Tinh thần tuổi trẻ của chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lần đầu được cử đi thực hiện nhiệm vụ tại một nơi rất xa đất nước Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng đối với thượng úy Nguyễn Nhật Phương - Đội công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP. HCM.
Tinh thần tuổi trẻ của chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1

Đoàn cứu hộ cùng các lực lượng cứu hộ tại hiện trường tìm kiếm.

Vừa qua, Đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam gồm 24 cán bộ, chiến sĩ đã trở về nước sau 7 ngày chạy đua với thời gian, chạy đua với tử thần để tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp trong những đống đổ nát do trận động đất kinh hoàng xảy ra vào ngày 6/2, tại TP Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thời gian làm nhiệm vụ, Đoàn đã phối hợp cùng lực lượng cứu nạn, cứu hộ các nước giải cứu 1 người còn sống ra khỏi khu vực sập đổ và đưa 14 thi thể ra ngoài bàn giao cho cơ quan y tế. Ngoài ra, Đoàn cũng trao 2 tấn thiết bị y tế tặng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Cơ quan ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp (AFAD) và trao nhiều trang thiết bị y tế cho Sở Y tế thành phố Adiyaman.

Trong Đoàn công tác, ngoài những cán bộ dày dặn kinh nghiệm được cử đi, còn có những chiến sĩ trẻ là Đoàn viên đang công tác tại các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Ngoài quân trang, họ đã lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ cùng với sự nhiệt huyết, tinh thần xung kích của tuổi trẻ.

Tinh thần tuổi trẻ của chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 2

Nguyễn Nhật Phương.

Chia sẻ cảm xúc sau khi trở về Việt Nam, Nguyễn Nhật Phương - Đoàn viên Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP.HCM cho biết, cảm thấy rất vinh dự khi được đại diện cho lực lượng tham gia nhiệm vụ cứu hộ quốc tế.

Mới đầu qua đất nước bạn, thời tiết rất khắc nghiệt, anh em gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, bản thân anh cũng như các thành viên trong Đoàn đã cố gắng thích nghi với mục tiêu duy nhất đó là hoàn thành tốt công việc, trọng trách được giao. Việc phối hợp với các lực lượng cứu hộ khác tìm thấy một nạn nhân còn sống sót, là động lực thúc đẩy tinh thần làm việc của các thành viên trong Đoàn lên rất cao và dường như mọi khó khăn ban đầu đã tan biến.

Theo thượng úy Phương, mọi người bắt đầu công việc tìm kiếm nạn nhân từ từ 8h sáng đến 22h đêm, sau đó tranh thủ nghỉ ngơi để lại tiếp tục công việc vào ngày hôm sau. “Đối với bản thân mình đã vận dụng hết những kiến thức, kỹ năng, nội dung đã được học, trải nghiệm và sức trẻ của mình để ứng dụng vào nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ một cách an toàn và đưa các nạn nhân ra ngoài một cách sớm nhất” - thượng úy Phương nói.

Chia sẻ thêm về những khó khăn gặp phải khi làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, anh Phương cho biết, động đất làm hệ thống nước bị hư hỏng hoàn toàn nên mọi người sử dụng nước đóng chai được hỗ trợ và nước mang theo để sinh hoạt là chính. Ban đêm khi làm nhiệm vụ về chỉ đun một ấm nước sôi để lau sơ qua người, có buổi tối muộn nhiệt độ âm 1-2 độ C, mọi người chỉ rửa tay ăn cơm rồi đi ngủ cũng không kịp lau người.

Tinh thần tuổi trẻ của chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 3

Phương cùng các thành viên trong Đoàn công tác tranh thủ ăn trong khi giải lao.

Qua cuộc tìm kiếm cứu nạn vừa qua, thượng úy Phương cho biết, đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những người anh trong Đoàn công tác và lực lượng cứu hộ quốc tế. Những kiến thức đó sẽ được anh chia sẻ cho các đoàn viên trong đơn vị để họ có động lực phấn đấu và cống hiến.

Cái duyên với “nghề” cứu nạn, cứu hộ

Nguyễn Nhật Phương khi vừa tốt nghiệp cấp 3, đã tham gia nghĩa vụ trong lực lượng công an. Sau 4 tháng rèn luyện, Phương được phân công về Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận 11.

Nhớ lại những ngày mới vào nghề, thượng úy Phương cũng rất sợ khi làm nhiệm cứu nạn, cứu hộ khi gặp thi thể người. “Cảm giác lúc đầu gặp thi thể ai cũng sợ, nhưng nhờ các anh trong đơn vị động viên, rồi cũng dần quen” - Phương chia sẻ.

Tinh thần tuổi trẻ của chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 4

Các Đoàn cứu hộ tham gia tìm kiếm cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Phương nói, ấn tượng đối với bản thân trong thời gian tìm kiếm ở nước bạn là có rất nhiều tình nguyện viên giống như ở Việt Nam và người dân cũng rất thiện cảm. Họ hỗ trợ Đoàn công tác rất nhiều trong khi tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

“Có 2 bạn tình nguyện viên người Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ Đoàn trong quá trình di chuyển đến các địa điểm tìm cứu nạn, cứu hộ và sinh hoạt ở lều trại, mọi người cần gì liên hệ họ sẽ cố gắng giúp đỡ” - Phương kể.

Do bất đồng ngôn ngữ nên Đoàn công tác và các tình nguyện viên chỉ thể hiện bằng những hành động bắt tay, ôm nhau… khi Đoàn sắp trở về nước, các tình nguyện viên chủ động xin chữ ký mọi người và chụp ảnh cùng làm kỷ niệm.

Khi được hỏi về kỷ niệm nhớ nhất trong chuyến công tác, Phương nói đó là khi xác định được có nạn nhân còn sống sót trong đống đổ nát, thì những người dân, anh em bên ngoài rất vui và hò reo, vỗ tay. Đến khi đưa nạn nhân ra ngoài, người dân chúc mừng rất nhiều và mình cảm thấy rất vui.

“Điều đó như một phép màu, sau thời gian dài nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát”- Phương chia sẻ.

Nguyễn Nhật Phương lập gia đình năm 2019, đây cũng là lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trong thời gian dài ở ngoài đất nước Việt Nam. Những lúc nghỉ giải lao Phương hay gọi điện về để chia sẻ tình hình công việc, sức khỏe để vợ yên tâm hơn. Vợ Phương cũng động viên “anh cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, em đang chờ ở nhà”.
MỚI - NÓNG