Giảm thêm 11,4% số điểm ùn tắc
Với mật độ và lưu lượng phương tiện đang cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn thiết kế của mặt đường, do vậy việc áp dụng bất kỳ phương án phân luồng, tổ chức giao thông nào trên trục đường Nguyễn Trãi cũng như các tuyến phố hướng tâm cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên sau một thời gian nghiên cứu, từ ngày 6/8 Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện thí điểm phân làn tách dòng phương tiện ô tô, xe máy trên trục đường Nguyễn Trãi, đoạn từ nút giao Thanh Xuân đến nút giao Ngã Tư Sở.
Việc tổ chức giao thông tách dòng phương tiện trên đường Nguyễn Trãi có mục tiêu đầu tiên là tạo thói quen đi lại Ảnh: Anh Trọng |
Đánh giá sau những tuần đầu thực hiện, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuy chưa tách hết được ô tô, xe máy đi làn riêng, đặc biệt là xe máy nhưng việc này là để người tham gia giao thông làm quen, tạo ý thức khi di chuyển trên đường. Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, cùng với phương án tổ chức giao thông và đầu tư, cải tạo hạ tầng đồng bộ để giảm ùn tắc, xung đột giao thông, trong 6 tháng đầu năm Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện 123 nhiệm vụ UBND Thành phố giao, trong đó đã hoàn thành 113 nhiệm vụ và 10 nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện trong các tháng cuối năm.
Đối với công tác quản lý đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trong 6 tháng qua, Sở GTVT đã tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu năm 2022 thuộc Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Công tác tổ chức, phân luồng giao thông, đã chủ động và phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng phương án, ban hành 24 văn bản phân luồng, tổ chức giao thông đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố và phục vụ thi công các công trình giao thông. Công tác quản lý về đào tạo, cấp đổi GPLX , Sở GTVT đã thực hiện giám sát 100% các kỳ sát hạch bằng hệ thống camera được lắp đặt tại Trung tâm sát hạch và truyền dữ liệu trực tuyến về Tổng cục đường bộ Việt Nam; đã tổ chức trên 1.300 kỳ sát hạch, cấp mới hơn 146.155 GPLX.
6 tháng đầu năm Sở GTVT Hà Nội đã hợp lý hóa luồng tuyến và tăng tỷ lệ phương tiện sạch trong đoàn phương tiện công cộng Ảnh: như ý |
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT có nhiều đổi mới, trong đó có phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức xã hội trên địa bàn Thành phố tổ chức 22 hội nghị tuyên truyền cho trên 6.500 người tham gia là cán bộ công tác mặt trận...
Nhờ thực hiện có hiệu quả các công tác trên, đến tháng 8/2022, Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị có quan xử lý được 16/26 điểm đen (61%) về tai nạn giao thông. Với các điểm ùn tắc đã xử lý 4/35 điểm ùn tắc giao thông (11,4%), trong đó có các điểm ùn tắc được xử lý này là Ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Thường Tín trên đường Quốc lộ 1, Tố Hữu-Vũ Trọng Khánh...
Hợp lý hóa luồng tuyến, tăng tỷ lệ phương tiện sạch
Cùng với đảm bảo việc vận hành, hoạt động vận tải trong “điều kiện kiện bình thường mới“, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan cũng thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo hoạt động ổn định trên các lĩnh vực xe khách liên tỉnh, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), Taxi, đường thủy nội địa... Trên lĩnh vực vận tải xe chở khách, Sở GTVT đã hợp lý hóa luồng tuyến cả xe khách liên tỉnh và VTHKCC. Cụ thể, với xe khách liên tỉnh, Sở GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát danh mục tuyến vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định. Tiếp đến, sau khi dự thảo Quyết định phê duyệt danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải được Bộ GTVT ban hành bằng Quyết định số 927/QĐ-BGTVT tháng 7/2022, Sở GTVT Hà Nội bắt tay thực hiện hợp lý hóa luồng tuyến xe khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố theo nhu cầu vận tải và theo hướng tuyến cho phù hợp với quy định mới này.
Trên lĩnh vực VTHKCC bằng xe buýt: Do địa bàn Thành phố không còn nguy cơ vùng dịch nguy cơ cao, nên từ 16/3 đến 14/7 các tuyến xe buýt hoạt động 85% công suất; từ 15/7 đến nay hoạt động 100% công suất. Ngoài đảm bảo các tuyến buýt hoạt động, đưa đón, vận chuyển khách an toàn theo chỉ đạo từng thời điểm của UBND thành phố, trong 6 tháng qua Sở GTVT đã thực hiện điều chỉnh tạm thời lộ trình đối với 10 tuyến buýt (tuyến số 96, 13, 56A, 37, 116, 59, E08, 11, 157, 19) theo phương án tổ chức giao thông chung của thành phố; thực hiện đầu tư, thay mới 84 xe đối với 12 tuyến buýt.
Đặc biệt đến tháng 8/2022, VTHKCC Thủ đô cũng ghi nhận sự tăng trưởng khá ấn tượng cả về số lượng xe, tuyến loại hình phương tiện vận tải công cộng sử dụng nhiên liệu sạch - “không khói”. Cụ thể, đã mở mới thêm 5 tuyến xe buýt điện, nâng tổng số tuyến xe buýt điện của toàn thành phố lên 9 tuyến. Như vậy cùng với các xe buýt CNG, hiện trên địa bàn thành phố đã có 19 tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (xe chạy khí nén và chạy động cơ điện) với số lượng 220 xe, con số này đã đưa tỷ lệ đoàn phương tiện VTHKCC sử dụng nhiên liệu sạch trên địa bàn thành phố lên 11% trên tổng số lượng hơn 2.100 xe buýt thành phố Hà Nội đang quản lý. Tỷ lệ này cũng giúp ngành giao thông Thủ đô “cán đích” khung chỉ tiêu Thành ủy, UBND thành phố giao phải có từ 10 đến 30% tỷ lệ phương tiện VTHKCC bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch từ nay đến năm 2025. Trong bối cảnh vừa được khôi phục hoạt động trở lại, trong 6 tháng đầu năm, VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố đã vận chuyển được trên 122,6 triệu lượt khách. Với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, sau hơn 6 tháng vận hành đầu tiên, tổng lượt khách tàu Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển ước đạt 3 triệu lượt hành khách.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho người dân thành phố tiếp cận, sử dụng các loại hình VTHKCC, hoạt động thể dục thể thao, đi dạo… hiện Sở GTVT đã xây dựng và trình thành phố cho thực hiện đề án “Xe đạp đô thị” tại các quận nội thành, đề án đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Phó Giám đốc Đào Việt Long cho biết, tập thể Sở GTVT Hà Nội đã thống nhất, tiếp tục thực hiện việc tham mưu cho thành phố xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành; Chú trọng công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; Tiếp tục tổ chức, phân luồng giao thông linh hoạt; rà soát, hợp lý hóa luồng tuyến, hoạt động vận tải; ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong công tác đào tạo, cấp GPLX; tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT... Nhiệm vụ cụ thể trong thời gian này là tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phục vụ đi lại của nhân dân dịp nghỉ Lễ Quốc Khánh 2/9 và cao điểm cuối năm.