Vòng ra đa khép kín bảo vệ vùng trời
May mắn trong suốt hành trình đến Trường Sa lần này, tôi được đồng hành với Thượng tá Nguyễn Ngọc Nam, Phó trưởng phòng dân vận - Quân chủng PKKQ. Thượng tá Nam mang đúng phong cách người làm dân vận; quảng giao, chu đáo với từng thành viên trong đoàn công tác. Lần này, anh thay mặt đơn vị ra thăm cán bộ chiến sỹ các Trạm ra đa tại Quần đảo Trường Sa - những người “gác cửa” ngoài khơi xa. Các trạm ra đa ngoài quần đảo Trường Sa bây giờ phát sóng liên tục, phát hiện mục tiêu và cung cấp tin nhanh, đúng, đủ, liên tục, kịp thời, không để Tổ quốc bị bất ngờ. Chính vì thế, khác với các lực lượng trên đảo Trường Sa, bộ đội tại các trạm ra đa có thời gian làm nhiệm vụ lâu hơn. Với họ,
“Đảo là nhà, biển cả là quê hương” và phía trên đầu là bầu trời của Tổ quốc. “Trong bất kỳ thời điểm nào, những người canh “mắt thần” luôn duy trì trực 24/24h để những cánh sóng ra đa luôn vươn xa, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Thượng tá Nam chia sẻ.
Trạm ra đa 11. |
Trạm ra đa 11 là trạm đầu tiên được xây dựng ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Trên khoang lái tàu Kiểm ngư 490, Thượng tá Nam chỉ cho tôi nơi có 2 quả cầu lớn màu trắng nổi bật giữa khoảng xanh của đảo Trường Sa chính là đôi “mắt thần” của Trạm ra đa 11. Ngày 7/5/1988, Bộ Quốc phòng có quyết định thành lập Trạm ra đa 11 với nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, hoạt động bay của không quân ta và quốc tế. Trạm ra đa 11 cùng với các trạm ra đa khác trên Quần đảo Trường Sa tạo thành vòng ra đa khép kín đủ sức để quản lý tất cả các mục tiêu trên quần đảo, vùng trời Trường Sa vào đất liền.
Trước mắt chúng tôi là khu doanh trại Trạm ra đa 11 khang trang, kiên cố, hiện đại. Phía ngoài, sóng biển vỗ oàm oạp vào bờ kè bê tông. Đại úy Hoàng Công Thịnh, Chính trị viên Trạm ra đa 11 cho hay, trong năm chỉ có tháng 3, 4 mới có thể đứng ở nơi này nhìn ra biển. Những ngày biển động, không ai ngồi được ngoài sân vì sóng cao hàng chục mét đánh ầm ầm vào bờ kè. Hơi nước mặn, bọt biển bay lên, gió thổi tạt về đảo như sương mù, bàn ghế trong trạm phủ một màu trắng của muối. Chỉ về khoảng bờ tường trước mặt vẫn còn hằn vệt ố, anh Thịnh bảo, những ngày triều cường, nước biển dâng lên sân ngập đến cổ chân làm chết lụi rau xanh, cây cối.
Bộ đội ra đa sau giờ chiến đấu. |
Đại úy Thịnh năm nay 35 tuổi, quê ở Thái Bình. Tốt nghiệp xong, anh Thịnh được phân công về Khánh Hòa công tác. Là lính phòng không, yêu ca hát nên anh tham gia đội văn nghệ của tiểu đoàn. Cũng ở đây, trong một lần đi diễn, anh quen biết thiếu nữ quê ở Khánh Hòa. Sau 5 năm gắn bó, 2 người đi đến hôn nhân. Trong đất liền, từng trải qua nhiều vị trí nhưng với tình yêu mến biển đảo, mong muốn trải nghiệm nơi đầu sóng ngọn gió. Tháng 7/2021 khi cháu thứ 2 vừa lọt lòng, Đại úy Thịnh xung phong ra Trường Sa làm nhiệm vụ. “Tuy cuộc sống vất vả, các mục tiêu của bản thân cũng đang được hoàn thành dần dần. Vợ làm giáo viên mầm non, con gửi ông bà ngoại chăm sóc nên cũng yên tâm công tác. Lúc mới ra đảo có chút nhớ vợ, con nhưng dần thì quen và rất vui”, anh Thịnh nói rồi chỉ tay về sân cỏ nhân tạo phía xa bảo, lúc rảnh rỗi thì anh em chơi thể thao, đá bóng, đánh bóng chuyền. Nhìn những chàng lính trẻ mặt búng sữa, mắt đeo kính cận không ai nghĩ những anh “lính cậu” này lại là nhà vô địch môn thi kéo co, á quân bóng chuyền trong những cuộc thi toàn quân trên đảo.
Đơn vị là nhà, màn hình ra đa, sóng là chiến trường
Hỏi về công việc của lính ra đa ngoài tiền tiêu, Đại úy Thịnh cười hóm hỉnh: “Nhiệm vụ canh trực là chính, giống như anh bưu tá ở bưu điện. Nhưng bưu điện chỉ làm ban ngày còn trực ra đa thì cả ngày lẫn đêm”. Chính trị viên Trạm ra đa 11 cho hay, bộ đội ra đa có nhiệm vụ chiến đấu thường trực và canh trực nghiêm túc. Khi có báo động chuyển cấp, anh em đều nắm bắt và báo cáo đầy đủ. Ra đa bắt ở độ cao thấp và độ cao cao, khi phát hiện máy bay nước ngoài sẽ thông báo cho lực lượng phòng không triển khai các tổ bắn máy bay ở các vị trí, sẵn sàng theo chỉ lệnh.
“Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng căn dặn: Mắt người Việt Nam rất sáng, luôn luôn sáng. Mắt các chiến sĩ ra đa càng phải sáng hơn… Phát huy truyền thống đó, cán bộ chiến sĩ (CBCS) trạm Rada 11 luôn sẵn sàng chiến đấu, tổ chức luân phiên canh trực quản lý tố các tốp máy bay. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào CBCS trạm Rada 11 sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tất cả vì sự nghiệp canh giữ bầu trời Việt Nam”, Đại úy Thịnh hứa.
Cũng ra công tác tại quần đảo Trường Sa được gần 2 năm, Trung tá Mai Duy Dũng, Chính trị viên Trạm Ra đa 21 cho biết, các trạm ra đa ở Trường Sa được bố trí đan xen khép kín vùng trời Biển Đông.
“Nhiệm vụ của bộ đội ra đa lúc nào cũng căng thẳng hơn vì chiến đấu trong thời gian tính bằng giây, phát hiện mục tiêu càng ở xa càng tốt. Vì thế, với bộ đội ra đa, đơn vị là nhà, màn hình ra đa, sóng là chiến trường”, Trung tá Dũng nói và cho biết, ra đa trên đảo không bị ảnh hưởng bởi địa hình đồi núi, thung khe như trên đất liền nên cánh sóng sẽ vươn xa nhất theo tính năng thiết kế, các loại thiết bị bay, kể cả đang bay rất thấp, bám mặt biển cũng bị phát hiện. Khi phát hiện mục tiêu, kíp trực sẽ ghi chép và báo cáo về đất liền cự ly, tốc độ và đưa ra hướng xử lý.
Thời tiết trên đảo khắc nghiệt, 3 tháng đầu năm nắng, hạn. Sang tháng 5, biển lộng gió mang theo hơi mặn khiến cây cối trụi lá. Thời gian này kéo dài đến tháng 1 năm sau. Chính thời tiết này khiến bộ đội ra đa vất vả vì ảnh hưởng tới khí tài. Vì thế, bộ đội ra đa phải rất tự giác, chăm chỉ, lau chùi rất kỹ để kéo dài tuổi thọ khí tài.
“Ở ngoài đảo, trong sinh hoạt có 2 cái khó khăn là nước và điện. Và 2 vấn đề này đã được giải quyết tốt. Trên đảo đã có điện năng lượng mặt trời, điện gió bảo đảm thời gian sinh hoạt cho bộ đội. Đảo cũng có hệ thống bể chứa nước, có nước trồng được rau, tăng gia sản xuất. Còn trong chiến đấu, cần có con người và khí tài. Bộ đội được đào tạo bài bản và khí tài sẵn sàng chiến đấu”, Trung tá Dũng cho biết.
Trung tá Dũng quê ở xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), đã 24 năm công tác trong quân ngũ. Hai con đã lớn, anh xung phong ra Trường Sa công tác hơn một năm qua. Ban đầu có chút hẫng vì không có mạng internet, cuộc sống trên đảo cũng khác, nhưng dần dần, anh em đơn vị quan tâm động viên nhau nên giờ thì rất vui vẻ. Vì thế, Trung tá Dũng đã xung phong ở lại đảo tiếp tục công tác.
(Còn nữa)