Tình Tiền Phong

TP - Thấm thoắt tôi về Tiền Phong đã gần 25 năm, một phần tư thế kỷ, và nhờ tình huống đẩy đưa mà trở thành tổng biên tập của báo trong giai đoạn không dễ dàng gì sau một cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo không thật suôn sẻ và trong bối cảnh công nghệ, tính chất của báo chí, truyền thông cũng như thói quen của độc giả thay đổi nhanh đến mức khó kịp định thần.

Tôi vốn là người hay xê dịch hồi còn trẻ. Bốn năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học, tôi qua tới 4 nơi làm việc. Không phải là loại vô tích sự hay bị tập thể ghét bỏ (mà trái lại), nhưng đơn giản là cứ bị cuốn theo những cơ hội mới, công việc mới, người mới thú vị hơn. Ấy vậy mà năm 1994, tôi về Tiền Phong và neo lại đến tận giờ.

Điều gì đã cột tôi và đa số những người đã vào báo ở lại với Tiền Phong?

Tình Tiền Phong ảnh 1 Tổng biên tập Lê Xuân Sơn và các phóng viên trẻ tại bia kỷ niệm nơi ra số báo Tiền Phong đầu tiên (Bản Dõn, Minh Thanh, Sơn Dương, Tuyên Quang), tháng 11/2018

Khi tôi về, Tiền Phong đã ở đỉnh cao với ba ấn phẩm định kỳ: Tiền Phong (ra ngày thứ 3),  Tiền Phong chủ nhật  và Tiền Phong cuối tháng, là tờ báo tuần vào loại thành công nhất nước, lại có trong tay hai sự kiện đình đám là cuộc thi Hoa hậu và Việt dã toàn quốc cùng nhiều hoạt động vang tiếng khác. Ai mà chả được ở trong đội ngũ hùng mạnh và vinh quang ấy. Tôi bước vào ngôi nhà của những cây bút nổi danh như Xuân Ba, Mạnh Việt, hay mới nổi như Dương Phương Vinh…, cảm được từ trước đó, khi còn là cộng tác viên, cái tâm của Thư ký toà soạn Tiền phong Chủ nhật Nguyễn Hoàng Sơn, người trở thành bạn của mọi cộng tác viên và không ngại đăng một tác giả nhiều bài trong một số miễn là bài hay. Rồi lại thấy xu hướng và biệt tài của Tổng Biên tập Dương Xuân Nam ở cái lĩnh vực mà anh nói ra lời “làm báo là phải hấp dẫn”. 

Và khi đã trở thành phó trưởng ban biên tập, thư ký toà soạn tờ Tiền Phong thứ Năm, tôi được làm việc trực tiếp với phó Tổng Biên tập Lương Ngọc Bộ - một người mà tôi  gắng gỏi noi theo nhưng có lẽ không bao giờ bén gót được về tính cương quyết, sự sắc sảo trong việc phản ánh những vấn đề xã hội và đấu tranh chống tiêu cực, đặc biệt là thương yêu, bao bọc cấp dưới, nhất là trong những trường hợp không may sơ suất hay sai sót. Thật phúc cho tôi, đến tận giờ, sau chẵn 10 năm người anh thương mến ấy về hưu, tôi vẫn được anh hàng ngày bao bọc cho một mảng việc mà tôi không có sở trường và không phải là không quan trọng: Công ty Cổ phần Tiền Phong.

Cuộc sống ở Tiền Phong nhiều niềm vui nhưng cũng thường trực căng thẳng, đúng tính chất của một tờ báo tiên phong không ngại đi vào những vấn đề nhạy cảm, gai góc và đấu tranh chống tiêu cực, dù đó là ở những người có thế lực. Năm năm trước, khi làm lịch sử của báo, tôi kinh ngạc khi từ những năm năm mấy sáu mươi của thế kỷ trước, Tiền Phong đã có những bài điều tra kỳ công phanh phui một số vụ trù úm, tiêu cực, lãng phí không nhỏ. Truyền thống chiến đấu của Tiền Phong khởi nguồn từ những ngày đầu xa xưa ấy!  

Riêng những năm tháng tôi ở Tiền Phong, nhớ những ngày cả toà soạn hồi hộp, nhưng náo nức với vụ án Năm Cam và thông tin về sự dính líu của một loạt quan chức cao cấp mà một  trong số đó (một người rất nổi danh) Tiền Phong là báo đưa ra đầu tiên. Rồi vụ một phó văn phòng chính phủ để quên cái cặp khoá số có nhiều phong bì sau một chuyến công tác Tây Nguyên mà Tiền Phong tung ra như một quả bom và  độc quyền mấy số liền vào giữa thập kỷ đầu của những năm 2000. Tiền Phong cũng lại là báo đầu tiên phát hiện con tàu khổng lồ Vinashin rồi sẽ mắc cạn, loạt bài rồi khiến người viết, người duyệt đụng phải nhiều rầy rà. Gần đây, Tiền Phong đi kịp cùng các báo bạn trong hầu hết các cuộc đấu tranh chống những biểu hiện khuất tất, những dấu hiệu tiêu cực và  ghi dấu ấn của riêng mình ở những vụ như quanh tài sản không minh bạch của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, phát hiện ra đầu tiên những sai phạm, khuất tất của nhân vật Vũ Đình Duy ở tổ hợp thoi thóp xơ sợi Đình Vũ vv…

Môi trường như thế, công việc như thế, hẳn rất khó sống nếu không có cái tình lớn. Cái tình đồng chí, đồng nghiệp, đồng sự với nhau. Để mà giúp nhau tiến bộ, giúp nhau vượt qua khó khăn, đứng vững trước thử thách. Nhiều người đi khỏi Tiền Phong, trong đó có một số người lại trở lại, nói rằng cái tình của người Tiền Phong rất lớn. Là người quản lý, khi khởi đầu, tôi hiểu mình phải dựa vào cái tình đó để cố kết lại cơ quan, để xây dựng một tập thể thống nhất, biết bao bọc nhau. Còn nhớ cách đây khoảng gần 5 năm, khi tôi được giao làm tổng biên tập báo được khoảng một năm và đã ổn định được tình hình cơ quan sau một thời gian chộn rộn thì thình lình lại xuất hiện một email nặc danh mấy ngày liền tung thông tin nói xấu người này người kia. Tôi biết mức độ nguy hiểm của cái lối đứng trong  bóng tối hắt nước bẩn ra như thế và rất lo rồi bao công sức xây dựng bấy nay sẽ lại ra sông, ra biển như dã tràng xe cát.  Lo và nỗ lực ngăn chặn thành công bằng một … bài thơ. Mấy câu kết bài thơ đó thế này:

Cuộc đời này rồi cũng chẳng dài lâu

Sẽ đến lúc ta ngoái đầu nhìn lại

Từ trăm nỗi vui buồn đã từng thừa thãi

Có khi còn chỉ một chút Tình thôi

Bài thơ đó được gửi cho tất cả  người Tiền Phong tôi có địa chỉ thư điện tử ở thời điểm đó. Có kỳ diệu không khi email nặc danh kia lập tức im và im cho đến tận giờ?! Không có cái Tình Tiền Phong mà người  kia chưa hẳn đã có nhưng chịu sức ép nặng nề và không dám đối mặt, hẳn người ta đã chẳng chịu khuất mình đi như thế.

Tình Tiền Phong ảnh 2 Họa sĩ Tôn Đức Lượng - một trong những cán bộ báo Tiền Phong từ những ngày đầu thành lập cùng các phóng viên trẻ của báo

Tình Tiền Phong là một tài sản rất lớn của báo. Là tài sản thì nó phải được bảo dưỡng, bồi đắp và cả tu sửa,  làm mới. Nhiều người nói, là vốn quý đó nhưng không khéo cũng là lực cản. Quả đúng như vậy! Nệ tình, Tiền Phong bao bọc, nuôi nấng cả những người không có năng lực làm việc, hoặc không muốn làm việc và tệ hơn cả những người chỉ muốn bám uy thế của tờ báo để làm việc cho riêng mình.

Vậy thì người Tiền Phong thương mến ơi, hãy tiếp tục yêu thương nhau nhưng cũng hãy biết cảnh tỉnh. Yêu thương nhau để cùng mang quả tạ bằng vàng ròng là sự nghiệp Tiền Phong này đi tiếp lên phía trước. Nhưng cũng phải biết yêu thương nhau bằng sự nghiêm khắc với nhau, bởi đã có câu “yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”. Đúng là chúng ta sẽ phụ nhau và phụ công những người đi trước nếu vì tình thương mà để con tàu Tiền Phong quá tải bởi nhân tố lạc hậu, tụt lại sau đội tàu báo chí Việt Nam ngày đêm mải miết tiến lên phía trước.

Hãy cùng gắng gỏi sao cho mỗi khi ngoái đầu nhìn lại, những năm tháng của Tiền Phong đã qua nhưng không mất đi mà mãi lừng lững một chữ TÌNH! 

MỚI - NÓNG