Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?'

Đại diện báo Tiền Phong và các khách mời tham dự buổi tọa đàm.
Đại diện báo Tiền Phong và các khách mời tham dự buổi tọa đàm.
TPO - Nhằm giúp dư luận hiểu rõ, chia sẻ với công tác quản lý giao thông, giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, báo Tiền Phong tổ chức toạ đàm trực tuyến: “Giải pháp nào để giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?”.

TRỰC TIẾP BUỔI TỌA ĐÀM

Toạ đàm

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

06/10/2016 14:47

Đúng 14h40, buổi tọa đàm bắt đầu.

06/10/2016 14:52

Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 1 Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Như Ý

06/10/2016 14:54

Với mong muốn giúp dư luận nhân dân hiểu rõ, chia sẻ với công tác quản lý giao thông, giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, sau loạt bài 5 kỳ về: “Đại phẫu giao thông Hà Nội” khởi đăng từ ngày 29/9 đến ngày 4/10 vừa qua, báo Tiền Phong tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Giải pháp nào để giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội ?”

Ngoài việc nêu ra những vấn đề còn tồn tại, bất cập, trong buổi toạ đàm các chuyên gia sẽ hiến kế giải bài toàn ùn tắc giao thông tại Hà Nội với 3 cụm vấn đề: Quy hoạch và phát triển đô thị; Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và Quản lý phương tiện giao thông.

Buổi toạ đàm cũng nghe các ý kiến đóng góp, thảo luận của bạn đọc, chuyên gia giao thông về các giải pháp hạn chế ùn tắc đang được Hà Nội triển khai, như: Tổ chức giao thông; Quy hoạch, phát triển vận tải hành khách công cộng, liên tỉnh; Đề án hạn chế xe cá nhân…

06/10/2016 14:55

Trân trọng giới thiệu các khách mời tham dự tọa đàm:

1-    Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia

2-    Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

3-  Bà Hoàng Thu Thuỷ, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch, Sở Xây dựng

4-    Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội

5-    Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

6-    Ông Nguyễn Đức Nghĩa- Trưởng phòng hạ tầng giao thông

7-    KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

06/10/2016 15:04

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ: "Thời gian qua khi vấn đề giao thông Hà Nội trở nên rất "nóng", báo Tiền Phong đã có loạt bài: “Đại phẫu giao thông Hà Nội”.

Tuy nhiên, vấn đề giao thông vừa mang tính khoa học, xã hội lại thuộc phạm trù kinh tế, rất phức tạp nên mong mỏi của bạn đọc về những chính sách giao thông, quyết sách của các nhà lãnh đạo... là vô cùng lớn. Bạn đọc mong muốn nhận được ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học.

Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 2 Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong phát biểu tại tọa đàm.

Báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm để đáp ứng mong muốn đó. Vẫn biết giao thông là một vấn đề khó. Thế nhưng như chúng ta vẫn nói "con đường vạn dặm bắt đầu từ một bước đi”. Nếu cứ khó mà chúng ta không bắt đầu thì chẳng bao giờ có thể giải quyết được. Chúng tôi hy vọng buổi tọa đàm sẽ cuộc chia sẻ về một vấn đề nóng, đáp ứng sự quan tâm của bạn đọc".

06/10/2016 15:13

Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 3 Các vị khách mời tại buổi tọa đàm

06/10/2016 15:34

Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 4 Ông Nguyễn Đức Nghĩa- Trưởng phòng hạ tầng giao thông

06/10/2016 15:39

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong đặt câu hỏi:

+ Quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thường phải đi trước một bước so với các quy hoạch khác. Tuy nhiên, ở Hà Nội, trong nhiều trường hợp giao thông lại đi sau. Vậy phải chăng nguyên nhân là do chúng ta chỉ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực đem lại lợi nhuận trước mắt như đô thi, chung cư, nhà cao tầng, ít quan tâm đến phát triển giao thông đô thị?

Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 5 

- Ông Nguyễn Đức Nghĩa-Trưởng phòng Hạ tầng Giao thông, Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hà Nội: Về quy hoạch, Thủ tướng đã phê duyệt về quy hoạch tổng thế hệ thống giao thông đô thị. Trong quá trình triển khai, thành phố rất quan tâm đến phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Nhưng phát triển đô thị phát triển hơi nhanh so với cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, từ năm 2009 trở về đây, chúng ta có chương trình phát triển đô thị, tập trung phát triển theo kế hoạch 5 năm, 10 năm, 20 năm, gắn với cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, giao thông còn phải gắn với các vấn đề khác như nước thải, điện, các nội dung khác. Kế hoạch này mang tính phát triển bền vững.

Về vấn đề hiếm công trình giao thông có tính đón đầu, thực tế từ Thành ủy cũng như UBND thành phố, sau khi phát triển quy hoạch đều có kế hoạch xây dựng các công trình trọng điểm. Thành phố rất quyết tâm tập trung vào vấn đề này.

Trong kế hoạch triển khai, chúng tôi tập trung phát triển mạng lưới hướng tâm như quốc lộ 1, 6, vành đai khép kín 1,2, 3 và sắp tới là 4, kết hợp xây dựng các nút giao thông, đáp ứng yêu cầu của giao thông đô thị.

Về giao thông công cộng, thành phố Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị, hiện đang triển khai xây dựng một số tuyến. Khi mạng lưới giao thông công cộng đưa vào hoạt động, đến năm 2030, vận tải hành khách công cộng sẽ phục vụ 60% nhu cầu đi lại của người dân. Vì thế, việc nói thành phố chỉ tập trung mỗi đô thị là chưa đúng, thành phố luôn có kế hoạch đầu tư hạ tầng trước, nhưng do một số vấn đề như tài chính nên đô thị luôn phát triển sớm hơn.

Vấn đề nữa là các chung cư cao tầng đã được định hướng trong quy hoạch chung của thủ đô. Các chung cư cao tầng còn được thực hiện theo nguyên tắc tăng chiều cao dựa vào quy mô dân số. Trong quá trình triển khai, lãnh đạo thành phố đã cho phép phát triển cao tầng, giảm mật độ, tăng cây xanh, phục vụ hạ tầng kỹ thuật, đưa vào sân chơi, khu vui chơi. Bài toán quy mô dân số đã được kiểm soát trong quy hoạch chung.

Với các kế hoạch trên, tôi tin chắc việc ùn tắc giao thông trong tương lai không còn là bài toán khó.

06/10/2016 15:49

Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 6 KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

06/10/2016 16:05

+ Xin hỏi KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ông  chia sẻ như thế nào về vấn đề quy hoạch giao thông hiện nay, liệu có lỗi gì về quy hoạch không?

Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 7 "Tránh ùn tắc không thể bằng những chỉ thị, nguồn gốc của nó chính là văn hóa, đặc biệt là văn hóa giao thông", KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
- Ông Phạm Thanh Tùng: Có lẽ vấn đề giao thông Hà Nội và các đô thị lớn luôn là vấn đề được quan tâm, chỉ sau các vụ án hình sự. Phải nói rằng không có đô thị nào nhiều quy hoạch như ở Hà Nội. Trước khi bàn về quy hoạch giao thông ở Hà Nội, tôi xin nhắc lại, từ năm 1884, người Pháp bắt đầu quy hoạch Hà Nội theo kiểu châu Âu, tạo ra các tuyến đường ô bàn cờ. Lần đầu tiên người Việt chúng ta được nhìn thấy tàu điện bên cạnh phương tiện xe kéo tay quen thuộc. Nói như thế để thấy, tại sao khi Hà Nội chỉ có 6-7 vạn dân đã có 6 tuyến tàu điện công cộng, trong khi hiện nay Hà Nội đã 7,5 triệu dân vẫn chỉ có xe bus. Vậy rõ ràng vấn đề nằm ở chỗ quy hoạch.

Thứ hai, quy hoạch của chúng ta quá chậm. Như tuyến đường sắt trên cao triển khai thực hiện đã 7 năm rồi chưa xong.

Thứ 3, tôi khẳng định rằng ở các nước, kể cả Mỹ cũng tắc đường, cũng kẹt xe nhưng không hỗn loạn, còn ở nước ta thì hỗn loạn. Đã tắc đường là hỗn loạn, là quay đầu xe, là gây gổ… Đó chính là vấn đề văn hoá hay nói thẳng ra là văn hoá đô thị của chúng ta rất yếu.

Thứ 4, vấn đề quy hoạch giao thông còn thiếu sự thống nhất giữa chỉ đạo của trung ương và địa phương. Ví dụ như khi Chính phủ ra chỉ thị, quyết định di dời, đưa các nhà máy, xí nghiệp ra ngoài nội đô thì các trung tâm thương mại, nhà cao tầng lại đua nhau mọc lên tại ví trí đó… Chúng ta cứ nói quy hoạch nhưng chúng ta cần có định hướng.

Thứ 5, chỉ 1/3 dân số nội thành ở mặt tiền, còn lại cư dân chủ yếu là ở trong những ngõ, ngách. Tuy nhiên, quy hoạch lại chỉ tính đến mặt phố. Thử hỏi người trong ngõ họ đi bằng gì, làm sao để họ tiếp cận được giao thông công cộng?

Thứ 6, chúng ta thực hiện quy hoạch nhưng chưa tới nơi. Ví dụ, khi quy hoạch đường vàng đai như đường vành đai 2, vành đai 3 nhưng không hề có bãi để xe để chuyển tiếp giao thông cá nhân lên giao thông công cộng.

Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh, chúng ta rất hay dùng từ cấm. Ví dụ, Hà Nội từng cấm xe ngoại tỉnh vào Hà Nội, nhưng nếu các tỉnh khác cũng cấm ngược lại thì sao? Quyền công dân có hiến pháp quy định nên chúng ta nên hạn chế chứ đừng cấm.

Phải có sự đồng bộ trong quy hoạch, chứ không thể ngẫu hứng. Khi xe bus nhanh phát triển, tàu điện ngầm có thì tự người ta sẽ biết cách lựa chọn phương tiện thích hợp.

Hơn nữa, số liệu tính toán làm giao thông cũng phải rất thận trọng cần sự kết nối giữa quy hoạch và giao thông. Và theo tôi, tránh ùn tắc không thể bằng những chỉ thị, nguồn gốc của nó chính là văn hoá, đặc biệt là văn hóa giao thông. Nếu không giải quyết tận gốc thì còn ùn tắc, thậm chí là ùn tắc trong hỗn loạn.

06/10/2016 16:08

“Ùn tắc giao thông của Hà Nội là vấn đề mang tính kinh tế, xã hội. Nó không chuyên về một lĩnh vực. Với những người làm nghề như tôi, “ùn tắc giao thông là cơm bữa”. Theo tôi, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới việc ùn tắc giao thông: Thứ nhất là hạ tầng quá tải. Thứ hai là ý thức của người tham gia giao thông", ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

06/10/2016 16:16

Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 8 Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia

06/10/2016 16:19

Ông Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong:

+ Là người khá am hiểu về GTVT Hà Nội, ông  Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, có đánh giá thế nào về thực trạng quy hoạch và triển khai quy hoạch giao thông hiện tại Hà Nội hiện nay. Nguyên nhân cơ bản của vấn đề ùn tắc giao thông tại Thủ đô hiện nay, hướng giải quyết hiệu quả? Với các đề án hạn chế xe cá nhân mà Hà Nội đã triển khai không có hiệu quả vừa qua, đề án đang tiếp tục triển khai hiện nay ông có đánh giá thế nào? Ông cần có đề nghị, hiến kế với các cơ quan Hà Nội khi thực hiện các việc trên?

+ Ông Khuất Việt Hùng: Nếu nói về những vấn đề bất cập thì nói cả tháng không hết. Thực ra các quy hoạch của Hà Nội rất đẹp. Tôi quen khá nhiều người làm quy hoạch đô thị. Họ đều đánh giá, xét về tĩnh thì quy hoạch rất đẹp. Về mặt tính toán tôi cho rằng không có gì sai, vấn đề là cần làm đúng quy hoạch. Chúng ta có kế hoạch phát triển đô thị thì phải thực hiện đúng. Phải công khai quy hoạch phát triển đô thị.

Hà Nội hoàn có quyền đánh giá tác động giao thông của tất cả các công trình xây dựng. Các công trình phải đánh giá tác động giao thông đến khu vực lân cận, phát sinh bao nhiêu chuyến đi, loại phương tiện gì... Khu ở khác hoàn toàn văn phòng làm việc, đặc trưng giao thông khác hẳn. Người ta đi làm sẵn sàng trả tiền để trông giữ xe nhưng khi người ta về nhà thì câu chuyện lại khác.. Vì vậy, từng loại công trình phải có đánh giá tác động giao thông. Ngoài ra còn phải có mô hình giao thông cho các dự án lớn.

Tuy nhiên việc chúng ta có thể làm ngay để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông Hà Nội là trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Vì nếu mỗi vỉa hè có 2m – 2,5m cho người đi bộ thì giảm được số xe đỗ ở đó, phải đi tìm cho khác đỗ, chi phí đắt hơn hay là đi xe buýt. Như vậy là khuyến khích vận tải công cộng và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Bên cạnh đó còn phải quản lý diện tích khu vực đỗ xe cá nhân trong nội thành Hà Nội.

Các quốc gia đang phát triển vừa phải đi hai chân: phát triển vận tải công cộng và quản lý sử dụng xe cơ giới cá nhân. Đừng mơ đến một đô thị mà đi đến đâu cũng có thể dùng ô tô, hay 80% người dân dùng vận tải công cộng. Hà Nội tắc đường nhưng cũng chưa quá tệ. Nhưng nếu không giải quyết được các vấn đề tôi vừa nói thì có khi còn tệ hơn.

06/10/2016 16:21

Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 9 Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

06/10/2016 16:23

+ Là người quan tâm đến vấn đề giao thông Hà Nội, xin hỏi ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, ông bình luận thế nào về vai trò của quản lý nhà nước trong việc quy hoạch, phát triển giao thông Hà Nội?

- Ông Bùi Danh Liên: Theo tôi Nhà nước nên nghiên cứu nhập Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch làm một, cho ngồi lại với nhau mới có thể làm được.

Phải có sáng tạo, giải pháp quyết liệt để giải quyết vấn đề tập trung dân vào nội đô. Vừa qua tôi thấy có nhà máy Samsung ở Thái Nguyên, hàng ngày vẫn chở cán bộ từ Hà Nội sang nhà máy. Nếu họ bỏ vốn ra làm nhà cho công nhân thuê, thì Hà Nội không tập trung đông dân đến thế.

Cái gì thuộc về quy hoạch thì phải làm nghiêm chỉnh. Không ít nơi quy hoạch bãi đỗ xe, rồi trở thành nhà hàng, trung tâm thương mại. Đó có phải là vấn đề lợi ích nhóm hay không? Đất dành cho bãi đỗ xe, thuộc về vận tải thì phải dành cho nó, phục vụ cho vận tải, cho các bãi đỗ xe. Ngành quy hoạch, xây dựng phải xem xét lại, có kỷ luật nghiêm minh về việc này.

06/10/2016 16:27

Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 10 Bà Hoàng Thu Thuỷ, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch, Sở Xây dựng

06/10/2016 16:30

+ Xin hỏi bà Hoàng Thu Thủy - Phó Trưởng phòng Kế hoạch, Sở Xây dựng Hà Nội, khi cấp phép các công trình xây dựng, Sở có thẩm định và tính đến các khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, trong đó có vấn đề giao thông?

+ Bà Hoàng Thu Thủy:  Sở luôn xem xét khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng khi cấp phép các công trình xây dựng. Theo quy định, sau khi được Sở Quy hoạch Kiến trúc thống nhất về các chỉ tiêu quy hoạch đã được cân đối khả năng đáp ứng về hạ tầng.

Với vai trò cấp phép của Sở Xây dựng, chúng tôi xem xét chi tiết về thiết kế công trình, đảm bảo hạn chế những điểm giao cắt của công trình đối với hệ thống hạ tầng khu vực, hạn chế đến mức tối đa các điểm xung đột về giao thông tại các vị trí lối ra vào công trình.

06/10/2016 16:31

Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 11 Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

06/10/2016 16:33

+ Xin hỏi ông Hà Huy Quang-Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, ông lý giải như thế nào về tình trạng ùn tắc giao thông Hà Nội ngày càng nghiêm trọng? Việc số lượng phương tiện cá nhân tăng 16,7%/năm gây áp lực thế nào đến giao thông Hà Nội?

+ Ông Hà Huy Quang:  Trước tiên, nói về ùn tắc giao thông, chúng tôi trong nghề gọi là “cơm bữa”. Hôm nay mưa một ít là lại xuất hiện tắc đường. Rồi các sự kiện, va chạm, xây dựng khánh thành... đều gây ùn tắc giao thông. Nhiều vấn đề cùng tác động vào chuyện ùn tắc giao thông nên đây là vấn đề kinh tế xã hội.

Chúng tôi đánh giá có 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến ùn tắc là hạ tầng giao thông đường bộ quá tải và ý thức của người tham gia giao thông kém.

Chúng ta cũng cần phải phân biệt, un và tắc khác nhau. Vụ ở cầu Tó, đó là tắc chứ không phải ùn.

5 năm vừa rồi là 5 năm mà hạ tầng đô thị được đầu tư lớn như đường hướng tâm, đường vành đai... Nhưng cũng 5 năm vừa rồi thì chiều hướng tốc độ phát triển phương tiện cá nhân quá lớn. Đời sống đi lên thì người ta mua ô tô nhiều. Ô tô giờ chiếm 50 – 70% diện tích mặt đường ở chỗ tắc. Tỷ trọng ô tô và xe máy gần như tương đương. Ô tô chiếm mặt đường như thế và xe máy bằng như vậy. Ta phải quản lý phương tiện giao thông theo cách có tính toán chứ không thể để phát triển tự nhiên.

Chuyện quản lý phương tiện giao thông là điều tất yếu phải làm. Chúng ta phải tính toán để giảm phương tiện và cường độ phương tiện; sử dụng hiệu quả hạ tầng để phương tiện đi thuận lợi hơn; xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, trong đó có vấn đề đi bộ. Từ một bước lên xe thì ta phải thay đổi thành việc đi bộ đến nơi có phương tiện giao thông công cộng. Hệ thống chính trị phải vào cuộc để tuyên truyền vận động người dân thành phố thực hiện theo nếp sống này.

06/10/2016 16:41

+ Xin hỏi ông Khuất Việt Hùng ở Hà Nội chúng ta nên hạn chế nhu cầu đi ô tô bằng cách nào?
Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 12 Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia

- Ông Khuất Việt Hùng: Chúng ta cần cung cấp cho người đi ô tô biết khu vực này, công sở này có còn chỗ đỗ xe hay không. Họ có sẵn sàng bỏ một phần tiền để trả cho việc sử dụng một phần diện tích đỗ xe hay không? Chúng ta quản lý thì phải xuất phát từ nguyên tắc thị trường. Ông nào dùng nhiều, chiếm đường nhiều thì phải chi, trả tiền nhiều. Đây là cách được đa số dân ủng hộ vì dân chủ yếu đi xe máy. Nhật Bản là nước không làm giảm nhu cầu sử dụng xe ô tô nhưng họ quản lý và làm rất tốt việc này.

Thứ hai khi nói đến tai nạn giao thông thì thường nói đến xe máy. Nhưng thực tế 25% là do xe máy gây ra, 75% là do ô tô gây ra. Phải nhìn nhận khách quan để đưa ra chính sách quản lý phải chọn đúng đối tượng, tránh gây bức xúc. Bên cạnh đó phải có giải pháp về giao thông tĩnh. Từ đó mới tác động trở lại để tạo thị trường cho việc đi bộ, cho vận tải công cộng.

Hà Nội làm phố đi bộ thì người dân ủng hộ nhưng việc điều chỉnh sử dụng đất có vấn đề. Không cho xe đạp đi vào đó là bỏ mất đối tượng phi cơ giới rất tốt. Việc người dân ủng hộ phố đi bộ tạo hứng khởi cho chúng ta, giúp chúng ta giải quyết các vấn đề khác. Ngõ ngách của Hà Nội là thế yếu nhưng cũng là rào cản tự nhiên với việc sử dụng ô tô. Chúng ta cần điều chỉnh để nơi xa nhất của ngõ ngách chỉ cách nơi có phương tiện giao thông công cộng 500 - 700m, rất thân thiện.

06/10/2016 16:54

Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 13 Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Vận tải Hà Nội.

06/10/2016 16:55

+ Xin hỏi ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Vận tải Hà Nội, trong thời gian qua, lượng vận tải hành khách đã giảm nhiều. Liệu có phải đó là do giao thông ùn tắc gây ra tình trạng khó khăn này?

-Ông Nguyễn Việt Triều: Đúng là có chiều hướng giảm của hành khách trong 2 năm. Chúng tôi tổ chức nhiều hội thảo, nghiên cứu thì thấy, năm 2015- 2016, khi thành phố triển khai hai công trình lớn đường sắt trên cao tác động trực tiếp đến 20 tuyến xe buýt, mất 28% lượng khách, sản lượng giảm 8 – 9%. Đơn cử như trục đường Xuân Thủy hiện nay vẫn còn những điểm 2km không có điểm chờ xe buýt. Cho xe buýt chạy nhưng không cho đỗ thì rất khó khăn. Thi công như thế, có những tuyến xe thời gian chạy phải gấp đôi thời gian. Do ùn tắc, thời gian di chuyển kéo dài nên không giữ được lịch trình, không giữ được lộ trình, phải đi theo hướng khác.

Chính vì thế, việc phục vụ bằng vận tải công cộng có giảm, người ta chuyển đổi sang đi bằng phương tiện khác. Tháng 8 và tháng 9 vừa qua, lượng hành khách đã ổn định và tăng nhẹ, cũng do trục Nguyễn Trãi đã ổn định. Còn trục Xuân Thủy, chúng tôi đề nghị Sở Giao thông Vận tải khi nào tuyến đường hoàn thiện đến đâu thì cắm lại biển để trở lại như ban đâu. 

06/10/2016 16:57

+ Khi người dân sẽ từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng, thì đơn vị sẽ làm gì để đón đầu?

- Ông Nguyễn Việt Triều: Theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố đang nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng. Có nhiều giải pháp, mục tiêu cuối cùng là ổn định tình hình giao thông Hà Nội. Trong đề án sẽ báo cáo thành phố đầu tháng 10, đến năm 2020 sẽ phát triển thêm khoảng 500 phương tiện. Nếu không có điều kiện cần và đủ thì xe buýt không có chỗ đỗ chứ đừng nói là chạy.

Hà Nội hiện nay mới chỉ có 1,3km đường dành riêng cho xe buýt, còn lại là  giao thông hỗn hợp. Chạy bên trái nhưng dừng đỗ đón khách bên phải gây bức xúc cho nhân dân. Chúng tôi kiến nghị với thành phố, từng bước, có quy hoạch xây dựng, tổ chức giao thông phải có đường dành cho xe buýt, đường ưu tiên cho xe buýt. Xe buýt được đi sang làn bên phải, chuyển xe máy đi sang làn bên trái. Làm sao cho xe buýt chạy men men vỉa hè. Phải có điều kiện như thế, không có hạ tầng thì xe buýt không thể hoạt động, phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ.

06/10/2016 16:59

Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 14 Ông Nguyễn Đức Nghĩa tại buổi toạ đàm

06/10/2016 17:01

Thưa ông Nguyễn Đức Nghĩa, theo quy định nhà 5-7 tầng phải có chỗ đỗ xe, nhưng nhiều ngôi nhà không có. Rồi nhiều bãi đỗ xe được quy hoạch nhưng lại chuyển hóa thành trung tâm thương mại, dẫn đến nhiều phương tiện phải đỗ trên đương gây ùn tắc. Vậy vai trò của Sở Quy hoạch Kiến trúc thế nào?

Tại sao có nhiều trường học, nhà máy công sở được di dời nhưng quỹ đất của khu vực này lại được biến thành nhà cao tầng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Ông Nguyễn Đức Nghĩa: Về bãi đỗ xe, hiện Sở Quy hoạch đã xây dựng kế hoạch về bãi đỗ xe tại các phân khu. Đối với các công trình chưa xây dựng, thì theo quy tắc công trình đó phải đảm nhiệm vấn đề bãi đỗ xe, tính đến cả khách vãng lai và khu vực xung quanh. Các bãi đỗ xe công cộng, về nguyên tắc không thể thiếu 1 mét vuông nào đối với bãi đỗ xe đó. Tôi xin khẳng định không có bãi đỗ xe nào bị chuyển đổi sang mục đích khác mà không có khu vực thay thế dành cho đỗ xe. Về vấn đề nhà máy công sở được di dời nhưng quỹ đất dành cho khu vực này lại được biến thành nhà cao tầng, tôi cũng xin trả lời rằng hiện nay thành phố đang triển khai từng bước để thực hiện theo quy hoạch. Khu vực được di dời được gắn với chức năng của đô thị, mục tiêu chính vẫn là tăng cường cây xanh, tăng tiện ích và hạ tầng xã hội.

06/10/2016 17:21

Tọa đàm: 'Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội?' ảnh 15 Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

06/10/2016 17:24

+ Xin hỏi ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội:  Sở GTVT thống kê số điểm ùn tắc tăng bao nhiêu so với năm ngoái? Giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân đang đặt ra thì Sở GTVT đề ra lộ trình, chính sách như thế nào?

- Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Việc ùn tắc giao thông không dừng lại theo hướng mà mình nghĩ. Những khu vực mình giải quyết xong rồi thì có thể sẽ có thêm chỗ khác. Đó là việc thường xuyên liên tục chúng ta phải làm. Thứ hai là về kế hoạch giảm thiểu ùn tắc giao thông trong giai đoạn 2016 – 2020, năm nay chúng tôi phấn đấu giải quyết số lượng ùn tắc từ 8 đến 10 điểm, đồng thời giảm tai nạn giao thông từ 8 đến 10%. Giải pháp hiện nay chúng tôi đang tính tập trung hết sức để mở thông họng giao thông chính. Chúng tôi giải quyết ùn tắc giao thông nên việc khó khăn đi lại, bà con cần thông cảm và chia sẻ với chúng tôi. Trong 5 năm tới, chúng tôi phải tổ chức lại giao thông, đặc biệt là phân luồng giao thông. Chúng tôi cũng tiếp tục điều chỉnh giao thông ở khu vực nội thành, xem xét lại tuyến xe khách liên tỉnh (giảm thiểu các tuyến đi trên khu vực ùn tắc)...

Quản lý phương tiện chúng tôi đang tiếp tục làm. Chủ trương chưa hạn chế mà vẫn khuyến khích để cá nhân đầu tư khai thác vận tải hành khách. Đối với Đề án quản lý phương tiện giao thông, hiện nay, người dân hiểu nhầm rằng đề án quản lý phương tiện cá nhân là hạn chế sở hữu phương tiện. Lộ trình quản lý phương tiện cá nhân và phát triển phương tiện công cộng phải hỗ trợ cho nhau. Từ nay đến 2020 là quá trình chúng tôi tiến hành công tác chuẩn bị và tuyên truyền vận động người dân. Chúng tôi phải chọn xe buýt vì chỉ có xe buýt là chúng ta có thể chủ động. Với buýt nhanh và đường sắt đô thị, chúng ta chưa chủ động được. Phải đổi mới xe buýt theo hướng thuận tiện, an toàn, thân thiện nhưng thời gian đi lại phải hợp lý. Người dân sẵn sàng chấp nhận bỏ thêm tiền để đi lại đúng giờ. Từ nay đến 2020 phấn đấu phải tăng xe buýt, đáp ứng 20 – 25% nhu cầu đi lại để có cơ sở giải quyết quản lý phương tiện giao thông, đặc biệt là giải quyết từ lõi (trung tâm hất ra). Hiện nay, BRT là một mô hình vận tải công cộng tương đối lớn. Nhưng lại có chi phí thấp. Đây là mô hình mới áp dụng vào Việt Nam.

Nếu quyết định làm, chúng tôi phải ưu tiên cho nó, từ đường đi đến tổ chức giao thông (cho BRT ưu tiên đi qua đèn xanh đèn đỏ...). Chứ nếu đi như xe buýt bình thường thì gọi gì là xe buýt nhanh. Mọi cái gì mới áp dụng trên đường đều có rủi ro nhiều nên làm gì cũng phải tính toán.

06/10/2016 17:25

Sau hơn 2 tiếng, buổi tọa đàm đã kết thúc thành công.

Với mong muốn giúp dư luận nhân dân hiểu rõ, chia sẻ với công tác quản lý giao thông, giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, sau loạt bài 5 kỳ về: “Đại phẫu giao thông Hà Nội” khởi đăng từ ngày 29/9 đến ngày 4/10 vừa qua, báo Tiền Phong tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Giải pháp nào để giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội ?”

Tham dự buổi toạ đàm có;

1-    Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia

2-    Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

3-  Bà Hoàng Thu Thuỷ, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch, Sở Xây dựng

4-    Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội

5-    Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

6-    Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng phòng hạ tầng giao thông

7-    KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Ngoài việc nêu ra những vấn đề còn tồn tại, bấp cập, trong buổi toạ đàm các chuyên gia sẽ hiến kế giải bài toàn ùn tắc giao thông tại Hà Nội với 3 cụm vấn đề: Quy hoạch và phát triển đô thị; Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và Quản lý phương tiện giao thông.

Buổi toạ đàm cũng nghe các ý kiến đóng góp, thảo luận của bạn đọc, chuyên gia giao thông về các giải pháp hạn chế ùn tắc đang được Hà Nội triển khai, như: Tổ chức giao thông; Quy hoạch, phát triển vận tải hành khách công cộng, liên tỉnh; Đề án hạn chế xe cá nhân…

Thời gian tổ chức: 14h30 ngày 06/10/2016.

Địa điểm: Tầng 9, trụ sở Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Để buổi toạ đàm trực tuyến diễn ra thành công, hiệu quả, báo Tiền Phong mong sớm nhận được những câu hỏi, ý kiến của bạn đọc xung quanh chủ đề buổi Tọa đàm.

Mọi ý kiến, câu hỏi của quý bạn đọc xin gửi về địa chỉ email: online@baotienphong.com.vn

MỚI - NÓNG