Tình nghĩa người dưng

Bà Quế tận tình chăm sóc bà Anh. Ảnh: Giang Thanh
Bà Quế tận tình chăm sóc bà Anh. Ảnh: Giang Thanh
TP - Gần 3 tháng nay, bà Nguyễn Thị Quế (74 tuổi) tất bật hơn khi phải vừa đi bán vé số, vừa chăm sóc cho “đồng nghiệp” Trần Thị Anh (79 tuổi) bị gãy chân vì tai nạn giao thông. Nhìn cách bà Quế chăm sóc bà Anh trong căn phòng trọ nhỏ ở hẻm 250/28 Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), chẳng ai nghĩ họ chỉ là hai người tình cờ gặp nhau nơi xóm nghèo…

Bà Nguyễn Thị Quế quê ở Đại Thành (Đại Lộc), Quảng Nam. Quê nghèo, gia đình khó khăn, sau khi chồng mất được một năm, bà một mình ra Đà Nẵng bán vé số sống qua ngày. “Con cái thì nhiều nhưng đứa nào cũng khổ. Tui còn khỏe, chẳng nhẽ lại ở nhà ăn bám chúng nó”, bà chia sẻ.

Hai năm trước, bà Quế gặp bà Trần Thị Anh (quê ở Quế Lộc, Quế Sơn, Quảng Nam) khi đi bán vé số ở khu chợ An Cư 2 (Sơn Trà, Đà Nẵng). “Thấy bà ấy trải chiếu ngủ ở góc chợ, tui mới hỏi chuyện. Biết bà bị chủ trọ đuổi khéo vì già cả, tui rủ bà về ở trọ cùng, có gì chị em đỡ đần nhau, cùng cảnh đơn chiếc cả”, bà Quế kể.

Ở cùng nhau được mười mấy tháng, hai bà lại bị chủ trọ đuổi khéo, vì “già cả, người ta sợ chết bất đắc kỳ tử, phiền ra”. May mắn, người chủ trọ hiện tại thương hoàn cảnh của hai bà nên cho ở.

 “Lúc tui hỏi cũng không còn phòng, nhưng thấy thương hai tụi tui quá, chị Hạnh chủ trọ mới gọi điện hỏi anh Tâm - người thuê phòng này - cho hai tụi tui ở ghép. Anh này cũng tốt, gọi điện cái là đồng ý luôn. Thế là dọn về đây ở”, bà Quế nhớ lại. 

Đồ đạc của hai bà chỉ cũng có cái túi xách đựng quần áo cũ. Ban ngày đi bán vé số, tối về hai bà trải chiếu nằm ngủ dưới đất, mỗi tháng đóng 650 nghìn tiền nhà và điện nước. Cứ thế, hai bà lão nghèo khó nương tựa vào nhau mà sống.

“Những lúc thế này mới thấy tình cảm của con người với con người. Có người ở tận Sài Gòn hay tin, gửi tặng cho chiếc xe lăn để bà ấy đi bệnh viện, với lại sau này đi bán vé số cho đỡ khó khăn. Có người ở Mỹ gọi điện thoại nhờ người thân sinh sống ở đây đến giúp đỡ, còn gọi điện nói chuyện, động viên bả. Toàn người dưng cả đấy”.

Bà Nguyễn Thị Quế

Mới chuyển về phòng trọ mới được hơn 20 ngày, bà Anh bị tai nạn giao thông khi đi bán vé số, phải bó bột ở chân. Cậu thanh niên gây tai nạn  cho bà cũng nghèo, đưa bà vào bệnh viện, trả viện phí thuốc thang, rồi không thấy quay lại nữa.

Từ đó đến nay đã gần 3 tháng, bà Quế một mình chăm sóc, lo bỉm, sữa, đút cháo, tắm rửa... cho bà bạn già. Bà Anh giờ đã khỏe hơn, có thể trò chuyện, tự ăn cháo nhưng cũng chỉ nằm một chỗ. Hằng ngày, bà Quế đi bán vé số từ 5 rưỡi sáng, đến 7 rưỡi thì về, đi chợ, lo cơm cháo cho cả hai người. Mỗi ngày chỉ bán được 30-40 tờ vé số nên buổi chiều, bà Quế tranh thủ lượm chai bao để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

Thỉnh thoảng đau quá, bà Anh khó tính, không ăn được, cũng không chịu uống thuốc đúng giờ, đôi khi lại tè ra ướt hết cả nệm hay đang ăn lại đòi đi đại tiện... “Đôi khi tui bực quá, nói hay thôi gửi bà về quê thì bả khóc, bảo giờ về quê một thân một mình còn tủi khổ hơn. Nói thì nói vậy, chứ ở với nhau hai năm, không máu mủ nhưng có cái tình cái nghĩa. Giờ bà ốm, làm sao tui bỏ được”, bà Quế cười phúc hậu.

Hỏi bà Anh về người thân, bà chảy nước mắt: “Chồng và con tui đã mất trong chiến tranh, nhà cửa thì cũng bị cuốn trôi mất trong đợt lũ mới đây. Một thân một mình, tui mới ra Đà Nẵng bán vé số”. Hỏi ra, bà  Anh cũng có mấy người cháu họ xa, nhưng nghe nói bà bị tai nạn thì họ làm lơ … 

Những người trong xóm thấy hoàn cảnh hai bà đáng thương cũng thỉnh thoảng nói chuyện cho bà Anh đỡ buồn rồi mang cho cái này cái kia. Chị chủ nhà cũng tốt bụng, đôi lúc nấu cháo bưng qua cho bà Anh, và cũng hay qua coi sóc.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.