Tờ sớ đặc biệt của cụ Nguyễn Xiển

TP - Tôi đang ngồi với một người viết… khủng! Chẳng còn trẻ, cũng chưa già nhưng hội đủ những Bộ sách Đông Âu anh hùng truyện (ĐAAHT) từng được bạn đọc đặt mua trước hàng tháng mới có sách. Một combo (bộ) ba cuốn gồm mấy ngàn trang có giá tới 10 triệu đồng… Vâng, tác giả ĐAAHT là Nguyễn Nam, cháu gọi cụ Nguyễn Xiển, một thời là Phó Tổng thư ký Đảng Xã hội bằng ông ngoại.

Chân dung người viết “sớ”

Nguyễn Xiển sinh 1907 quê ở Vinh (Nghệ An) dành được học bổng đi học toán tại Tulouse (Pháp). Trong thời gian đang học thì ông anh ruột mất, gia đình trong cơn bĩ cực nên Nguyễn Xiển năm 1933 bỏ học cao học về nước.

Về Hà Nội, ông dạy ở gần chục trường tư thục để kiếm tiền. Nguyễn Xiển lấy vợ, có đông con nên lo mưu sinh khá vất vả.

Rồi gia đình ông chuyển vào Sài Gòn làm việc một thời gian dài sau đó quay ra Bắc làm Giám đốc Đài thiên văn Phủ Liễn. Ông là người Việt đầu tiên làm việc tại đài thiên văn lớn nhất Đông Dương này.

Tuy là tri thức có lòng yêu nước nhưng ông vẫn chưa thực sự theo “cách mạng” nên chỉ giao du với mấy người bạn là tư sản dân tộc có tư tưởng yêu nước ở Hải Phòng như Nguyễn Hữu Tảo, Nguyễn Sơn Hà…

Đến đầu năm 1945, khi Nhật chiếm miền Bắc và nghi ngờ ông Xiển là tay sai cho Pháp, theo dõi gắt gao nên ông đành bỏ công sở trốn lên Hà Nội, đúng lúc tinh thần cách mạng trong dân chúng bắt đầu sục sôi. Những hành động ban đầu của ông như cùng các bạn trí thức như Hoàng Xuân Hãn đánh điện yêu cầu nhà vua Bảo Đại thoái vị, hay trèo qua hàng rào vào Bắc Bộ Phủ thuyết phục các ông Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Chữ và chính quyền do Nhật lập nên đầu hàng…

Tờ sớ đặc biệt của cụ Nguyễn Xiển ảnh 1

Ông Nguyễn Xiển (bìa trái) với Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Câu chuyện về người “đồng hương xứ Nghệ” này đã đến tai Cụ Hồ. Thêm nữa trong Ban lãnh đạo Việt Minh có nhiều người đã từng biết ông từ thời trường Bưởi hay sau này đi dạy học như ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… nên Cụ Hồ cho mời tới gặp.

Cụ Hồ đã đề nghị ông Xiển giữ lấy một Bộ, chẳng hạn Giao thông nhưng ông khiêm tốn từ chối vì chưa có kinh nghiệm quản lý. Cuối cùng Cụ Hồ thuyết phục ông Xiển nhận chân Chủ tịch Ủy ban Hành chính (UBHC) Bắc bộ kiêm Giám đốc Nha Khí tượng.

… Ngồi chuyện với Nguyễn Nam, tôi cố hình dung ra người ông ngoại huyền thoại của Nguyễn Nam. Những năm đầu 1980, cơ quan tôi ở gần Trụ sở Đảng Xã hội ở 53 phố Nguyễn Du. Lại quen thân với anh Hàm Châu khi đó chưa về báo Nhân Dân mà làm tờ Tổ Quốc cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội.

Nhờ anh Hàm Châu mà tôi có vài lần tiếp cận hầu chuyện cụ Nguyễn Xiển khi đó là Phó Tổng thư ký Đảng Xã hội. Cả luật sư (LS) tài ba Đỗ Xuân Sảng.

Cụ Xiển cao lớn ngó rất thần thái nhưng cởi mở, dễ gần. Tiếc là thời gian gần cụ ít vì thì giờ choán chiếm hết với LS Đỗ Xuân Sảng vì mấy vụ việc dính đến báo chí phải nhờ cụ Sảng tư vấn…

Bằng khen mang số 001

Ngạc nhiên lần đầu qua anh Nguyễn Nam, tôi được nghe một chuyện mà chưa thấy báo chí đả động đến.

Thời điểm ngay sau nạn đói khủng khiếp năm 1945 chết gần 2 triệu người. Đặc biệt miền Bắc tang thương nặng nề nhất.

Nhưng ngay sang năm 1946 tình cảnh đó bớt u ám bởi một cách làm độc đáo hiệu quả của chính phủ lâm thời non trẻ. Bên cạnh việc chỉnh đốn hệ thống đê điều thủy lợi kịp thời tại 13 tỉnh (chủ yếu là chống lụt) nên năm đó được mùa to, nạn đói bị đẩy lùi.

Công ấy có một phần đáng kể của ông Nguyễn Xiển, chủ tịch UB hành chính Bắc bộ. Với kiến thức “Tây học” về thời tiết, thuỷ lợi, cùng với phong cách điều hành “tư bản” tức là cho mời kỹ sư công chính và các nhà thầu khoán… tham gia, trả công đầy đủ, thậm chí cần thì ứng trước tiền cho họ yên tâm, mặc dù ngân khố chả có bao nhiêu.

Với công trạng này, ông Nguyễn Xiển được quyền chủ tịch nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng ký tặng Bằng khen đầu tiên, số 001 của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. (Đáng tiếc là tấm bằng khen này đã bị thất lạc).

Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ. Hà thành sắp thành chiến địa. Một toán đặc nhiệm của Pháp đêm 19/12/1946 đã ập đến nhà ông Chủ tịch UBHC Bắc bộ Nguyễn Xiển. Nhưng may mắn gia đình ông được báo trước nên tản cư từ hồi trưa.

Tờ sớ đặc biệt của cụ Nguyễn Xiển ảnh 2

Vợ chồng cụ Nguyễn Xiển.

Thời gian ở chiến khu, năm 1948, Chủ tịch UBHC Bắc bộ kiêm Giám đốc Nha Khí tượng Nguyễn Xiển đã có một việc làm hy hữu. Đó là ông đã viết một bức thư “mách” ra 9 tội của cán bộ Việt Minh gửi thẳng cho Hồ Chủ tịch.

Rất tiếc, không rõ lý do gì mà sự kiện ấy đã không được báo chí nhắc đến sau này. Mặc dù bức thư ấy của ông Nguyễn Xiển vẫn được lưu ở Bảo tàng Cách mạng.

Tôi chợt nhớ đến bức thư của một thi sĩ trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập sau này là Đại biểu Quốc hội khóa I Đoàn Phú Tứ đã viết bức thư gan ruột tố cáo thói xa hoa biển thủ công quỹ của một cán bộ cấp cao gửi thẳng cho Hồ Chủ tịch. Bức thư đó đã dẫn đến vụ án Trần Dụ Châu nổi tiếng năm 1950.

Tôi đã xin phép anh Nguyễn Nam, chủ nhân sở hữu bức thư cho sử dụng nguyên văn.

Chín tội và lời phê

của Cụ Hồ

VIỆT NAM DÂN CHỦ

CỘNG HÒA

ĐỘC LẬP - TỰ DO -

HẠNH PHÚC

BÁO CÁO VỀ SỰ NHẬN XÉT VỀ MẶT TRẬN VIỆT MINH ĐỆ TRÌNH LÊN HỒ CHỦ TỊCH.

Tôi không quên cái công lớn và cái hay của mặt trận Việt Minh. Nhưng bên những cái hay có những cái dở mà ông Hồ Kim Xuyên (Về Hồ Kim Xuyên, xin xem ghi chú ở phần sau - XB) cũng nhận thấy. Xin kể tóm tắt, còn chi tiết xin hỏi ông Hồ Kim Xuyên.

1) Quên ơn các người đã giúp đỡ, ủng hộ trong thời kỳ bí mật, nhất là đồng bào thiểu số. Cả người có công đánh Nhật, đánh Pháp, dẫu đã bầu vào các ủy ban giải phóng nay dân vẫn tín nhiệm, nhưng mặt trận đã cho một bọn trẻ từ đâu đấy đến, văn hóa kém ra đó để cai quản Đoan Hùng, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái và Chiêm Hóa, Tuyên Quang hoặc dùng họ làm bù nhìn có danh không có thực, đứng lẻ loi cô lập, không được người mặt trận kính trọng.

2) Các cán bộ từ cao chí thấp đều kiêu căng, giàu lòng tự ái, tưởng hắn được học tập chính trị đại cương thế là đủ cầm đầu thiên hạ rồi không coi ai vào đâu cả.

Thiếu xã giao, thiếu???, thiếu kinh nghiệm, có khi lễ phép một cười nhạo hai, thành thử không được lòng trí thức và người già cả.

3) Ưa nịnh, chỉ biết nghe những người gần mình, cùng một cánh với mình, không biết tin nghe những người xa mình hoặc không muốn dân gần mình.

Giữ độc quyền yêu nước, cứu nước, ai phê bình mình thì cho là phản với chính phủ, phản quốc, phản động.

4) Ỷ vào thế lực của mặt trận, không coi pháp luật vào đâu, coi pháp luật là để cho dân thôi, dân phải phục tùng, triệt để phục tùng, còn mình thì ở trên pháp luật, người ngoài không khi nào dám to gan như vậy.

Hay dọa nạt dân, động một tý là doạ bỏ tù, giam giữ.

5) Việc hành chính. Không chịu theo thủ tục hành chính. Dùng người một cách bừa bãi, kéo bè kéo cánh, cất nhắc cho nhau, không biết dùng những người có thực lực chuyên môn, sợ người hơn mình, khinh mình, không biết học hỏi. Dùng tiền một cách bừa bãi hơn, xa xỉ, phung phí, coi tiền công như là tiền của đoàn thể, của mình, tha hồ tiêu.

6) Ăn ngon, mặc sang, lại thêm vợ kè kè. Như thế cũng không có gì là quá đáng. Nhưng cái chế độ lương tối thiểu tại sao lại thi hành cho công chức? Nếu các cán bộ cao cấp, kể cả các cấp chỉ huy trong bộ đội, cũng chỉ ăn lương tối thiểu thì lấy tiền đâu để tiêu sài như vậy? So với một số giám đốc chuyên môn, hy sinh tận tụy không phải về bên các người mặt trận.

7) Thấy quyền lợi quên cả chính trị, tổ chức buôn bán, tự đặt ra độc quyền buôn bán ở miền Đoan Hùng (Phú Thọ), muối ở Hà Giang, tiền lại vào túi ai? Chắc là túi cá nhân và đoàn thể bị mang tiếng là bóc lột dân. Việc Lào Kay hỏng một phần vì kinh tế, việc Hà Giang nát cũng thế.

8) Kỷ luật của mặt trận là thế nào? Có thi hành không? Sao cán bộ lại coi thường trách nhiệm? Xảy ra những vụ nổi loạn, thiệt hại biết bao nhân mạng và tài sản, mà những người có trách nhiệm vẫn coi như không, không một chút lo sợ gì cả.

9) Một điều đáng ngẫm nghĩ: tại sao dân càng ngày càng gần hành chính và xa mặt trận? Tại sao cán bộ hành chính lại được lòng dân hơn cán bộ mặt trận?

Đó là những khuyết điểm địa fương hoặc cá nhân, nhưng có ảnh hưởng tai hại, cần phải sửa chữa.

Ngày 28 tháng 2 năm 1948

Nguyễn Xiển

(Hết trích dẫn)

Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi ý kiến của mình bên lề bức thư (xem ảnh). “Việt (1) (tức ông Hoàng Quốc Việt khi đó là một yếu nhân của Việt Minh). Những điều phê bình trong thư này, không phải là quá đáng. Vậy chú và Thọ (2) (Lê Đức Thọ) phải bàn và thực hành cách sửa chữa ngay”.

Bức thư chỉ vỏn vẹn 690 chữ nhưng đã hội đủ những khiếm khuyết, những tử huyệt của cán bộ Việt Minh từ cấp thấp đến cấp cao. Có được những lời “vạch tội” ấy bởi ông Nguyễn Xiến đã có hơn một năm rưỡi làm việc cùng và sống gần “Việt Minh”.

Hơn 70 năm đã qua đi mà bài học về công tác cán bộ, bảo vệ cán bộ trong bức thư của cụ Nguyễn Xiển vẫn như hôi hổi thời sự?

Cũng cần nói thêm, ông Hồ Kim Xuyên là con cả của nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu. Năm 1947, Hồ Kim Xuyên được Trung ương điều động lên Việt Bắc làm công tác Kiểm tra Đảng.

Ngày 20/11/1947, Hồ Kim Xuyên được Hồ Chủ tịch tin cậy cử làm Đặc ủy viên trong Đặc ủy đoàn đi kinh lý kiểm tra mặt trận Liên khu 10 gồm các tỉnh vùng Tây Bắc.

Chuyến đi công tác của Đặc ủy đoàn qua các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái. Trung tuần tháng 3/1948, Đoàn đi kinh lý hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai, không may ngày 19/3/1948 Hồ Kim Xuyên bất ngờ bị nạn. Trong bức thư viết gửi Hồ Chủ tịch, ở câu đầu Nguyễn Xiển có đề nghị Cụ Hồ tham khảo thêm ý kiến của Hồ Kim Xuyên.

Tôi giật mình khi anh cháu ngoại cụ Nguyễn Xiển có những nhận xét thẳng tưng như này.

“Trong chính phủ kháng chiến thời ấy ông Hoàng Quốc Việt giữ trọng trách lớn nên Cụ Hồ giao việc này cho ông Việt vừa đúng chức năng nhiệm vụ, vừa là giao một đề toán khó để thử thách lứa cán bộ kế cận”.

Ông thẳng thắn phê phán những khiếm khuyết của cán bộ Mặt trận (Việt Minh). Nhưng rồi lại được Cụ Hồ phân công làm… Mặt trận (Tổ quốc Việt Nam) và ông vẫn mẫn cán thực hiện chức trách đầy trách nhiệm cho tới lúc mất (1997).

Tôi chợt nhớ đến bức thư của một thi sĩ trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập sau này là Đại biểu Quốc hội khóa I Đoàn Phú Tứ đã viết bức thư gan ruột tố cáo thói xa hoa biển thủ công quỹ của một cán bộ cấp cao gửi thẳng cho Hồ Chủ tịch. Bức thư đó đã dẫn đến vụ án Trần Dụ Châu nổi tiếng năm 1950.

Và trước đó, năm 1948, một trí thức Đảng Xã hội đi theo cách mạng, theo Việt Minh, ông Nguyễn Xiển sớm hơn, đầy đủ, toàn diện hơn đã có tờ “sớ” mách- vạch những khuyết điểm quan liêu, xa dân tham ô của những cán bộ nhân danh cách mạng.

Sau cuộc gặp với người cháu ngoại của cụ Nguyễn Xiển, tôi có nghe những thông tin đại loại, rằng Nguyễn Nam đang thực hiện một “vệt’’ dài hơi đại loại An Nam (Nước Nam) anh hùng truyện như dạng Đông Âu anh hùng truyện vậy!...