỉ nổi trội ở các môn khoa học tự nhiên, còn các môn xã hội chỉ ở mức qua môn. Tôi nghĩ chính sách quan trọng nhất mà Bộ GD&ĐT có thể làm là cho các trường tự chủ càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt”, ông Dũng nói.

Ông chia sẻ: “Tôi thấy rất lạ dù từ năm 2020 Bộ GD&ĐT đã tuyên bố kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn nhiệm vụ “2 trong 1” nữa nhưng các trường vẫn phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi này quá nhiều, không đề xuất được những phương án tốt hơn để tuyển sinh. Rõ ràng là sức ì rất lớn. Nhất thiết phải thay đổi, cho dù lúc đầu sẽ không tránh khỏi những vấp váp, trục trặc”.

Về những tồn tại dẫn đến bức tranh tuyển sinh như hiện nay, ông Dũng cho rằng có hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân chủ quan là các trường làm việc theo quán tính, theo lối mòn với phương châm an toàn là trên hết. Hơn nữa, dường như các trường cũng không có nhu cầu phải thay đổi vì thứ tự đã ổn định. Nguyên nhân khách quan (và cũng là chủ quan) là cơ chế quản lý nhà nước quá nhiêu khê, quá nhiều quy định trói buộc khiến ai cũng sợ đổi mới.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay, từ khi Luật Giáo dục ĐH ra đời, các trường ĐH đã hoàn toàn được tự chủ tuyển sinh. Mỗi trường có cách lựa chọn riêng để đảm bảo mục tiêu đào tạo. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã triển khai bài kiểm tra tư duy để tuyển sinh những thí sinh có đủ năng lực vào học theo yêu cầu của trường. Hai ĐH Quốc gia cũng có hai kỳ thi đánh giá năng lực.

Ông Điền cho rằng, mỗi kỳ thi đánh giá năng lực này có tiêu chí riêng. Việc hình thành các trung tâm khảo thí sẽ tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục ĐH có thêm một lựa chọn tuyển sinh.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nói rằng, hiện nay các trường ĐH đều có nhiều phương thức xét tuyển, vì vậy, không nên chỉ chọn một phương thức là kết quả thi tốt nghiệp THPT. Phương thức này sẽ càng lúc càng khốc liệt vì đề thi chỉ phục vụ tốt nghiệp và chỉ tiêu của các trường dành xét tuyển sẽ càng lúc càng giảm.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.