Vẻ đẹp của yêu thương

Hoa hậu Mỹ Linh, Á hậu Thanh Tú với các cháu bệnh máu Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trong Trung thu vừa qua. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Hoa hậu Mỹ Linh, Á hậu Thanh Tú với các cháu bệnh máu Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trong Trung thu vừa qua. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 đã gửi đi một thông điệp yêu thương mạnh mẽ và để lại một danh hiệu - thương hiệu mới: Người đẹp Nhân ái.

“Cháu phải nghe lời chú, xuống xe đi về ngay. Về nghỉ lập tức! Không nghe lời từ nay cháu sẽ không được tham gia bất cứ chương trình nào nữa” - đó là lời khẩn cầu vừa là mệnh lệnh của một thành viên Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 nói qua điện thoại với Á hậu Ngô Thanh Thanh Tú.

Sáng 18/12/2016, theo kế hoạch Hoa hậu Ðỗ Mỹ Linh và Á hậu Ngô Thanh Thanh Tú phải bay vào Ðồng Hới để thực hiện chương trình trao 500 triệu đồng tiền học bổng mà Hệ thống Anh Văn Hội Việt Mỹ thông qua báo Tiền Phong và BTC cuộc thi tặng cho học sinh nghèo vượt khó hai tỉnh vừa bị lũ nặng Quảng Bình và Hà Tĩnh. Bị sốt cao, Thanh Tú đã không dậy nổi để bay chuyến bay sớm. Nhưng đến 10 rưỡi sáng, khi đã vào đến Ðồng Hới một lúc lâu, Hoa hậu Mỹ Linh thông báo ở Hà Nội, Thanh Tú đã gượng dậy đến bến xe lên xe để đi vào. Phải vừa khuyên nhủ, thuyết phục vừa mệnh lệnh mới đưa được Á hậu, người cứ day dứt là không hoàn thành được bổn phận của mình, trở về với giường bệnh.

Vẻ đẹp của yêu thương ảnh 1

Á hậu Thùy Dung trong thời gian  thực hiện dự án Nhân ái làm đường điện chiếu sáng một con đường ở đảo Lý Sơn.

Một vẻ đẹp từ trái tim, vẻ đẹp đặc trưng cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016.

Với thế mạnh của mình, Công ty Sen Vàng đề xuất phát triển cuộc thi thành một chương trình truyền hình thực tế thu hút đông đảo người xem để tăng tính quảng bá cho phong trào thiện nguyện.

Hồi chuẩn bị cho cuộc thi, lãnh đạo báo Tiền Phong và Công ty Sen Vàng TPHCM bàn nhau xem sẽ tập xây dựng cái gì thành điểm đặc trưng mang tính đột phá cho lần thi này. Lịch sử cuộc thi đã 28 năm, các thế hệ tổ chức đã xây dựng cho cuộc thi vẻ đẹp trên nhiều lĩnh vực: Cảm hứng và trách nhiệm công dân, chủ quyền biển đảo; Hướng về nguồn, đền ơn đáp nghĩa; Quảng bá và thực hành hoạt động thiện nguyện, nhân ái, chăm sóc những người nghèo khổ, thiệt thòi; Sống có trách nhiệm và bảo vệ môi trường; Quảng bá cho địa phương nơi các hoạt động của cuộc thi diễn ra. Ít còn dư địa cho cái gì đó mới, nhưng vẫn có thể thực hiện ở quy mô, tầm cấp cao hơn, hình thức sáng tạo hơn, tạo một hình ảnh, thậm chí một thương hiệu mới.

Hai bên thống nhất cuộc thi vẫn phải làm tất cả các hoạt động ý nghĩa các kỳ trước thường làm nhưng lần này phải gửi đi được một thông điệp yêu thương thật mạnh mẽ. Ðiểm đột phá được chọn là các hoạt động nhân ái. Không đơn thuần là thăm hỏi, an ủi, tặng quà cho ai đó mà phải là những hoạt động có ý nghĩa xã hội đối với một cộng đồng, đóng góp được cái gì đó lâu dài vào đời sống hằng ngày của họ, đồng thời phải có ý nghĩa truyền thông cho phong trào thiện nguyện, nhân ái. Một cái gì đó lấp lánh và cảm động mà chưa một cuộc thi nào trước đó, kể cả những kỳ đã qua của Hoa hậu Việt Nam, làm được.

Vẻ đẹp của yêu thương ảnh 2

Người đẹp Truyền thông Ngọc Vân trong thời gian thực hiện dự án nước sạch ở Tây Nguyên.

Cuộc thi Người đẹp Nhân ái ra đời trong lòng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 như thế.

Với thế mạnh của mình, Công ty Sen Vàng đề xuất phát triển cuộc thi thành một chương trình truyền hình thực tế thu hút đông đảo người xem để tăng tính quảng bá cho phong trào thiện nguyện.

Hơn 4 tỷ đồng từ kinh phí của cuộc thi đã được trích ra để các thí sinh vòng chung kết thực hiện gần 40 dự án nhân ái trên khắp mọi miền đất nước. Khoảng chừng ấy tiền nữa là kinh phí để đảm bảo cho số tiền kia được đưa đến đồng cuối cùng vào các dự án đồng thời cũng đảm bảo hình ảnh của các hoạt động liên quan đến với người xem cả nước qua 9 tập chương trình truyền hình thực tế Người đẹp Nhân ái để cổ vũ cho phong trào thiện nguyện.

Trong suốt gần 3 tháng trời, bên cạnh việc đến và quảng bá cho di tích lịch sử cách mạng Chiến khu rừng Sác, Vùng than Quảng Ninh, biển đảo Hạ Long…, các thí sinh chung kết của Hoa hậu Việt Nam đã đến đảo Lý Sơn để tu bổ cột cờ chủ quyền, làm đường điện chiếu sáng con đường xóm nghèo ven biển…; đến Côn Ðảo làm nhà gặp gỡ cho chiến sĩ và người thân đến thăm, phòng tập thể dục cho phụ nữ, dụng cụ y tế cho một trạm Quân Dân y…; qua miền Tây Bắc thực hiện dự án nhỏ hỗ trợ bảo tồn văn hoá dân tộc Mường; lên chiến khu Việt Bắc xưa kéo điện cho thôn nghèo, làm nhà văn hoá làng, bếp ăn cho các cháu bé ở điểm trường khó…; tới Tây Nguyên làm đường nước cho buôn làng, lắp quạt trần cho trường học, xe đạp lọc nước để vừa thể dục vừa có nước sạch cho cụm dân cư nhỏ; xuống Ðồng bằng sông Cửu Long để làm cầu nông thôn, giếng khoan cho thôn ấp vv…

Vẻ đẹp của yêu thương ảnh 3

Người đẹp Áo dài Bùi Nữ Kiều Vỹ trong thời gian thực hiện dự án ở Quảng Nam.

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 đã khép lại. Nhưng ở gần 40 điểm trên khắp Tổ quốc yêu thương, những công trình nhân ái - những cây cầu, đường điện, công trình nước, phòng chức năng, những vật dụng hữu ích cho em bé, cụ già, phụ nữ… vẫn đang còn lại đó, phát huy tác dụng trong cuộc sống hàng ngày.  Cũng còn lại đó những kỷ niệm đẹp giữa các thí sinh và người dân nơi họ đã đến ăn ở cùng để thực hiện dự án.

Còn lại đó một danh hiệu mới, cũng có thể nói là một thương hiệu cao quý đã được khẳng định trong lòng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam: Người đẹp Nhân ái. 

Tiếp tục tinh thần Người đẹp Nhân ái, mấy tháng qua sau khi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam kết thúc, Hoa hậu Ðỗ Mỹ Linh, các Á hậu Ngô Thanh Thanh Tú, Huỳnh Thị Thuỳ Dung và nhiều người đẹp của cuộc thi đi cùng Ban Tổ chức hoặc tự mình vào Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển thực hiện nhiều chục chương trình và hoạt động xã hội từ thiện. Chưa bao giờ các người đẹp bước ra từ một cuộc thi Hoa hậu nước ta lại thực hiện hoặc tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện trong một thời gian ngắn như thế.

MỚI - NÓNG