“Trời hôm ấy không có gì đặc biệt” từng vấp phải nhiều sự từ chối trước khi đậu ở NXB Hội Nhà văn, lý do? Nếu nhạy cảm thì sao từ lúc sách ra đến giờ chỉ thấy tái bản đều đều, có hề hấn gì đâu? Cụ thể hai cuốn của anh đã in bao nhiêu bản cả thảy?
Lí do từ chối chính thức thì tôi không được biết, có lẽ vì mọi người đều hiểu rằng nó nằm ngoài khả năng hiểu biết của tôi. Nên chi câu trả lời thường chỉ chung chung thôi, ví dụ “Đọc được nhưng in không được em ơi” “Tiếc quá để khi khác em nhé” “Ơ, chị tưởng sách ngôn tình?”. Về số lượng in thì thú thật là tôi không biết, kiểu như viết xong rồi in xong rồi khỏe quá rồi thôi đi chơi đây. Tới mức có bạn đọc hỏi “Anh ơi bao giờ tái bản?” tôi trả lời “Ơ, anh biết đâu” thế là độp luôn “Anh viết sách cái kiểu gì vô trách nhiệm thế? Bó tay!”.
Cây bút trẻ Phan An
Cuốn này bối cảnh giảng đường đại học chiếm phần lớn, hiếm hẳn lãng mạn kiểu “Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên/Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ/Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ/Hoa đã vàng hoa mướp của ta ơi”, “Bạn có nhớ trường nhớ lớp nhớ tên tôi”… (thơ Hoàng Nhuận Cầm). Có lẽ lãng mạn giảng đường nay đã thành xa xỉ hoặc “quê một cục”? (Hơn hai chục năm trước trên ghế khoa Văn Tổng hợp tôi đã thấy thế, xa xỉ). Và phải chăng cái mà người ta hay gọi là tinh hoa, khí phách của sinh viên trí thức nếu có, đã khác hẳn ngày xưa?
“Hồi nhỏ tôi đọc nhiều hơn. Gần đây ít đọc hơn hẳn, thể loại đọc cũng khác, toàn ca dao tục ngữ thôi. Lí do vì sao thì có lẽ các nhà xuất bản sách, dịch giả và tác giả hiện nay hiểu hơn tôi. Mà cũng có lẽ là không”.
Phan An
Tôi còn chẳng biết lãng mạn giảng đường là gì nữa kia. Giảng đường của tôi chỉ tuyền là nằm ghế đá ngủ với ra vỉa hè uống cà phê thôi. Bọn bạn bè tôi hồi đại học cũng có mấy đứa cặp nhau, nhưng cứ như tôi quan sát thì chúng nó chẳng có vẻ gì là lãng mạn cả. Có cặp nọ còn tát nhau bôm bốp, giựt tóc móc mắt ì xèo. Thế còn trong phòng kín chúng nó có lãng mạn chăng, thì tôi không được biết. Về tinh hoa, khí phách của trí thức bây giờ, soi chiếu dưới góc độ gì thì tôi không chắc, nhưng e rằng sẽ phải soi bằng kính hiển vi.
Cả hai cuốn sách của anh đều có sự dụng công một cách tự nhiên về ngôn ngữ. Đây là điểm không dễ thấy ở các cây bút trẻ và không trẻ. Tôi đoán anh là con mọt sách và đọc thượng vàng hạ cám- như Tô Hoài ngày trước và Nguyễn Việt Hà bây giờ. Cũng có người nói văn của anh giống Salinger “Bắt trẻ đồng xanh”?
Tôi không phải mọt sách đâu. Mọt sách thì phải đeo kính trắng, nói chuyện sách và chụp hình kệ sách đăng lên facebook. Tôi còn không có được cái kệ sách cho ra hồn. Hồi nhỏ tôi đọc nhiều hơn. Gần đây ít đọc hơn hẳn, thể loại đọc cũng khác, toàn ca dao tục ngữ thôi. Lí do vì sao thì có lẽ các nhà xuất bản sách, dịch giả và tác giả hiện nay hiểu hơn tôi. Mà cũng có lẽ là không.
Phan An cùng các đồng sự vừa ra mắt trang web “Ca dao Mẹ” - một kho tàng tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam.
Với tôi cũng không nghĩ văn tôi giống Salinger. Theo chỗ tôi tìm hiểu thì ổng viết tuyền tiếng Anh thôi.
“Bất đồng ngôn ngữ” cũng có thể giống hệt nhau đấy. Ví dụ tôi đọc tiểu thuyết đầu tay của một nữ nhà văn Việt kiều thấy được quá nhưng khi cuốn “Tình ơi là tình” của nữ văn sĩ Đức Elfriede Jelinek rơi vào tay, thì cuốn kia bớt được hẳn đi. Thủ pháp giống nhau quá.
Dịch giả Trần Đình Hiến mới đây thông tin rằng ở Trung Quốc, vùng văn học bị chính phủ ban bố 7 lệnh cấm: “Cấm bàn về giá trị nói chung của con người; cấm bàn về tự do ngôn luận; cấm bàn về xã hội công dân; cấm bàn về giá trị công dân; cấm bàn về những sai lầm trong lịch sử Đảng (Cộng sản Trung Quốc); cấm bàn về tư pháp độc lập”. Nhưng họ vẫn có Nobel và Mạc Ngôn, và nhiều người khác. Điện ảnh thì có Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Khương Văn…Anh có vẻ quan tâm Trung Quốc, người viết trẻ như anh có hiểu thế nào là “cấm bàn về giá trị nói chung của con người” không?
Không, nhưng tôi hiểu tại sao họ có Nobel đấy. Cấm tùm lum vậy mà vẫn viết được, lại còn xuất bản qua ta cả triệu triệu đầu sách ngôn tình. Phải tôi có quyền tôi cấp cho mỗi nhà văn Trung Quốc một giải Nobel, chẳng riêng gì ông Mạc Ngôn. Riêng tôi xin nhận nửa giải.
Một cường quốc văn học mà giờ cũng đầu hàng nền văn hóa nghe nhìn rồi. Nhưng kể cả sách ngôn tình của họ, Việt Nam theo còn mệt. Chưa cần điểm danh hạng nhất, lứa èng èng như Lưu Chấn Vân hoặc Vương Sóc “nhà phê bình lưu manh”, nhà văn Việt Nam khó bì.
Kiểu hài hước và đáo để, “thâm” của anh gần với Bắc Hà hơn là miền Trung quê hương?
Ngoài Bắc có từ “đanh đá”. Tôi vừa không hiểu vừa không thích từ này. Bạn bè tôi ngoài đời chẳng ai nói tôi đanh đá cả, chỉ có độc giả nói. Mà độc giả thì không biết tôi, có người còn gọi tôi là bác: “Bác ơi nghe giọng với theo những cái bác viết thì bác cũng Bắc 54 có phải không ạ? Cháu nghĩ đã đến lúc chúng ta quên đi quá khứ cùng hướng đến tương lai, bốn mươi năm rồi đất nước vẫn còn nghèo, bác cứ nhắc mãi những chuyện ấy làm gì?” “Chính thế đấy cháu ạ,” tôi nói.
Trêu ghẹo được ai bằng vũ khí nhọn hoắt của mình chẳng cũng sướng sao! Nhưng mà nước đổ lá môn thôi. Chẳng thế anh phải từ bỏ trang web lá cải của mình, lý do là “thấy mình không còn trách nhiệm”. Chị Lê Minh Khuê nói “nhà văn có làm được gì đâu, chẳng thay đổi được gì”. Báo giấy, báo mạng, càng đấm bị bông.
Cái này tôi xin phép trả lời bằng một bài thơ con cóc tôi viết năm ngoái:
tôi đâu định làm gì
lớn lao đâu
chuyện lớn lao thiên hạ
lót đít nồi
tôi đâu định làm nhà văn
nhà thơ gì đâu nhà văn nhà thơ đói giơ xương
hết đứng lại ngồi
Cứ phá phách gây gổ đi, 20 tuổi thì tha hồ xưng tôi với cả thế giới và “không ngán bố con thằng nào”, hơn nữa Tết này anh đã 20 cộng một chục rồi. Tuy vậy trong tạp văn “Quê hương thu nhỏ”, anh đã để lộ sự yếu đuối của mình? “Tôi nhớ quê hương tôi, nhiều khi trào nước mắt. Những người thích đi châu Âu, đi châu Phi, đi vòng quanh thế giới, họ có suy nghĩ và ước mơ riêng của họ. Còn ước muốn một đời của tôi là đi cho hết đất nước mình. Cũng có lúc tôi tiếc tôi không sinh ra khoảng năm sáu mươi năm về trước, lúc còn chiến tranh bom đạn, để hiểu hơn về những thứ đã mất đi không còn tìm lại được nữa”.
Nếu trào nước mắt là yếu đuối, thì chắc tôi thuộc nhóm người yếu đuối nhất thế giới. Tôi dễ trào nước mắt lắm, nếu chị có đọc Quẩn quanh trong tổ, để ý thì sẽ thấy. Sau đây là một số thứ làm tôi trào nước mắt gần đây (không xếp theo thứ tự gì): Quicksand Jesus, Chuyện tử tế, Cờ nghĩa giồng Sơn Quy, Rừng lá thấp, Đêm nhớ Sài Gòn, Gửi em hành lý, Quê hương thu nhỏ (à nhân tiện, đây thật ra là tên một bài hát). Và tất nhiên là cái thời khắc thiêng liêng khi chữ Nhân Dân được viết hoa trong hiến pháp nữa, rõ ràng rồi.