Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản về phái cử lao động kỹ năng đặc định, cơ quan chức năng hai nước đã thống nhất tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định số 1 trong lĩnh vực xây dựng vào ngày 23/3.
Kỳ thi sẽ do Hiệp hội nguồn nhân lực xây dựng Nhật Bản (JAC) chủ trì, với ngành nghề thi tuyển là thi công cốt thép. Số lượng tiếp nhận ứng viên dự thi khoảng 30 người. Theo đó, lao động sẽ trải qua hai kỳ thi, thi lý thuyết trên máy tính (chiếm 65% số điểm) và thi thực hành (35% số điểm).
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, lao động đi làm việc theo chương trình này là những người có trình độ, tay nghề cao đã có thời gian làm việc, học tập tại Nhật. Do vậy, các chế độ so với các chương trình khác cũng tốt hơn.
Với chương trình kỹ năng đặc định, lao động sẽ đi làm việc với mức lương tương đương với người Nhật cùng một trình độ trong ngành nghề đó. Lương khởi điểm thường là 18 man/tháng (khoảng 40 triệu đồng) trở lên, chưa tính làm thêm.
Người lao động khi tham gia chương trình sẽ được phía Nhật Bản hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng nghề để đáp ứng được yêu cầu của phía Nhật Bản.
Ngoài ra, phía Nhật Bản sẽ chi trả vé máy bay lượt đi cho người lao động khi tham gia chương trình này. Trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, người lao động được hưởng các chế độ lương, an toàn và bảo hộ lao động, các chế độ bảo hiểm...giống như người lao động bản địa.
Khi người lao động có nguyện vọng về nước tạm thời, phía doanh nghiệp Nhật Bản phải sắp xếp cho người lao đông nghỉ phép về nước theo quy định. Đối với visa đặc định loại 1, thời gian làm việc ở Nhật tối đa là 5 năm. Còn visa đặc định loại 2, người lao động có cơ hội được cư trú và làm việc vĩnh viễn ở Nhật
Mức phí lao động đi làm việc theo chương trình kỹ năng đặc định không quá 3 tháng lương/hợp đồng trừ đi số tiền không thấp hơn 1 tháng lương đã được doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ.
Riêng đối với lao động là thực tập sinh đã hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2, 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định, doanh nghiệp không được thu tiền dịch vụ.
Vào tháng 7/2019, Việt Nam và Nhật Bản ký bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình “lao động kỹ năng đặc định. Theo đó, triển khai chương trình, phía Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng khoảng 350 nghìn lao động, trong 14 ngành nghề gồm: Xây dựng (40 nghìn người); Đóng tàu (13 nghìn người); Nông nghiệp (36,5 nghìn người); Thực phẩm (34 nghìn người); Nhà hàng ăn uống (53 nghìn người); Ngư nghiệp (9 nghìn người); Vệ sinh tòa nhà (37.000 người); Công nghiệp rèn đúc (21.500), Hàn cơ khí (5.250 người); Lưu trú khách sạn (22.000 người); Điện, thông tin điện tử (4.700 người); Bảo dưỡng/sửa chữa ô tô (7.000 người); Hộ lý chăm sóc người cao tuổi (60.000 người); Hàng không phục vụ mặt đất và bốc xếp hành lý (2.200 người).