Tổ chức ngoài công đoàn không phải muốn làm gì cũng được

TPO - Sáng 19/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Cam kết lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết, trong CPTPP nhiều nội dung về người lao động (NLĐ) được đề cập, trong đó cho phép NLĐ thành lập tổ chức đại diện tại các doanh nghiệp. 

Nhiều quyền lợi của NLĐ được đưa vào Hiệp định

Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Mạnh Cường cho biết, chưa bao giờ các cam kết về lao động lại được quan tâm nhiều như hiện nay.  Cụ thể, các cam kết bao gồm tự do liên kết và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động (Mức thông qua và duy trì là mức độ cam kết cao nhất trong các FTA trên thế giới); quy định trong luật pháp và thực hiện trong thực tiễn những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp.

Tổ chức ngoài công đoàn không phải muốn làm gì cũng được ảnh 1 Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Còn cam kết riêng được thể hiện trong thư trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng 10 nước CPTPP gồm các nội dung: Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (cam kết chung) trong Chương Lao động kể từ ngày CPTPP có hiệu lực với Việt Nam.

 Đối với các phạm vi của Việt Nam (nếu có) liên quan tới các cam kết chung trong Chương Lao động, các nước sẽ không áp dụng các biện pháp đình chỉ các ưu đãi thương mại đối với Việt Nam trong thời gian 3 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực.

Các vi phạm của Việt Nam (nếu có) với quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể, các nước sẽ không áp dụng các biện pháp đình chỉ các ưu đãi thương mại đối với Việt Nam trong thời gian 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực. Trong thời gian từ khi CPTPP có hiệu lực 5 năm đến trước khi CPTPP có hiệu lực 7 năm, các vấn đề liên quan đến vi phạm của Việt Nam (nếu có) về quyền tự do hiệp hội sẽ tiếp tục được các bên rà soát trong khuôn khổ Hội đồng lao động của CPTPP theo quy định.

Lý giải về việc đưa nội dung cam kết lao động vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, theo quy định khi đàm phán và gia nhập các hiệp định, các nước không được tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại bằng việc hạ thấp tiêu chuẩn lao động. Việc tuân thủ các điều kiện, cam kết về lao động là xu thế không thể tránh các nước tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tổ chức đại diện NLĐ được làm gì?

Một nội dung quan trọng trong CPTPP liên quan đến người lao động (NLĐ) là việc  cho phép họ tự thành lập tổ chức đại diện tại các doanh nghiệp.

 Ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng vụ pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tổ chức này hoạt động theo Luật Lao động (không theo Luật Công đoàn, Luật về hội - nếu có). Tổ chức này chỉ ra đời trên cơ sở quan hệ LĐ, không vượt khỏi phạm vi doanh nghiệp (chỉ trong từng doanh nghiệp) và phạm vi địa lý cụ thể. Đặc biệt, tổ chức này không phải là tổ chức chính trị - xã hội, không được tham gia các hoạt động chính trị - xã hội.

Sau khi NLĐ thành lập tổ chức đại diện cho lao động phải lựa chọn tự nguyện tham gia vào hệ thống công đoàn hiện nay hoặc đứng độc lập. Nếu đứng ngoài công đoàn, tổ chức độc lập phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định. Khi hoạt động, đại diện tổ chức này chỉ được phép đại diện cho NLĐ bầu ra mình, tham gia đối thoại tại nơi làm việc, giải quyết tranh chấp LĐ (đàm phán hoặc tổ chức đình công).

Tổ chức ngoài công đoàn không phải muốn làm gì cũng được ảnh 2 Người lao động sẽ được phép thành lập tổ chức đại diện của mình tại các doanh nghiệp

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định, việc cho phép thành lập các tổ chức đại diện NLĐ không có nghĩa là mọi tổ chức thoải mái, muốn làm gì cũng được. Tổ chức này phải hoạt động trong khuôn khổ luật pháp, hướng tới mục tiêu lành mạnh vì NLĐ.

Đánh giá tác động của CPTPP đối với vấn đề lao động việc làm ở Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh cho biết, khi gia nhập CPTPP, các ngành mà Việt Nam có lợi thế như: dệt may, da giày, thủy sản, chế biến gỗ, lắp ráp điện tử…

Theo ông Vinh, khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam có thể tạo thêm khoảng 27.000 việc làm mới mỗi năm; thu nhập và tay nghề của NLĐ cũng được cải thiện... Tuy nhiên, sẽ xuất hiện phân hóa tiền lương giữa LĐ tay nghề cao và thấp, trong và ngoài nước. Do đó, Việt Nam phải điều chỉnh các chính sách về LĐ việc làm, đào tạo, an sinh xã hội...

Về phần doanh nghiệp, một số khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đã nghiên cứu và chuẩn bị đón nhận cơ hội từ CPTPP tốt hơn các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thậm chí không biết, hoặc chỉ biết sơ sơ về  các hiệp định Việt Nam sắp tham gia và các cam kết.

“Cần chuẩn bị chu đáo về nguồn lực lao động. Cái khó nhất hiện nay là làm cách nào để chúng ta khai thác được các lợi thế về thị trường khi gia nhập CPTPP khi thuế suất giảm. Chất lượng lao động, năng suất là điều kiện để hàng hoá của chúng ta làm ra được các thị trường trong khu vực CPTPP chấp nhận” , Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh khẳng định.

MỚI - NÓNG