Bạn là một VIP, vé cũng VIP, chính xác là giấy mời vào khu VIP khán đài A. Rốt cuộc thì tôi cũng chả phải về đi làm Fan ID mà chọn một bức tường trắng chụp cái ảnh nền trắng gửi qua viber. Quân của bạn đi làm giúp.
Năm rưỡi xuất phát. Xe của bạn đi xuyên thành phố nhưng hôm nay may đường chỉ đông mà không tắc. Ðến nơi, xe có thẻ ưu tiên nên vào bãi đỗ, vào sân gần như không phải đi bộ. Chỉ việc đi vào trung tâm thẻ để lấy Fan ID. Trước đó vài quân của bạn đã đóng giả con gái con trai tôi cầm hộ chiếu vào lấy hộ nhưng không được trong bối cảnh an ninh siết chặt.
Bên ngoài sân vận động đã khá đông. Sau thông báo trên sân cho biết có đến gần 80.000 người dự khán trận đấu. Tuy nhiên, không khí không quá cuồng nhiệt. Hôm sau truyền thông Nga nhận xét đây là trận đấu mà khán giả đến sân thiếu màu sắc nhất từ trước đến nay. Fan của cả hai đội từ bên nước sang đông. Người Croatia mặc áo đội tuyển khá nổi, nhưng có vẻ trầm, không nói năng hò hét nhiều. Fan của Anh thì không mặc gì đặc biệt (có lẽ chính phủ và truyền thông Anh làm họ sợ người Nga và nước Nga nên đến đây đi đường họ không muốn bị nhận ra chăng?). Không nổi bật bề ngoài nhưng họ hát. World Cup này CÐV Anh có bài hát về HLV trưởng Sougathe, người đã đưa được Tam Sư vào bán kết sau 40 năm. Nhưng hôm nay bài hát chính của họ là “Football’s coming back home“ (viết từ 1996)- ý là “Cup vàng trở về nhà”, hi vọng đội nhà lại sẽ đưa được cup về Anh.
Tình nguyện viên đứng dăng dăng và làm việc khá nỗ lực. Cho dù bạn có nói tiếng Nga với họ nhưng họ vẫn cứ trả lời bạn bằng tiếng Anh. An ninh nhiều lớp. Tôi đi qua hai lần kiểm tra, trong đó có cửa cho tất cả fan dù là VIP, đều bị khám người, túi bị mở xem, áo khoác bị vuốt kỹ đảm bảo không lọt gì. Bởi vậy mà tôi quá ngạc nhiên khi hôm sau, báo chí đưa tin có ai đó đã ném một con cá khô từ khán đài xuống sân. Lọt bằng cách nào nhỉ?
Tôi rất muốn lang thang cảm nhận không khí của đám đông cổ động viên nhưng không được. Ði với VIP, vào phòng VIP, sang trọng, đầy đồ ăn thức uống đắt tiền, nhưng hết không khí đại chúng.
Các nữ cổ động viên. Ảnh: LXS.
Trước trận đấu khoảng 15 phút, tôi ra khán đài trước. Không khí đã rất sôi động. Các khán đài “bình dân” đã kín cổ động viên nhưng các khán đài VIP thì còn rất trống. Hai đội đang kết thúc phần khởi động. Chỗ chúng tôi cực đẹp, ở khán đài A, ngay quãng giữa, nhìn rõ gần như nhau cả hai đầu sân.
Ngang và sau cầu môn bên trái là sắc trắng đỏ - CÐV Croatia. Cũng như thế nhưng cầu môn bên phải thì sắc trắng chủ đạo. Ðó là các CÐV Anh. Họ vẫn không ngừng hát. Chèn giữa hai khối người đó chắc là khán giả các nước còn lại, nhất là người Nga.
Khi trận đấu diễn ra, thấy rõ là CÐV Nga nghiêng về phía Croatia. Quanh tôi toàn người nói tiếng Nga thúc giục đội áo đen tiến lên, mắng mỏ chê bai các cầu thủ Anh. Hôm sau, các báo Nga phỏng vấn một số người, họ lý giải đó là họ ủng hộ những người anh em cùng dòng máu Xlavơ. Có lý do đó. Nhưng tôi cho là còn có lý do chính trị. Người Anh mấy năm nay chống phá, o ép Nga nhiều. Rồi vụ án đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang mà người Nga cho là chính phủ của bà May dựng đứng nữa. Cổ động viên Nga ủng hộ Croatia bất chấp ngay trước đó đã xảy ra một xì căng đan. Hậu vệ Vida của đội bóng áo bàn cờ khi ăn mừng thắng lợi ở tứ kết trước Nga đã cùng một thành viên ban huấn luyện là Vukoevich (cả hai khoác áo Dinamo Kiev trong những thời gian khác nhau) hô vang “Vinh quang Ucraina!”.
Video ghi lại hình ảnh họ xuất hiện trên mạng đã khiến chủ tịch Liên đoàn bóng đá Croatia - tiền đạo lừng danh một thời Davor Suker phải lên tiếng xin lỗi chính thức phía Nga, biện bạch đó chỉ là hành vi bộc phát thiếu suy nghĩ bởi LÐ bóng đã Croatia tuân thủ phương châm “Bóng đá đứng ngoài chính trị” của FIFA. Liên đoàn Croatia cũng sa thải Vukoevich. Vida không bị đụng đến vì vai trò không thể thiếu được của anh ta. Lời xin lỗi của Suker cộng với việc nhiều nhóm CÐV Croatia đi khắp Mátxcova với băng rôn “Thank You, Russia” cùng với các lý đã nói ở trên đã khiến chủ nhà Nga mềm lòng. Tuy nhiên, quả thật ở đầu trận vẫn có nhiều tiếng la ó, huýt sáo mỗi khi Vida chạm bóng.
Hiệp 1 là của đội Anh. CÐV Anh cũng chiếm thế thượng phong. Họ reo hò vỗ tay theo nhịp tạo sóng và đặc biệt là hát át giọng CÐV Croatia và phần còn lại. Khi Trippier ghi bàn sớm và với các đợt tấn công sắc bén vài lần xuyên thủng hàng thủ của Croatia sau đó, tưởng như Tam Sư sẽ sớm ca khúc khải hoàn “Football’s coming home” cùng cổ động viên.
Nhưng hiệp hai, gió đổi chiều. Cầu thủ và CÐV Croatia lật ngược thế trận. Nửa sau hiệp phụ thứ 2, khi hậu vệ Trieppier của Anh (người đã ghi bàn tuyệt đẹp và chơi hay trong trận - sau đó là tuyển thủ Anh duy nhất được đưa vào đội hình tiêu biểu vòng bán kết) bị đau không thể thi đấu tiếp, cổ động viên Anh hiểu thế là hết và phía khán đài của họ suy sụp thấy rõ. Ðiều đáng khen cho họ là sau trận đấu dường như không ai trong họ về ngay mà vỗ tay không dứt để động viên các chàng tai người ôm đầu, người đổ sụp xuống, người khóc dưới sân.
Phóng viên tác nghiệp sau trận đấu.
Cổ động viên ra về trong trật tự. Ðã thấy một số người giơ biển “Tôi cần vé chung kết”, chắc hi vọng nhiều cổ động viên Anh sẽ bỏ vé vì đối với đảo quốc Sương mù bây giờ “Football’s coming to Saint Petersburg” nơi đội tuyển họ sẽ tranh giải ba. Nhưng đó là với những người lạc quan, còn những người bi quan thì đúng là “Football’s coming home” nhưng không kèm theo Cup.
Sân bay Sheremechevo, ngày 12/7