Tình yêu của lính biển

Chuyện tình yêu của người cảnh sát biển cũng lắm truân chuyên. Nhưng nơi đầu sóng Hoàng Sa (Đà Nẵng) nghĩ về người mình thương, các anh như được tiếp thêm động lực để vững tâm đấu tranh với tàu Trung Quốc đang ngang ngược.

Chuyện tình yêu của người cảnh sát biển cũng lắm truân chuyên. Nhưng nơi đầu sóng Hoàng Sa (Đà Nẵng) nghĩ về người mình thương, các anh như được tiếp thêm động lực để vững tâm đấu tranh với tàu Trung Quốc đang ngang ngược. 


Tình yêu của lính biển ảnh 1Cảnh sát biển tuần tra thực thi pháp luật trên vùng biển Hoàng Sa - Ảnh: Hoàng Sơn

Ba năm nợ mẹ một nàng dâu

Đó là câu cửa miệng nửa đùa nửa thật nhưng đầy cảm thông của nhiều anh em trên tàu Cảnh sát biển (CSB) - 4033 khi nhắc đến hoàn cảnh của thượng úy Nguyễn Văn Dũng, trưởng ngành cơ điện của tàu. “Tình duyên của anh Dũng cũng lắm lận đận. Không phải vì anh ấy vô tâm mà suy cho cùng là cũng do cái nghiệp lênh đênh sóng nước. Có người con gái xa anh vì anh không có nhiều thời gian, có người anh thật sự yêu thương, tính toán cho đám cưới thì cứ lần khất mãi do anh theo tàu làm nhiệm vụ. Cuối cùng 3 năm rồi mà anh vẫn nợ mẹ một nàng dâu”, một cán bộ trên tàu 4033 chia sẻ.

Anh Dũng năm nay 33 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, đã 2 lần hoãn đám cưới để ra biển bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng. Nhiều anh em trên tàu kể rằng, vì anh cứ đi biển mải miết nên cô gái đầu tiên anh yêu đã chủ động nói lời chia tay. Cô thứ hai lại thường hay ghen nên mối tình này cũng sớm đổ vỡ. Cô thứ ba, đã hai lần anh lên kế hoạch làm đám cưới nhưng đều lỡ vì nhiệm vụ đột xuất.

Vài mối tình đi qua, lắm lúc thượng úy Nguyễn Văn Dũng cũng buồn buồn tủi tủi. Nhưng với anh, tình yêu dành cho biển cả cũng lớn không kém so với tình yêu của riêng mình. Chính vì thế, những ngày có mặt trên tàu 4033, tiếp xúc với tôi khi nào anh cũng rắn rỏi và rất lạc quan. “Người yêu của anh tuy không đẹp nhưng được cái nết na, hiểu và cảm thông cho anh. Người lính CSB như anh có được một người vợ như thế là điều may mắn và hạnh phúc lắm”, anh Dũng trải lòng và cho biết thêm, sắp tới sau khi đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc, anh sẽ về quê cưới người con gái ấy làm vợ, sớm thôi.

Cũng trên tàu CSB - 4033 những ngày trung tuần tháng 5, tôi lại gặp một hoàn cảnh khác. Khi nghe câu chuyện của anh xong, nhiều người đã lặng đi vì quá xúc động. Anh là Trương Trường Quang (30 tuổi, quê Tam Kỳ, Quảng Nam), Chủ nhiệm Quân y, Vùng CSB 2. Trước ngày cưới hơn 10 ngày, anh Quang lên tàu 4033 trực chỉ Hoàng Sa để thực thi nhiệm vụ bám biển, đuổi giàn khoan Hải Dương-981. Khi đó, thiệp hồng đã gửi, váy cưới cho cô dâu cũng đã thuê xong và chỉ còn chờ đến ngày cử hành hôn lễ. Nhưng khi nhận lệnh của cấp trên, anh Quang sẵn sàng theo tàu, đạp sóng ra khơi mà chưa định được ngày trở về.

Những giờ “vờn” nhau trên biển, anh tạm quên ngày đại hỷ của cuộc đời nhưng đêm xuống trên biển Hoàng Sa, Quang lại ưu tư nhìn về đất liền - nơi vợ sắp cưới của anh là Võ Thị Diệu Thảo (23 tuổi, quê Phú Ninh, Quảng Nam) đang ngóng chờ từng ngày. Hiểu hoàn cảnh của anh, Phó chính ủy Vùng CSB 2, đại tá Võ Văn Kính đã nhiều lần động viên. Và nếu Quang không kịp về trong ngày cưới, theo ý định của đại tá Kính, trên tàu sẽ quay phim để truyền hình ảnh anh Quang đang làm việc trên tàu về, để đám cưới có “hơi ấm” của chú rể. 

Bức thư chưa kịp gửi…

Tiếng của thượng úy, thuyền trưởng tàu CSB - 4033 Lê Trung Thành vang lên: “Anh em trên tàu chia tay các nhà báo nhé, tối nay, một tàu khác làm nhiệm vụ sẽ đưa các anh phóng viên về lại đất liền…”. Nghe vậy, trung úy Hoàng Văn Thường, Chính trị viên của tàu, bỗng giật mình, vội xin nhờ một cuộc điện thoại vệ tinh để được nói chuyện với người anh yêu. Bởi Thường biết khi tàu đưa các phóng viên về, anh cũng không có cách nào để báo với người con gái ấy một câu rằng “anh vẫn khỏe”. “Chờ anh chút nhé, anh sẽ viết một lá thư để gửi về cho cô ấy yên tâm”, trung úy Thường nói với tôi như thế rồi lật đật chạy xuống hầm tàu tìm giấy bút biên thư. Thế nhưng, lịch trình thay đổi, tàu chúng tôi xuất phát sớm hơn dự kiến.

Khi đoàn nhà báo sắp rời tàu, anh Thường hớt hải chạy lên để kịp chào anh em. Tôi hỏi lá thư, anh lắc đầu đáp: “Không kịp, anh chỉ mới viết vài dòng”. Tôi không nói gì thêm vì biết rằng, anh không muốn gửi bức thư viết dang dở về cho người yêu. Chiếc xuồng cao tốc đưa chúng tôi rời tàu 4033, anh lặng nhìn rồi giương tay chào. Cái nhìn thăm thẳm trên khuôn mặt rám nắng có phần thư sinh nhưng đầy quyết tâm.

Chia tay chúng tôi, trên con tàu CSB - 4033 hôm đó, còn có trung úy Nguyễn Anh Khoa, khẩu đội trưởng của tàu. Trước đó, khi tôi rời tàu, anh Khoa đã nhờ tôi chuyển lời đến vợ anh là Lê Thị Hằng (33 tuổi, hiện là nhân viên Trường CĐ Y tế Quảng Nam) rằng “anh vẫn khỏe và đang quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ để sớm về đất liền”…

Theo Theo Thanh niên
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.