Khai mạc Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc 2022:

Tỏa sáng di sản dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hàng trăm nghệ sĩ tề tựu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để tham gia, biểu diễn khai mạc Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022” tối 18/11. Đây là dịp để tôn vinh di sản văn hóa, tăng cường sự gắn kết giữa các cộng đồng.

Tham dự chương trình khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam Khát vọng Việt Nam và Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất - năm 2022 có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực và nhiều lãnh đạo bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố.

Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức từ ngày 18 - 23/11 nhằm tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam.

Ngày hội là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc mình tại Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Tỏa sáng di sản dân tộc ảnh 1

Sân khấu mở màn Lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2022. Ảnh: Như Ý.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết thống nhất góp phần hoàn thành mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết, thành công, thành công đại thành công”, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là đường lối chiến lược của Đảng ta, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam góp phần tạo động lực quan trọng cho công cuộc đổi mới toàn diện, mang lại những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta", Phó Thủ tướng nói.

Tỏa sáng di sản dân tộc ảnh 2

Trao quà cho một số nghệ nhân tiêu biểu tham gia Tuần đại đoàn kết các dân tộc. Ảnh: NHƯ Ý.

Phó Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng các cấp, các ngành các tổ chức, các cơ quan đơn vị tiếp tục chung sức đồng lòng góp sức đồng phục hồi kinh tế và phát triển sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức xã hội, phát huy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng tinh thần vững chắc đưa đất nước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển.

Tỏa sáng di sản dân tộc ảnh 3
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Như Ý.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu kỳ vọng Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2022 mang lại bầu không khí vui tươi đoàn kết, lan tỏa tình yêu thương văn hóa dân tộc, mang lại sự trải nghiệm quý báu đối với nhân dân và du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ.

"Những thế hệ đi sau cần biết trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc, trân quý sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam thông qua hệ thống di tích, di sản văn hoá phi vật thể đồ sộ của dân tộc. Đoàn kết để có khát vọng cháy bỏng, đoàn kết và nỗ lực cao để hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu.

Tỏa sáng di sản dân tộc ảnh 4
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022. Ảnh: Như Ý.

Sau phần Lễ, Chương trình nghệ thuật với chủ đề Khát vọng Việt Nam tôn vinh các di sản của dân tộc. Các tiết mục được dàn dựng công phu nhằm làm nổi bật, tôn vinh và khích lệ tinh thần Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, giá trị của di sản văn hóa Việt Nam, khẳng định tinh thần khát vọng vươn lên của các dân tộc Việt Nam.

Tỏa sáng di sản dân tộc ảnh 5

Tiết mục dân ca quan họ trữ tình trong chương trình nghệ thuật với chủ đề Khát vọng Việt Nam. Ảnh: Như Ý.

Một số hình ảnh đặc sắc tôn vinh di sản, sắc màu văn hóa của các đồng bào dân tộc:

Tỏa sáng di sản dân tộc ảnh 6

Nghệ nhân, bà con các cộng đồng dân tộc về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chung vui. Ảnh: NHƯ Ý.

Tỏa sáng di sản dân tộc ảnh 7

Chương trình nghệ thuật thu hút đông đảo nghệ sĩ, nghệ nhân. Ảnh: NHƯ Ý.

Tỏa sáng di sản dân tộc ảnh 8
Toàn bộ chương trình diễn ra trên sân khấu nổi, được thiết kế theo hình chiếc quạt - hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Việt Nam, với tất cả các nan quạt chụm về một hướng tượng trưng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Ảnh: NHƯ Ý.
Tỏa sáng di sản dân tộc ảnh 9
Trên tổng thể sân khấu lớn còn có 4 sân khấu nhỏ để 200 diễn viên chuyên nghiệp và 170 nghệ nhân tham gia đồng diễn (sân khấu đảo lớn, sân khấu mặt nước, sân khấu trước khu vực khán giả, sân khấu cầu xi măng). Ảnh: NHƯ Ý.
Tỏa sáng di sản dân tộc ảnh 10
Phần trình diễn trang phục truyền thống sẽ được lồng ghép vào tổng thể chương trình nghệ thuật. Ảnh: NHƯ Ý.

Với chủ đề Khát vọng Việt Nam, chương trình sẽ nhấn mạnh vào hai nội dung: Đại đoàn kết toàn dân tộc và Tôn vinh di sản văn hóa. Tham gia Liên hoan có 22 dân tộc với gần 500 nghệ nhân, diễn viên quần chúng. Đặc biệt sẽ có màn trình diễn trang phục dân tộc mặc hằng ngày và các dịp đặc biệt như đám cưới, lễ, Tết.

Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022 diễn ra từ ngày 18 - 23/11, với nhiều chương trình, sự kiện hấp dẫn và ý nghĩa, góp phần phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.​​​​

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.