Tình yêu bóng đá

Tình yêu bóng đá
TP - Nếu chỉ xem phim Việt Nam mà không xem bóng đá, hòa mình vào không khí bóng đá, thì cứ ngỡ người Việt nhạt nhẽo vô duyên lắm...

Môn bóng đá được hâm mộ là bởi những điều sau: Tổng hòa được sức mạnh cơ thể và trí khôn cùng sự khéo léo. Là nơi phô diễn vẻ đẹp hình thể con người. Ngoài ra luật bóng đá cũng hấp dẫn. Nó còn là cỗ máy kiếm tiền. Bóng đá vì màu cờ sắc áo đội tuyển quốc gia thì càng có sức mạnh vô chừng, tận cùng xúc cảm.

Người Việt hâm mộ bóng đá thế nào ai cũng biết. Mê World Cup chẳng kém quốc gia nào. Và khát khao chiến thắng cho đội nhà, đến thành ám ảnh.

Cúp tứ hùng giải Vinaphone 2018, ban đầu tôi và nhiều người không hứng lắm. Vừa trải qua mùa World Cup chất lượng, nay lại xem những trận giao lưu là chính của bốn nước thuộc loại “vùng trũng” bóng đá. Nhưng rồi đội nhà đá hay dần lên tại ASIAD, thế là bà con lại hiện nguyên hình là những con nghiện, tín đồ của túc cầu giáo, ham mê nó một phần nhưng chủ yếu là tiếp tục mơ mộng, tham vọng về một trang sử mới hiển hách hơn cho bóng đá nước nhà.

Cho đến trận đấu thứ ba của vòng bảng, cả nước đã gần sôi sục vì bóng đá. Ấm ức vì không có bản quyền, họ làm tất cả để được thưởng thức màn thi đấu của Olympic Việt Nam. Xôi Lạc chỉ là kênh nổi tiếng nhất, ngoài ra còn nhiều kênh khác, đều vi phạm bản quyền nhưng biết làm sao. Có người hài hước nói: “Nhờ Xôi Lạc mọi người mới được trở về cảm giác của thập niên 1980. Tự hào quá Việt Nam ơi từ nơi đồng xanh thơm hương lúa!”. (Nhại bài hát Việt Nam ơi, một ca khúc xứng đáng dùng làm nhạc hiệu của các kỳ thi đấu thể thao quốc tế có tuyển Việt Nam).

Thử dạo một lượt mà xem, có lẽ không chủ đề nào được bàn luận nhiều như một kỳ thi đấu khởi sắc của tuyển bóng đá Việt Nam tại một giải quốc tế. Người người nhà nhà say sưa bình tán đủ thứ từ nhân sự tới đấu pháp, chuyện hậu trường- với ngôn ngữ phóng túng, giàu biểu cảm, cả hài hước... Tương tác với nhau hơn bao giờ hết, và dù cãi vã hay đồng tình cũng đầy vẻ hồn nhiên vô tư lự.

Có người lo âu chỉ ra điểm yếu của đội nhà, khá có lý nhưng cũng bị chỉnh: “Chê thì cũng vừa thôi. Ông nói đá với toàn đội yếu. Đá với Nhật còn chê yếu thì đá với Pháp ông mới thỏa mãn chắc”.

Và ra vẻ ngông ngạo “Không biết ở cái giải châu Á, giờ đội nào mới là đối thủ xứng tầm chúng ta đây”.

Về nỗi ám ảnh Thái Lan, hôm cổ động viên nước này đang hồi hộp chờ đợi số phận loại hay vớt của đội mình, các fan Việt không thể bỏ lỡ dịp bàn tán trong khoái cảm. Nào so sánh tình cảnh mình với Thái Lan: “Kẻ ăn không hết người lần không ra”. Nào hả hê: “Không bao giờ quên anh Sắc (Kiatisuk) bảo bóng đá Việt 10 năm nữa không bằng Thái. Giờ mong phép màu cứu Thái để gặp Việt Nam nhá”. Và: “Thôi anh cả hãy lo canh giữ ao làng để thằng em an tâm đi đánh trận châu lục”... Hihi.

Hỏi cây bút thể thao nổi tiếng Nguyễn Lưu rằng “Lứa cầu thủ U23 hiện nay liệu có hơn được thế hệ vàng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Trần Công Minh, Hữu Thắng...?” Ông đáp: “Hơn. Thế hệ Hồng Sơn không ai đá phạt được như Quang Hải. Thậm chí U23 hiện nay có thể là thế hệ tài năng nhất tính từ sau 1975 đến giờ. Chúng ta có Văn Quyến kỳ tài, có lẽ tài nhất trước giờ, tiếc rằng sự nghiệp quá ngắn ngủi”.

Hình ảnh đẹp, cảm động nhất tại giải U23 châu Á hồi đầu năm theo tôi là cảnh hai đồng đội cào tuyết cho Quang Hải để rồi sau đó anh có quả đá phạt “cầu vồng trong mưa tuyết” thần sầu vào lưới Uzebekistan. Giây phút chiếc máy bay sơn dòng chữ “Tôi yêu Tổ quốc tôi” chở các cầu thủ hạ cánh sân bay Nội Bài, trở về từ Thường Châu, hẳn cũng  khó quên trong ký ức người hâm mộ. Thảo nào mấy hôm nay họ đã ước nguyện về một “ngày Quốc khánh không thể quên”, nơi họ hẹn “đi bão” nếu đội tuyển vào chung kết ngày 1/9 để rồi nâng Cúp trên tay.  Cho nên, hỉ nộ ái ố dâng đến cao trào vì vụ bản quyền ASIAD vừa qua hóa ra lại hay. Để chính phủ và các cấp liên quan đo được tình cảm, ước vọng của nhân dân. Không thể đùa, đơn giản được đâu. Bởi bóng đá đôi khi không chỉ là bóng đá.

MỚI - NÓNG