Tơ tằm Vọng Nguyệt đang dần đứt gánh

TPO - Nằm nép mình bên tả ngạn sông Cầu, làng Vọng Nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) xưa nức tiếng về một làng nghề tơ tằm. Tuy nhiên, cùng với dòng chảy của thời gian, làng nghề đang đối mặt với nguy cơ mai một, nếu không có giải pháp tích cực, tơ tằm Vọng Nguyệt chỉ còn trong ký ức người dân.
Tơ tằm Vọng Nguyệt đang dần đứt gánh ảnh 1

Xưởng làm tơ nhà anh Ngô Quý Lộc - một trong hai nhà hiếm hoi giữa làng nghề vẫn còn giữ được nghề quay tơ. Không gian không rộng nhưng tạo được công ăn việc làm cho gần chục người dân làng. Làng Vọng Nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong) được nhiều người biết đến là làng nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống có tuổi đời hàng nghìn năm. Tơ tằm Vọng Nguyệt xưa kia nổi tiếng đến độ, khi nhắc đến tên, người miền xuôi hay miền ngược đều nhớ đến ngay.

Tơ tằm Vọng Nguyệt đang dần đứt gánh ảnh 2

Loại kén lai được anh Lộc nhập ở nơi khác về làm tơ. Những kén nhộng vàng ươm được chọn lựa kỹ càng để chờ chế biến. Trước đây người dân Vọng Nguyệt chủ yếu nuôi giống tằm ta cho tơ vàng, một số hộ còn nuôi thêm giống tằm cho tơ trắng với năng suất cao hơn. Tuy nhiên hiện tại các nhà làm tơ nhập về loại tằm lai, màu vàng, có kén to hơn so với giống cũ.

Tơ tằm Vọng Nguyệt đang dần đứt gánh ảnh 3

Kén được cho vào nước nóng để dễ dàng tách ra và kéo thành sợi cuộn vào các guồng. Thế nhưng trải qua những thăng trầm của dòng chảy lịch sử, làng nghề đang dần mai một. Làng nghề nghìn tuổi như đang đi đến những trang cuối của cuộc đời mình khi số hộ làm nghề liên quan đến kén, đến tằm chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.

Tơ tằm Vọng Nguyệt đang dần đứt gánh ảnh 4
Công đoạn gỡ kén, quay tơ phải có 2 người để vừa luộc kén, vừa kéo tơ
Tơ tằm Vọng Nguyệt đang dần đứt gánh ảnh 5

Anh Ngô Quý Lộc cho biết: "Trước kia cả làng làm nghề nhưng chủ yếu làm thủ công bằng tay chứ không có máy móc như bây giờ. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, cả làng chỉ còn 2 hộ bám trụ với nghề, nhưng cũng chỉ mua kén chất lượng từ nơi khác về dệt tơ, uơm tơ, cắt kén, bán nhộng thương phẩm”.

Tơ tằm Vọng Nguyệt đang dần đứt gánh ảnh 6
Nhiều khu công nghiệp kéo về Yên Phong hoạt động, sản xuất làm cho bầu không khí nơi đây không còn phù hợp để nuôi tằm nữa. Nuôi lứa nào chết lứa đó hoặc nếu có sống thì chất lượng tơ cũng rất kém.
Tơ tằm Vọng Nguyệt đang dần đứt gánh ảnh 7
Trước khi được rút ra khỏi guồng quay tơ mang ra ngoài để phơi khô thì người đứng máy sẽ chịu trách nhiệm khâu tơ bằng những sợi chỉ đỏ, trắng để tơ đỡ bị rối. Tơ thành phẩm sau khi phơi được bán với giá hơn 1.000.000 đồng/kg.
Tơ tằm Vọng Nguyệt đang dần đứt gánh ảnh 8

Phần không quay được tơ này thì được gia đình anh Lộc phơi ra bán theo cân cho người ta mua về làm đũi với giá 2.000 đồng/kg.

Tơ tằm Vọng Nguyệt đang dần đứt gánh ảnh 9

Trong làng còn khoảng 10 hộ cắt kén để bán nhộng thành phẩm, được biết người dân sẽ nhận được 12.000 đồng/kg tiền công cắt nhộng và giá nhộng sống thành phẩm được thương lái thu mua với giá khoảng 250.000-300.000 đồng/kg, nhộng đã luộc chín có giá khoảng 90.000 đồng/kg. Với số lượng hộ gia đình duy trì nghề làm tơ ít ỏi như hiện này, công cuộc gìn giữ và phát triển làng nghề tơ tằm Vọng Nguyệt đang dần rơi vào thế bí. Những nỗ lực níu kéo nghề truyền thống mong manh như những sợi tơ trên guồng, có thể đứt gánh bất cứ khi nào.