Nữ sinh Hưng Yên bị đánh hội đồng: Người lớn đã làm gì?

Nữ sinh Hưng Yên bị nhóm bạn đánh hội đồng ngay trong lớp học
Nữ sinh Hưng Yên bị nhóm bạn đánh hội đồng ngay trong lớp học
TPO - Một nhóm 5 nữ sinh lớp 9 tham gia lột quần áo đánh một bạn nữ ngay trong lớp. Nữ sinh không biết phản kháng, còn nhà trường khi biết việc lại xuê xoa, muốn ‘ém’ thông tin.

Tiếng khóc xé lòng của nữ sinh bị đánh hội đồng

Ngày 29/3, thông tin từ Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) xác nhận, ngày 22/3 tại trường đã xảy ra sự việc một nhóm 5 nữ sinh lớp 9 tham gia đánh một bạn nữ lớp 9A ngay tại lớp học, làm em này phải nhập viện điều trị.

Nhóm nữ sinh đã lột quần áo và liên tiếp đấm đá vào vùng mặt nữ sinh. Điều đáng nói sự việc xảy ra ngay trên lớp học và kéo dài trong thời gian dài mà không có sự can ngăn của các bạn cùng lớp.

Sau khi sự việc xảy ra, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh trong lớp xóa ngay các clip đã quay và không được thông tin cho bất cứ ai.

Ông Nhữ Mạnh Phong - Hiệu trưởng trường THCS Phù Ủng cho biết, sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã tổ chức cuộc họp kỷ luật. Tuy nhiên, hình thức xử lý cũng mang tính chất giáo dục học sinh. Các gia đình có con tham gia đánh hội đồng đã xin lỗi gia đình H.Y, cam kết sẽ giáo dục, nhắc nhở học sinh không đánh em H.Y nữa đồng thời xin không đình chỉ học đối với học sinh vì các em sắp thi chuyển cấp lên THPT. Do đó, nhà trường chỉ đình chỉ học 4,5 ngày đối với 5 học sinh tham gia đánh bạn. Nhà trường cũng yêu cầu học sinh xoá clip để “bảo vệ danh dự” cho học sinh bị đánh.

Sau khi bị nhóm bạn cùng lớp lột đồ, đánh dã man, ngày 28/3, N.T.H.Y., học sinh lớp 9A trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên), được gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên điều trị.

Sau hai ngày điều trị, dù tâm lý đã ổn hơn, H.Y. vẫn mệt mỏi, còn nhiều vết bầm tím, sưng ở mặt.

H.Y. cho hay  đây không phải lần đầu tiên em bị bắt nạt. Trước đó, nhóm bạn này nhiều lần đánh em vì không làm theo lời họ. Cô giáo đã cảnh cáo nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Hôm 22/3, H.Y. bị đánh dã man do không cầm mũ ca nô hộ một bạn và không viết cam kết hộ bạn khác. Ngoài ra, một nữ sinh trong nhóm cho rằng H.Y. viết thư cho người yêu của bạn đó nên đánh em, dù Y. phủ nhận.

Cuộc hành hung tập thể của bạn học khiến nữ sinh lớp 9 bị tụ máu mắt, trên mặt nhiều vết bầm tím. H.Y. chia sẻ em có thể tha thứ nhưng chưa dám quay lại học với các bạn vì sợ.


Có hay không biểu hiện che giấu?

Sự việc xảy ra khiến dư luận bức xúc. Không chỉ bức xúc với hành vi côn đồ của nhóm học sinh bao nhiêu, người ta lại càng bức xúc với thái độ của ban giám hiệu nhà trường và của cô chủ nhiệm.

Trong đơn tường trình cô giáo này viết: "Tôi xin làm bản tường trình kể rõ sự việc xảy ra như sau: Vào chiều ngày 23/3/2019 (thứ 7), tôi có nhận được tin nhắn của học sinh trong lớp 9A về việc đánh nhau của nhóm học sinh nữ.

Ngay sau đó tôi đã rõ sự việc về ban lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo yêu cầu các em học sinh (...) về nhà trường viết bản tường trình, kể rõ nội dung sự việc.

Nữ sinh Hưng Yên bị đánh hội đồng: Người lớn đã làm gì? ảnh 1 Bản tường trình của giáo viên chủ nhiễm lớp có học sinh bị đánh hội đồng

Cùng ngày tôi đã báo về phụ huynh của 6 em để mời phụ huynh các em lên trường làm rõ sự việc vào sáng thứ hai ngày 25/3/2019.

Sau một thời gian làm việc, giữa các bên gia đình đã thống nhất bỏ qua sự việc 5 gia đình đã xin lỗi em (...) và phụ huynh em (...), và có trách nhiệm với em (...)

Hội đồng kỷ luật nhà trường họp và thống nhất đưa ra hình thức kỷ luật là đình chỉ 5 em học sinh (...) ".

Đáng chú ý, nội dung bản tường trình không hề đề cập tới việc 1 nữ sinh bị nhóm 5 học sinh khác đánh hội đồng, lột đồ ngay tại lớp mà chỉ nói chung chung là "việc đánh nhau của một nhóm học sinh nữ".

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, ông Nhữ Mạnh Phong - Hiệu trưởng trường THCS Phù Ủng cho rằng ông chỉ đạo nhân viên nhà trường xóa clip để làm dịu tình hình, tránh gây thiệt thòi cho nữ sinh chứ không phải nhằm che giấu sự việc.

Về việc tại sao thấy học sinh bị đánh dã man như vậy mà trường không gọi cấp cứu, vị hiệu trưởng giải thích vì sau khi bị đánh, Y. vẫn đi học, tham dự buổi họp của hội đồng kỷ luật và tha thứ khi các bạn xin lỗi. Theo ông, trong tình huống đó, không chỉ ông mà nhiều người khác cũng sẽ không gọi cấp cứu.

Tuy nhiên cách xử lý này của nhà trường bị phản ứng là du di, xuê xoa, xử lý nội bộ.


Ngành chức năng nhập cuộc

Người lớn hãy dạy con lên tiếng trước cái ác, trước bất công, thay vì việc chỉ cắm đầu vào trang sách.
 

Ngay khi nhận được thông tin, Bộ GD& ĐT đã liên hệ trực tiếp với Sở GD và ĐT Hưng Yên yêu cầu kiểm tra làm rõ vụ việc và báo cáo về Bộ. Ngày 31/3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã về làm việc với nhà trường, Sở GD&ĐT, lãnh đạo UBND Tỉnh Hưng Yên cũng như thăm hỏi học sinh. Tại buổi làm việc, ông Nhạ khẳng định: “Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, đau lòng, ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc”.

Sau khi yêu cầu Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng, giáo viên chủ nhiệm trình bày lại sự việc, cách xử lý, Bộ trưởng Nhạ khẳng định, qua sự việc cho thấy, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm chưa ý thức hết chức trách, nhiệm vụ được giao. Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm chưa chủ động nắm bắt tình hình, chưa sát sao với học sinh và các hoạt động của nhà trường. Lãnh đạo nhà trường đã buông lỏng quản lí, khi sự việc xảy ra chỉ nghe báo cáo, không có các giải pháp xử lý triệt để, kịp thời.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, Hội đồng kỷ luật nhà trường xử lý một sự việc nghiêm trọng như vậy là chưa thỏa đáng, có phần du di, xuê xoa, không đủ sức răn đe.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng ngay lập tức đề nghị xem xét cách chức toàn bộ Ban giám hiệu, Chi uỷ, Tổng phụ trách đội, kỷ luật Hội đồng kỷ luật trường THCS Phù Ủng, vì có dấu hiệu bao che, xử lý hời hợt, không đúng tính chất nghiêm trọng của vụ việc.

Đối với giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ xử lý bằng hình thức nặng hơn vì không nắm được tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tâm lý học sinh. Ngoài ra, hạnh kiểm của 5 học sinh tham gia đánh nữ sinh Y. và các học sinh chứng kiến bạo hành nhưng không can ngăn, quay clip, cũng sẽ được đưa ra xem xét. Hiện Công an tỉnh Hưng Yên đang điều tra làm rõ vụ việc. 


Tảng băng chìm đạo đức

Nhìn nhận về vụ việc cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM,  bày tỏ: “Là người mẹ, tôi đau lòng và bàng hoàng, còn với tư cách cô giáo thì đau xót hơn khi sự việc này diễn ra ngay trong lớp học”.

Theo cô Huyền Thảo, bạo lực học đường đang leo thang từng ngày. Chúng ta nói về vấn đề này nhiều trong những năm qua. Thầy cô không phải không biết, học sinh không phải không hay, nhưng mức độ ngày càng nghiêm trọng.

“Chúng ta cần một giải pháp thiết thực xem học sinh đã học gì về Giáo dục Công dân, người lớn đã dạy gì mà các em vẫn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề”, cô Thảo nói.

Những học sinh tham gia đánh bạn chưa hiểu hết giá trị yêu thương, tôn trọng con người, thậm chí bị lệch lạc về tư tưởng, nhận thức. Các em coi việc lột đồ, làm nhục người khác làm hả hê.
 

Với những bậc cha mẹ, nữ giáo viên mong muốn đừng chỉ đòi hỏi con chuyện điểm số, bài vở hàng ngày. Phụ huynh hãy hỏi con chuyện bạn bè ở lớp, chia sẻ cùng con về bạo lực học đường, dạy chúng trân quý cơ thể mình để biết tôn trọng cơ thể người khác. Người lớn hãy dạy con lên tiếng trước cái ác, trước bất công, thay vì việc chỉ cắm đầu vào trang sách.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho hay nữ sinh lột quần áo bạn là cố tình xúc phạm thân thể, danh dự của người khác.

Điều này cho thấy những học sinh tham gia đánh bạn chưa hiểu hết giá trị yêu thương, tôn trọng con người, thậm chí bị lệch lạc về tư tưởng, nhận thức. Các em coi việc lột đồ, làm nhục người khác làm hả hê. Xã hội cần lên án mạnh mẽ những hành vi này.

“Lâu nay, chúng ta chỉ nói đến kỹ năng mà chưa đề cập nhiều về giá trị sống. Tại sao một em lại bị đến 5 em đánh? Tại sao các em lại lột quần áo của bạn? Con người khi sống không có giá trị yêu thương và tôn trọng người khác là điều tối kỵ nhất”, thầy Tùng Lâm nói.

Chuyên gia  giáo dục toàn cầu, cô Tô Thụy Diễm Quyên nhận định: “Trong tất cả các ngành nghề, nghề giáo và nghề y có một điều kiện tiên quyết, đó là trái tim con người ngoài nghiệp vụ chuyên môn. Giáo dục không phải chỉ dạy chữ, mà dạy làm người”. “Tảng băng chìm” của giáo dục còn nghiêm trọng hơn rất nhiều so với phần nổi lên mà ta nhìn thấy. “Tảng băng chìm” ở đây là nền tảng đạo đức của những học sinh. Những học sinh đánh bạn có tội một phần thì những học sinh đứng vỗ tay bên ngoài và quay phim phải có tội lớn hơn nhiều lần. Vì các em thấy chuyện đó là bình thường, không can thiệp.

Liên quan đến vụ việc TS tâm lý học Trần Thành Nam, ĐH giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã thốt lên: Quá đau lòng! Sự việc xảy ra cho thấy các hành vi bạo lực có tính chất ngày càng nghiêm trọng, hành động bạo lực theo nhóm có tổ chức, hành vi làm nhục không chỉ diễn ra trực tiếp mà còn được ghi lại, đăng lên mạng để làm nhục nạn nhân trực tuyến. Hành vi bạo lực ngang nhiên diễn ra ở những môi trường được kỳ vọng là nơi an toàn nhất, là nơi được định nghĩa mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

TS Nam cho rằng, sự việc có thể đã không xảy ra nếu nhà trường có một chính sách không khoan nhượng với bạo lực học đường, bảo vệ nhà trường định kỳ kiểm tra tình trạng phòng học, khu vệ sinh sau giờ học để đảm bảo an toàn…

Nói về vấn đề giải pháp bền vững để giảm thiểu bắt nạt và bạo lực học đường TS Nam cho rằng, trong mỗi trường học cần có một bộ phận chịu trách nhiệm về an toàn trường học. Bộ phận đó sẽ đánh giá và theo dõi mọi học sinh có nguy cơ gây hấn hoặc bạo lực trong trường để có kế hoạch giáo dục và hỗ trợ”.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).