Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
08/04/2019 14:27
08/04/2019 14:57
08/04/2019 14:59
Clip nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên
08/04/2019 15:14
Sau khi nhà trường kỷ luật 5 em học sinh 1 tuần thì tôi đã thay mặt gia đình xin nhà trường không kỷ luật các em học sinh để không ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em, vì đây là khoảng thời gian cuối cấp.
Sau đó, tôi đòi xem video vụ việc nhưng hiệu trường và hiệu phó bảo nội dung video không có gì và bắt các em học sinh xóa đi và không có gì để phát tán trên mạng.
Sau buổi làm việc với nhà trường, tôi có nghe nhiều người hỏi có biết video thế nào không mà cho tha dễ dàng. Đến tối tôi xin được video và thấy hành động của các cháu học sinh đối với cháu tôi quá dã man, đây là những hành động không phải là của con người đối với con người.
“Khi nhìn thấy video tôi không thể nào chịu được, và cũng không biết làm sao để giải oan cho cháu. Sau đó tôi mang video đến trình diện sang bên công an. Đồng thời, nhờ các nhà chức trách có thẩm quyền đến giúp gia đình chúng tôi lấy lại công bằng cho cháu, giúp cháu đỡ bị thiệt thòi về tâm lý đeo đẳng cháu suốt cuộc đời”, anh Doanh nghẹn ngào nói.
08/04/2019 15:25
Ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách công tác học sinh, sinh viên Bộ GD&ĐT: Tôi chân thành cảm ơn đến Báo Tiền Phong đã mở ra cuộc tọa đàm trực tuyến hôm nay. Bộ GD&ĐT đánh giá cao khi Tiền Phong đã thể hiện trách nhiệm cơ quan báo chí, truyền thông mà xã hội đang quan tâm. Đó là nhiệm vụ chung để chúng ta làm tốt hơn nữa trong thời gian tiếp.
Tôi xin chia sẻ với ý kiến của chú ruột cháu Y. ở Hưng yên bị bạn bè bạo hành. Khi biết vụ việc này xảy ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và các vụ đã tích cực với các sở ngành của tỉnh Hưng Yên tìm cách khắc phục sự việc này. Ngay sáng 31/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã về làm việc với các bộ ngành, sở vụ ở ngay ngôi trường vừa xảy ra vụ bạo lực. Các vị chủ tịch công đoàn, bên liên quan, sở ngành báo cáo về vụ việc.
Ngay tại chỗ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và chủ tịch tỉnh Hưng Yên đã thể hiện thái độ không khoan nhượng, kiên quyết và xử lý ngay. Cũng phải khẳng định, bạo lực học đường là vấn nạn của tất cả các nước, gần đây nhất Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã có những vụ rúng động. Lứa tuổi THCS, THPT có nhiều biến đổi tâm sinh lý, những vấn đề chủ quan nhiều em không kiểm soát được bản thân, cộng với sức ép học tập và xã hội đã gây ra những vụ bạo lực như vừa qua. Thủ tướng có chỉ đạo về môi trường học tập lành mạnh cho trẻ em.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã đưa ra thông tư 31, thông tư 33 để tạo ra môi trường học tập lành mạnh, thân thiện cho các em. Đến nay, có nhiều văn bản được ban hành về vấn đề này. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và các bộ, ngành đã ban hành 11 thông tư liên quan về vấn đề này.
Bộ cũng đã có chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp cũng cần cụ thể hóa thành các nhiệm vụ chi tiết. Cũng phải nhìn nhận, các vụ bạo lực vừa xảy ra là các vụ cá biệt xảy ra.
Dù là những vụ cá biệt nhưng ảnh hưởng tới các em- các nạn nhân sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tính cách, cá tính của các em sau này. Điểm chung các vụ bạo lực này này đều xuất phát từ mâu thuẫn, sự âm ỉ ngày càng lớn lên và khi có cơ hội bột phát lên.
“Quan điểm chung giữa các bộ ngành đều đã thế hiện thái độ nói không với bạo lực học đường, lên án các hành vi trong thời gian vừa qua, làm sao con em mình có môi trường an toàn, lành mạnh”- Ông Linh nêu quan điểm.
08/04/2019 15:25
08/04/2019 15:36
Ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục trẻ em Bộ LĐTBXH chia sẻ: Chúng ta trải qua rất nhiều cú sốc, sốc tâm lý khi mỗi lần xem các video bạo lực trẻ em, bạo lực học đường được chia sẻ trên mạng xã hội. Chúng tôi cho rằng, toạ đàm này là cần thiết vì cần mổ xẻ nguyên nhân diễn ra thực trạng đau lòng này.
Về xu hướng xâm hại trẻ em nói chung và bạo lực học đường nói riêng, thông qua các kênh thông tin, clip, sự việc chúng ta được biết, được nghe sẽ tăng lên.
Bởi lẽ, bắt nạt học đường, bạo lực học đường vốn là thực trạng tồn tại trong nhiều nhà trường thậm chí ở các quốc gia phát triển. Vấn đề thứ hai, nhận thức người dân, nhận thức xã hội tăng lên thì tố cáo nhiều hơn.
Trước đây bạo lực ẩn giấu phía sau nhà trường, sau lớp học nhiều hơn. Giờ được hỗ trợ các phương tiện về công nghệ nên sẽ được đưa ra ánh sáng nhiều hơn. Và một vấn đề nữa là khi pháp luật quy định chặt chẽ hơn thì niềm tin của người dân cũng tăng lên.
Từ đó, số cuộc gọi tố cáo xâm hại, bạo lực trẻ em tăng lên rất nhanh. Trong thời gian tới phần chìm của tảng băng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em ngày càng lộ rõ hơn, chúng ta nên chuẩn bị tâm thế lộ sáng.
Về góc độ nhà quản lý và bảo vệ trẻ em, mỗi lần chứng kiến clip xâm hại, bạo lực trẻ em chúng tôi đều không chịu nổi. Ở đây, chúng tôi cũng muốn đề cập, ai là nạn nhân thực sự trong các vụ bạo lực học đường?
Các em bị đánh đập- các em là nạn nhân thì rõ rồi nhưng những học sinh khác có phải nạn nhân không? Bởi lỗi không hoàn toàn thuộc về các em, lỗi ở những người giáo dục, quản lý, chăm sóc các em để các em trở thành công dân tốt.
“Vấn đề tâm lý học đường cần phải làm cấp bách và dạy kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng lên tiếng cho học sinh có nguy cơ là nạn nhân của bạo lực. Chúng ta phải tăng cường hơn nữa và cập nhật những kiến thức, những vấn đề ngoài xã hội vào để hướng dẫn cho các em.
Trong trường học ngoài việc dạy những kiến thức cơ bản thì cần phải dạy các em những kỹ năng nào đối phó những vấn đề mà xã hội đang nổi lên. Đó là những vấn đề ngành giáo dục cần phải ưu tiên triển khai và phải có chiến lược, kế hoạch lâu dài để phòng ngừa tích cực cho những hành vi bắt nạt và bạo lực học đường”, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ.
08/04/2019 16:02
???Nhà báo Nguyễn Việt Hùng: Thưa nhà văn Phong Điệp, chị có thể chia sẻ ở góc độ phụ huynh học sinh về nguyên nhân bạo lực học đường?
Nhà văn Phong Điệp: Chúng ta luôn nói trẻ em không đơn độc? Nhưng có bao nhiêu trẻ em biết rằng mình không đơn độc?
Có bao nhiêu em biết rằng có 17 cơ quan, đơn vị, ban ngành nhà nước có trách nhiệm bảo vệ mình? Có bao nhiêu em biết số tổng đài 111 để khi bị xâm hại, bạo hành mà gọi đến?
Tôi là phụ huynh học sinh và tôi muốn kể lại một câu chuyện, ở lớp con tôi theo học có hai bạn đánh nhau nhưng khi phụ huynh đưa câu chuyện đánh bạn lên nhóm phụ huynh thì bạn kia kêu gọi rất nhiều học sinh khác uy hiếp nạn nhân đến mức cháu đó phải van xin bố mẹ chuyển trường.
Như thế để thấy mầm mống bạo lực rất nguy hại. Tôi chỉ muốn chia sẻ ở góc độ phụ huynh học sinh là làm sao để trẻ em biết rằng mình không đơn độc?
08/04/2019 16:05
Đại tá Phạm Mạnh Thường, phó cục trưởng cục Hình sự, Bộ Công An cho rằng, riêng thống kê của ngành công an, trong quý 1 đã có 310 vụ bạo lực học đường và chủ yếu học sinh ở lứa tuổi THCS và THPT.
Về luật xử lý về những vấn đề về bạo lực học đường, thì chúng ta đã có bộ luật hoàn chỉnh. Về luật xử lý, chúng ta có bộ luật hoàn chỉnh, chỉ có điều phải mổ xẻ nguyên nhân để xử lý thế nào? Nhiều các em học sinh lỗi là các em hay là do nguyên nhân gì?
Đại tá Mạnh Thường cho rằng, kĩ năng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính các em là một khâu quan trọng. Ví dụ, kĩ năng của học sinh thông tin với cô giáo, với bạn bè cũng cần cung cấp cho các em học sinh.
Nếu để giải quyết vấn đề bạo lực học đường chỉ mỗi tuyên truyền là không đủ. Theo tôi, cần có lắp camera các lớp học. Nhiều trường nếu không có kinh phí thì có thể xã hội hóa để lắp camera, vì nếu đều lắp camera sẽ chống được nhiều thứ.
08/04/2019 16:25
??? Nhà báo Nguyễn Việt Hùng: Với góc nhìn nhà quản lý giáo dục, ông có thể đưa ra những giải pháp để hạn chế bạo lực học đường.
TS. Nguyễn Tùng Lâm - TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội: cho hay nữ sinh lột quần áo bạn là cố tình xúc phạm thân thể, danh dự của người khác. Điều này cho thấy những học sinh tham gia đánh bạn chưa hiểu hết giá trị yêu thương, tôn trọng con người, thậm chí bị lệch lạc về tư tưởng, nhận thức. Các em coi việc lột đồ, làm nhục người khác làm hả hê. Xã hội cần lên án mạnh mẽ những hành vi này.
“Lâu nay, chúng ta chỉ nói đến kỹ năng mà chưa đề cập nhiều về giá trị sống. Tại sao một em lại bị đến 5 em đánh? Tại sao các em lại lột quần áo của bạn? Con người khi sống không có giá trị yêu thương và tôn trọng người khác là điều tối kỵ nhất”, thầy Tùng Lâm nói.
TS Lâm đưa ra giải pháp: Thứ nhất, cần tập trung và làm đồng bộ nâng cao nhận thức về pháp luật, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của tất cả các tổ chức bảo về trẻ em. Không những chú trọng đến nhà trường mà phải chú trọng đến gia đình và cả địa phương. Khẩu hiệu của chúng ta, ngoài “môi trường xanh sạch đẹp” thì chúng ta phải khẩu hiệu”Xã hội an toàn, không có bạo lực”.
Thứ hai, về gia đình phải có cam kết, nhận thức đúng về giáo dục con cái. Các tổ chức phụ nữ,, chính quyền địa phương phải có phương pháp, hướng dẫn để họ biết được cách giáo dục con cái, giành thời gian cho việc giáo dục con cái, giúp họ thấy được vai trò của họ.
Có giá trị yêu thương, giá trị khoan dung nhưng những điều đó phải phải nhận thức bằng những tình huống,những câu chuyện bằng những việc làm của từng học sinh thì chúng ta mói giáo dục học sinh được. Chúng ta đã nhập khẩu rất nhiều chương trình giáo dục của các nước, tôi hy vọng các nhà trường chúng ta sớm đưa các chương trình đó tiếp cận học sinh để thay đổi nhận thức, tình cảm của học sinh.
Đặc biệt để các em được tự chủ, tự quản, làm chủ được cuộc sống của chính các em trong mỗi nhà trường. Vai trò của những người làm giáo dục, trước hết là hiệu trưởng của các nhà trường là nhà quản lý, nhà lãnh đạo giáo dục, sư phạm phải giúp giáo viên thực hiện những điều mình mong muốn. Sau đó là đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm, nhất là giáo dục phổ thông chưa được xem trọng.
Phải thường xuyên tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, chỉ ra cho họ cách làm. Kiến nghị vị trí, vai trò của giáo viên chủ nhiệm phải được tôn trọng, đề cao, trả lương cao. Bồi dưỡng cho giáo viên để hoàn thành trách nhiệm thì mới quy trách nhiệm về họ. Sau đó là đến vai trò của toàn bộ giáo viên.
Chúng ta cần phải xem lại những quy chế, những cơ chế chịu trách nhiệm về những hành vi của chính học sinh và phụ huynh học sinh. TS Lâm đề xuất, hình thức phạt lao động đối với học sinh vi phạm, qua thời gian thử thách để thấy rằng trách nhiệm của mình với hành động đó như thế nào và cần thay đổi những gì?
08/04/2019 16:33
Mr Travis Stewart, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Anh ngữ Apax English: Khi tôi làm việc ở ngôi trường tư nhân, may mắn tập đoàn và trung tâm đưa ra hành động và giải pháp rất nhanh về vấn đề bạo lực học đường.
Giáo dục trẻ em bao gồm nhiều thành phần gồm gia đình nhà trường và xã hội, điều quan trọng là hướng dẫn họ để họ làm việc với nhau và cùng bảo vệ trẻ em. Điều quan trọng là hành vi của trẻ, điều mà trẻ thể hiện ra bên ngoài.
Ở trung tâm APax chúng tôi dạy về các yếu tố không một tổ chức nào trước đó làm đến. Ở Apax có chương trình dạy trẻ 7 tính cách để thành công.
7 tính cách tôi muốn nhấn mạnh như: lòng biết ơn, tính tự chủ, những ai có những phẩm chất đó. Ở trung tâm chúng tôi không chỉ hướng dẫn đến trẻ em mà còn muốn đưa phụ huynh vào cuộc. Chúng tôi có các buổi thảo luận hướng dẫn phụ huynh giao tiếp với trẻ.
Đối với cách phương pháp tiếp cận với trẻ, nhiều phụ huynh và học sinh không có sự chia sẻ nào cả. Việc nhiều phụ huynh cho con dùng ipad sẽ ảnh hưởng lâu dài đến não của trẻ. Thực ra công nghệ ảnh hưởng tốt nếu nó có sự trợ giúp, hướng dẫn từ giáo viên, phụ huynh còn nếu không nó không tốt tý nào cả.
Ngoài chương trình 7 tính cách, trung tâm còn có chương trình khác như cung cấp các công cụ để học sinh làm tự chủ bản thân, sự thấu cảm về các vấn đề xã hội.
Mr Travis Stewart chia sẻ thêm: Tôi là người Canada và thời tôi đi học chưa có điện thoại thông minh nên các clip bạo lực không được chia sẻ rộng rãi. Ở Canada, không bao giờ nhượng bộ với hành vi bạo lực. Họ có một chính sách cứng nhắc nên luôn tìm ra giải pháp rất nhanh nhưng nếu cứng nhắc quá thì trong một số trường hợp khó để giải quyết vấn đề.
Chính vì mỗi trường hợp khác nhau mà giải quyết giống nhau thì không hợp lý nên chính phủ đang tìm cách thay đổi và chú trọng vào ngăn ngừa. Ngăn ngừa bạo lực bằng cách không chỉ giáo dục học sinh mà hướng dẫn cả giáo viên để phát hiện và ngăn chặn nó từ đầu.
Lần đầu tôi đến Hàn Quốc vào 2003, phụ huynh ủng hộ việc giáo viên có thể răn dạy bằng cách đánh học sinh. Hàn Quốc có tỉ lệ tự vẫn cao nhất ở trẻ vì trẻ áp lực từ nhà trường, bạn bè, gia đình. Có một trường học ở Mỹ rất đặc biệt, họ sẽ chọn học sinh một cách ngẫu nhiên.
Trường này chỉ tập trung vào việc giáo dục tính cách cá nhân nhưng kết quả học tập lại cao hơn rất nhiều trường khác trong khu vực. Với kinh nghiệm từ Canada, Hàn Quốc và Mỹ thì tôi muốn nói rằng, giải pháp là chúng ta nên tập trung vào vấn đề giáo dục tính cách cho trẻ em.
08/04/2019 16:58
Bà Hoàng Tú Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng TƯ – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển thiếu nhi Việt Nam cho biết, những biểu hiện này rất là cá biệt, không phải là phổ biến trong môi trường học đường hiện nay.
Tuy nhiên, khi chứng kiến những thông tin về bạo lực học đường thời gian qua thì chúng tôi rất đau lòng và luôn luôn có hoạt động kịp thời đến các nạn nhân của các cuộc bạo hành đó. Hội đồng Trung ương trong thời gian vừa qua cũng triển khai rất nhiều hoạt động, tuy nhiên có thể chưa tới và dự kiến trong thời gian tới sẽ làm tăng cường hơn.
Chúng tôi đã tổ chức những diễn đàn trong thiếu nhi, triển khai rộng khắp cả nước diễn đàn “xây dựng tình bạn bè, nói không với bạo lực học đường”. Tới đây, tăng cường nhiều hơn nữa về tuyên truyền pháp luật cho các em, đặc biệt là các em cấ 2 (các em cuối cấp).
Hướng dẫn cho các em kỹ năng, cách phòng vệ để phòng trách bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em. Mô hình “hòm thư vì tương lai bè bạn”, viết những thông tin, hiện trượng trong nhà trường của bạn bè để thông tin đến giáo viên….
“Không chỉ riêng một ngành hay một cấp nào mà chúng ta phải đồng bộ trừ trung ương đến cơ sở để có những giải pháp, hoạt động thiết thực”, bà Anh nói.
08/04/2019 17:09
Ông Bùi Văn Linh - phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bộ GD-ĐT cho rằng, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường rất đầy đủ nhưng tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm sinh lý, hiếu động và muốn tự khẳng định mình. Một số học sinh chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với sự biến đổi của đời sống xã hội. Những hành vi xấu xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống đã có tác động tiêu cực đến học sinh.
Công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng còn thiếu hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể, thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai. Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội chưa chặt chẽ và chưa thực sự hiệu quả.
Bộ GD&ĐT đã quy định công tác tư vấn học đường, công tác xã hội trong trường học, nhưng các nhà trường triển khai còn chậm. Thêm nữa, có việc thiếu quan tâm, chưa sát sao trong giáo dục học sinh của gia đình, thậm chí còn có tâm lý "khoán trắng" cho nhà trường. Nguyên tắc phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội mà chỉ thiếu một bên thì quá trình giáo dục toàn diện khó thành công.
Trong đó, nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc; phụ huynh phải nắm bắt được các tâm tư, nguyện vọng, thay đổi của con em để chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và phối hợp cùng nhà trường, đồng thuận với cách giáo dục của giáo viên để xử lý các vấn đề.
Theo ông Linh, thực hiện nghị định 80 của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã có hai thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh và hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.
Theo đó, tất cả các trường phổ thông đều thành lập tổ tư vấn tâm lý, tổ chức giáo dục kỹ năng sống, tiếp nhận các tâm tư, vướng mắc của học sinh để tư vấn; rà soát, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế... để có thể học tập tốt như các bạn có điều kiện gia đình bình thường.
Tuy nhiên, phải nói rằng việc cập nhật các chính sách, quy định của ngành đối với từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh còn bất cập. Vẫn còn có địa phương, nhà trường chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm túc các chỉ đạo này.
Tháng 12-2018, Bộ đã ban hành công văn chỉ đạo các sở GD-ĐT hướng dẫn các trường thu thập thông tin về học sinh, xây dựng kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường và cách xử lý.
Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang chủ trì và phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục; Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ ban hành nghị định xử phạt trong lĩnh vực trẻ em. Khi đó cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng.
Theo ông Linh, khi phát hiện các mâu thuẫn của học sinh, giáo viên cần tiếp cận ngay vấn đề, qua các kênh trực tiếp, gián tiếp để tìm hiểu rõ bản chất sự việc, trao đổi cùng cha mẹ các em và báo cáo hiệu trưởng nhà trường xin ý kiến chỉ đạo giải quyết ngay.
Giáo viên tư vấn, cán bộ Đoàn - Đội cũng có trách nhiệm quan tâm đến tư tưởng, ý kiến của các đoàn viên, đội viên, học sinh, tuyệt đối không được chủ quan, bỏ qua và chậm trễ trong xử lý các tình huống.
Chúng ta đã có nhiều giải pháp nhưng trong thời gian tới các bộ, ngành và các địa phương sẽ phải cùng nhau vào cuộc trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật tại cơ sở, đặc biệt là tại các trường. Các địa phương phải thường xuyên giám sát việc thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp trong việc để xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn trong trường học.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những điểm bất cập để tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện sao cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Tăng cường tuyên truyền những gương người tốt - việc tốt, tấm gương điển hình chăm ngoan, học giỏi, có trách nhiệm với bạn bè và cộng đồng.
Quá trình bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên nhằm nâng cao năng lực sư phạm, xử lý tình huống sư phạm... cũng cần được tăng cường hơn trong thời gian tới đây cho tất cả cá nhân, tổ chức có trong trường học.
08/04/2019 17:22
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em, Bộ LĐTB&XH chia sẻ: Bảo lực học đường không chỉ bạo lực giữa học sinh với nhau mà còn là bạo lực của giáo viên với học sinh, thậm chí là giáo viên dâm ô với học sinh hay phụ huynh bạo lực với giáo viên.
Nói vai trò của nhà trường, gia đình, với cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này thì thì vai trò của ngành giáo dục rất quan trọng.
Tôi xin đề xuất 3 trải nghiệm của chính tôi với cương vị là học trò, phụ huynh và là giờ là công tác làm về trẻ em: Thứ nhất, các em đến trường phải được học về pháp lý, bài học này là một phần của những bài học về công dân. Cần dạy bằng việc nêu gương, dạy biết sợ, tôn trọng pháp luật. Ở TPHCM có các buổi học thú vị, đến các trường dạy thông qua trải nghiệm.
Thứ 2, các em cần dạy về đạo lý. Ở xã hội này đang bị khủng hoảng đạo đức. Những giá trị đạo đức văn minh hiện nay chưa được xác lập mà ví dụ điển hình là vụ dâm ô học sinh mà chỉ phạt 200 nghìn. Chúng ta cần phải có những bài học tôn vinh cái đẹp, lòng nhân ái.
Thứ ba, trẻ đến trường phải được chăm sóc tâm lý. Vấn đề quan trọng nhất là vấn đề tham vấn học đường. Giáo viên cần phải nắm được tâm lý, xung đột của học sinh với học sinh thông qua quá trình tham vấn.
Điều này phải được đẩy mạnh hơn nữa trong nhà trường. Làm sao trong thời gian tới, tổng phụ trách của các trường phải làm cán bộ tham vấn học đường. Cuối cùng, chúng ta phải sử dụng kỉ luật tích cực.
Giáo viên không có kỉ luật sao dạy không kỉ luật được. Phải phổ biến cho giáo viên kỉ luật tích cực, là kỉ luật không bạo lực, kỉ luật không nước mặt.
Đề nghị ngành giáo dục, ngay lập tức phải triển khai ngay, các trường sư phạm phải áp dụng ngay. Đây là chìa khóa của mọi giải pháp.
08/04/2019 17:25
Kết thúc buổi toạ đàm, nhà báo Nguyễn Việt Hùng tin tưởng, buổi tòa đàm đã đưa ra nhiều nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường. Phần nào cho thấy các cấp, các ngành không bàng quan và đã, đang vào cuộc xử lý và ngăn chặn bạo lực học đường.
Tại Hà Nội, toạ đàm với chủ đề: "Ngăn ngừa bạo lực học đường - Để trẻ em không đơn độc" diễn ra lúc 14 giờ 30 ngày 8/4, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD&ĐT; lãnh đạo T.Ư Đoàn; lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an; TS tâm lý học Nguyễn Tùng Lâm; người nhà học sinh N.T.H.Y trong sự việc bị nhóm nữ sinh lớp 9 đánh hội đồng ở Trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên)...
Buổi toạ đàm sẽ tập trung phân tích, mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường, đồng thời các chuyên gia sẽ cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống; lãnh đạo các bộ ngành nói về các giải pháp đã và đang triển khai trong trường học ra sao.
Trong khuôn khổ chương trình, từ 7h sáng cùng ngày 8/4, tại Trường THPT Nguyễn Du (TP Hồ Chí Minh), báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức toạ đàm chủ đề: "Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - Chống được không?", với sự tham gia của nhiều chuyên gia tâm lý, luật sư, bác sĩ và khoảng 2.000 học sinh trên địa bàn.
Thật đáng buồn và đáng lo khi cụm từ khóa “Bạo lực học đường” có tần suất xuất hiện ngày một nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tìm kiếm trên Google, cụm từ này trả về tới 27,9 triệu kết quả chỉ trong vòng 0.33 giây. Các cơ quan chức năng đã đưa ra giải pháp, tuy nhiên vẫn liên tiếp các vụ bạo lực học đường với tính chất và hậu qủa ngày càng nghiêm trọng diễn ra tại hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đỉnh điểm của sự lo ngại trong dư luận xã hội khi vụ việc 5 nữ sinh trường lớp 9A THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) lột quần áo, đánh đập dã man một nữ sinh cùng lớp bị phanh phui mới đây.
Vì đâu bạo lực học đường ngày càng có xu hướng lan rộng? Chúngta làm gì để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn nhức nhối này trong môi trường lẽ ra phải trong lành, an toàn và thân thiện nhất – học đường? Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo khẩn thiết về vấn đề này tới mỗi gia đình và toàn xã hội. Tất cả các câu hỏi đó sẽ có trong toạ đàm do báo Tiền Phong tổ chức trong ngày mai (8/4).
Mời bạn đọc quan tâm đến vấn đề này đặt câu hỏi gửi về hộp thư: online@baotienphong.com.vn. Báo Tiền Phong sẽ tổng hợp và chuyển các câu hỏi của ban đọc đến các chuyên gia tham dự toạ đàm.