“Hé lộ” mặt trái của các hiệp định thương mại

TP - Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa cảnh báo về việc nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có nguy cơ bị tăng thuế nhập khẩu do bị áp dụng cơ chế tự vệ ngưỡng.

Việc cảnh báo hàng Việt bị áp thuế tự vệ cũng cho thấy những “chiếc bẫy” xuất khẩu có thể làm giảm doanh thu của các DN trong nước, hạn chế hiệu quả xuất khẩu.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) đã được ký kết và có hiệu lực từ 5/10/2016. Theo hiệp định, EAEU, bao gồm Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, cam kết loại bỏ thuế quan đối với 9.774 dòng thuế cho hàng nhập khẩu từ Việt Nam, tương đương với khoảng 90% số dòng thuế trong Biểu thuế nhập khẩu của EAEU.

Cũng theo Điều 2.10 của Hiệp định, một số mặt hàng dệt may, giày dép và đồ nội thất nhập khẩu từ Việt Nam được hưởng thuế suất 0%, tuy nhiên phải chịu sự điều chỉnh của cơ chế tự vệ ngưỡng.

Cụ thể, nếu khối lượng nhập khẩu các nhóm mặt hàng này từ Việt Nam trong một năm vượt một ngưỡng khối lượng nhất định quy định tại Hiệp định, EAEU có quyền điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên mức thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) trong khoảng thời gian 6 tháng (nếu khối lượng nhập khẩu trong năm trong khoảng từ trên 100% đến 150% ngưỡng quy định) hoặc 9 tháng (nếu khối lượng nhập khẩu trong năm trên 150% ngưỡng quy định).

“Để cảnh báo khả năng xuất khẩu vượt ngưỡng và có nguy cơ bị EAEU tăng thuế nhập khẩu lên mức thuế MFN, hàng tháng Cục sẽ công bố số liệu xuất khẩu sang EAEU để doanh nghiệp và các cơ quan chức năng theo dõi tình hình xuất khẩu và có biện pháp kiềm chế phù hợp”, Cục Phòng vệ thương mại cho hay.

Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, hiện tại có hai nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là quần áo lót và quần áo trẻ em đang bị EAEU áp dụng cơ chế tự vệ ngưỡng trong năm 2018. Hiện chưa có nhóm mặt hàng nào có nguy cơ bị áp dụng cơ chế tự vệ ngưỡng trong năm 2019.

Bộ Công Thương cho hay, theo cam kết của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), các nước ASEAN đã tiến rất gần đến mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan đối với các nước ASEAN-6 (5 nước sáng lập và Brunei), 99,2% số dòng thuế đã được xóa bỏ, trong khi 90,9% số dòng thuế của các nước gia nhập sau là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (gọi tắt là các nước CMLV) đã được xóa bỏ tính tới năm 2017. Dự kiến, tới hết năm 2018, tỉ lệ xóa bỏ thuế quan trong toàn ASEAN sẽ đạt 98,67%. 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.